- Trong hệ thống sách giáo khoa (SGK) từ lớp 1 đến lớp 5 và lớp 9-12 hiện nay, trong giai đoạn kháng chiến chống Pháp đều không đề cập vai trò của Đại tướng Võ Nguyễn Giáp. Nhiều ý kiến cho rằng nên đưa những tư liệu về cuộc đời, công lao của Đại tướng vào chương trình SGK?
- Vấn đề SGK lịch sử nằm trong tình hình chung, tức là cần phải sửa chữa, bổ sung và hoàn thiện. Vấn đề nêu trên cũng là một phần trong việc soạn thảo lại và hoàn chỉnh SGK theo hướng cải cách giáo dục.
Đại biểu Trương Trọng Nghĩa trả lời phỏng vấn. |
Rất đáng tiếc, việc phản ánh trong sách lịch sử về Đại tướng Võ Nguyên Giáp chưa được như chúng ta mong muốn và chưa tương xứng với vai trò, công lao của Đại tướng. Chắc chắn chúng ta phải sửa chữa lại điều này và phải bắt đầu cải tiến từ cấp 1, cấp 2. Theo tôi, ngoài Đại tướng Võ Nguyên Giáp, trong SGK lịch sử còn nhiều vấn đề khác nữa mà sắp tới chúng ta phải lưu ý và có sự điều chỉnh.
- Vai trò lịch sử của Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược rất lớn nhưng SGK lịch sử lại có thiếu sót như vậy, theo ông đâu là nguyên nhân?
- Nguyên nhân phức tạp và tế nhị, nên tôi không phát biểu ở đây. Nhưng dù nguyên nhân gì, sự thật khách quan là Đại tướng có công lao rất lớn trong cuộc kháng chiến đó, ông còn được coi là thần tượng của cả lớp trẻ, chứ không chỉ có những lớp người lớn đã từng biết nhiều về ông. Vì vậy ông xứng đáng được phản ánh một cách đầy đủ và trung thực hơn trong bộ SGK lịch sử cho thế hệ trẻ học tập.
- Khi Đại tướng qua đời, nhân dân cả nước đều hướng về Đại tướng với niềm tiếc thương vô hạn, ông suy nghĩ gì về điều đó?
- Điều đó nói lên một chân lý: Những người có một cuộc đời hết lòng, hết mực vì nước vì dân, có công lao to lớn đối với dân với nước thì nhân dân sẽ biểu lộ, sẽ tôn vinh. Họ sẽ sống mãi trong lòng người dân, dù có thể chưa có tên đường, chưa có tượng đài. Đó mới chính là sự tưởng niệm, tôn vinh cao quý nhất.