Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Đam mê robot, nam sinh chuyên Ams trúng tuyển trường Ivy League

Phạm Gia Nguyên - học sinh lớp 12 Lý 2, trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam - trúng tuyển Đại học Columbia, dự định theo đuổi ngành Kỹ thuật cơ khí.

Gia Nguyên là học sinh lớp 12 Lý 2, trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam.

“Lúc đó, em và cả gia đình đều bất ngờ, sốc nhẹ vì trúng tuyển vào Đại học Columbia”, Phạm Gia Nguyên (18 tuổi) nhớ lại khoảnh khắc mở thư từ Đại học Columbia, ngày 28/3.

Đây trường thuộc Ivy League - nhóm đại học danh giá nhất nước Mỹ - mà Nguyên ứng tuyển năm nay. Không kỳ vọng quá nhiều vào cơ hội ở ngôi trường này, nam sinh chọn mở thư đầu tiên, song kết quả khiến em bất ngờ.

“Em kỳ vọng nhiều hơn ở Đại học Brown và Đại học Pennsylvania vì kết quả phỏng vấn khá tốt. Trong khi đó, em không nhận thư mời phỏng vấn từ Columbia”, Nguyên cho biết chỉ những thí sinh chắc chắn đỗ hoặc có khả năng trượt mới nhận thư mời phỏng vấn từ trường này.

Theo bảng xếp hạng đại học tốt nhất nước Mỹ năm 2025 của US News, Đại học Columbia đứng thứ 13. Tỷ lệ chấp nhận của trường năm nay chỉ 4,29%.

Ngoài Columbia, nam sinh còn trúng tuyển Học viện Công nghệ Georgia, Đại học Illinois Urbana-Champaign, Đại học Rochester và nằm trong danh sách chờ của Đại học Pennsylvania.

Tìm ra đam mê sau nhiều lần thử

Chia sẻ với Tri Thức - Znews, Gia Nguyên cho biết mẹ em có thế mạnh ngoại ngữ, chị gái cũng từ học chuyên Anh của trường Ams. Vì vậy, từ năm lớp 7, em được mẹ định hướng theo đúng con đường này để mẹ và chị có thể hỗ trợ.

Tuy nhiên, suốt một năm ôn luyện tiếng Anh để thi chuyên, Nguyên luôn cảm thấy mệt mỏi, không vui, dù cố gắng vẫn có thể theo được. Nam sinh chỉ cố được một năm, sau đó em bày tỏ không muốn thi chuyên ngữ. Nguyên thấy bản thân phù hợp nhất với môn Vật lý và thuyết phục bố mẹ theo hướng này.

Dù vậy, lên cấp 3, lại một lần nữa, Nguyên phân vân về hướng đi của mình. Bố mẹ muốn em theo đuổi ngành Khoa học máy tính vì đang là xu hướng hoặc Thiết kế nội thất vì bố làm trong ngành, trong khi em lại không muốn và không có thế mạnh.

Trong lúc đang loay hoay giữa các hướng đi, hè năm lớp 10, trong một lần tham gia cuộc thi vô địch quốc gia World Robot Olympiad 2023, Nguyễn tình cờ khám phá niềm đam mê của mình về cơ khí, kỹ thuật.

Là giáo viên chủ nhiệm lớp 12 Lý 2, đồng thời là giáo viên phụ trách CLB GreenAms Robotics Team của trường, cô Phạm Vũ Bích Hằng nhận xét Nguyên rất thông minh, ham học hỏi, có tư duy sáng tạo và có năng lực lãnh đạo.

Cô đã giới thiệu cuộc thi robotics nói trên tới Nguyên. Chỉ trong chưa đầy 2 tháng từ học lý thuyết đến thực hành, ăn ngủ cùng robot, Nguyên đã dẫn dắt đội từ những người mới hoàn toàn đến đạt chứng chỉ vàng và top 4 quốc gia.

“Ban đầu, em chỉ tham gia để trải nghiệm, nhưng khi bắt tay vào làm, em thực sự hào hứng, đam mê, làm không thấy mệt”, nam sinh nói.

Sau cuộc thi, Nguyên sinh đăng ký tham gia câu lạc bộ Robotics của trường. Em có thể dành cả ngày ở trường để thiết kế, lắp ráp robot và nhanh chóng xác định đây là ngành sẽ theo đuổi ở bậc đại học. May mắn, bố mẹ hiểu đây là điểm mạnh của Nguyên nên để em tự do tìm hiểu.

Pham Gia Nguyen Columbia anh 1

Gia Nguyên tham gia giải đấu World Robot Olympiad 2023.

Bộ hồ sơ nhất quán

Tìm ra hướng đi của mình, Nguyên lên kế hoạch và bắt tay vào làm hồ sơ du học. Năm lớp 10, nam sinh học và thi lấy chứng chỉ chuẩn hóa, đạt 8.5 IELTS và 1.540/1.600 điểm SAT, duy trì GPA 3 năm ở mức 9,5-9,7/10.

Hai năm tiếp theo, Nguyên lên chiến thuật “đào sâu thay vì đào rộng” hồ sơ, chứng minh cho hội đồng tuyển sinh thấy mình là cá nhân có cam kết mạnh mẽ với mục tiêu.

Thay vì tham gia nhiều lĩnh vực, nam sinh tập trung tham gia các cuộc thi, hoạt động về công nghệ, kỹ thuật, robotics để “ăn khớp” với ngành Kỹ thuật cơ khí em dự định theo đuổi.

“Em tham gia 5 cuộc thi khác nhau về robotics, cả vị trí thí sinh lẫn người hướng dẫn”, nam sinh nói.

Trong đó, cuộc thi FIRST Tech Challenge Vietnam 2024 để lại cho Nguyên nhiều ấn tượng nhất. Em tham gia năm lớp 11, lúc đó, đội gặp khó khăn do thành lập muộn và hơi thiếu sự hỗ trợ từ thầy cô.

Một tuần trước khi cuộc thi diễn ra, sản phẩm chưa đạt như mong muốn, Nguyên và đồng đội gần như ăn ngủ tại trường để làm robot.

“Có hôm, chúng em làm robot cả đêm, tới 3-4h sáng mới ngủ. Dù vậy, em không thấy mệt, ngược lại rất vui và hào hứng vì được làm thứ mình thích”, nam sinh kể.

Nguyên phụ trách phần cứng, thiết kế 3D, gia công và lắp ráp robot cơ khí. Năm đó, đội của Nguyên đạt hai giải gồm giải Vô địch liên minh và giải Đổi mới sáng tạo. Song, nam sinh tiếc vì không giành được suất tham dự chung kết thế giới.

Thế nhưng, ở cuộc thi năm nay, Nguyên “phục thù” thành công khi đội thi do em hướng dẫn đạt giải á quân thế giới.

Pham Gia Nguyen Columbia anh 2

Robot do đội của Nguyên thực hiện tại cuộc thi FIRST Tech Challenge Vietnam 2024.

Ngoài tham gia các cuộc thi robotics, Nguyên còn tham gia hoạt động ngoại khóa, dự án về khoa học, công nghệ như sáng lập diễn đàn về công nghệ và kỹ thuật, thực hiện dự án về công nghệ sức khỏe, nghiên cứu online với một giáo sư của Đại học California, Berkeley (Mỹ) về vi điều khiển và hệ thống nhúng…

Nguyên cũng là một trong 10 học sinh Việt Nam tham gia chương trình học bổng Samsung SST Membership. Trong đó, em được tham gia đào tạo trực tiếp tại Samsung R&D Center Vietnam với các kỹ sư Samsung, được đào tạo chuyên nghiệp về lập trình phần mềm, AI và IoT; đạt trình độ Advanced về Cấu trúc dữ liệu và giải thuật (tương đương yêu cầu đầu vào của kỹ sư phần mềm Samsung).

Hồ sơ học thuật, nghiên cứu tốt là điều kiện cần để vào các trường Ivy League nhưng Nguyên nhìn nhận như vậy là chưa đủ. Em cần tập trung đầu tư cho cả bài luận để thể hiện bản thân toàn diện, có bản sắc và nhiều góc nhìn riêng.

“Nhiều bạn đánh giá thấp bài luận, chỉ chú trọng hồ sơ học thuật, thành tích, nhưng thực tế, bài luận có thể chiếm đến 70% sự thành công”, Nguyên chia sẻ.

Bài luận chính yêu cầu thí sinh viết về những điều ảnh hưởng đến cuộc đời. Thay vì viết về robot, để có góc nhìn khác, Nguyên viết về “sự không hoàn hảo”. Nam sinh mất nửa năm để hoàn thành bài viết 650 từ.

Em kể về một người bạn đặc biệt, gặp nhiều trở ngại trong giao tiếp, thường xuyên đối diện với những lời trêu chọc và ánh mắt thiếu thiện cảm từ mọi người.

Khác với bạn, Nguyên "lành lặn" hơn, nhưng em lại tự đặt ra những áp lực vô hình, luôn ám ảnh bởi suy nghĩ phải đạt vị trí số một, "hoặc hoàn hảo, hoặc vô giá trị". Mỗi khi thất bại, em dễ rơi vào trạng thái suy sụp.

Trong khi đó, người bạn có vẻ ngoài "không hoàn hảo" ấy lại sở hữu tài năng thực sự, từng gặt hái nhiều giải thưởng trong các kỳ thi học sinh giỏi. Chính mối quan hệ bạn bè đặc biệt này đã mang đến cho Nguyên một góc nhìn mới.

“Em nhận ra mỗi người đều có những thế mạnh riêng. Cuộc sống không phải tập trung vào điểm yếu mà phải sử dụng điểm mạnh để nâng đỡ người khác. Đôi khi, thành công, hoàn hảo không chỉ là thành tựu cá nhân mà còn là khả năng giúp đỡ những người xung quanh cùng phát triển”, Nguyên chia sẻ.

Tháng 8 tới, nam sinh sẽ tới Mỹ du học, dự định sẽ theo đuổi ngành Kỹ thuật cơ khí theo đúng đam mê. Sau đó, Nguyên mong muốn sẽ đóng góp được nhiều hơn nữa cho đất nước sau những năm tháng học tập tại Mỹ.

Sách dành cho thời thanh xuân đã qua của bạn

Dành cho những độc giả muốn hoài niệm về một thời thanh xuân đã qua (hoặc chưa từng qua), mục Giáo dục trân trọng giới thiệu Ai đó chạy cùng ta, câu chuyện về tình yêu, về tuổi trẻ "tuột xích", về hành trình trưởng thành, đặt trong bối cảnh xã hội Israel hiện đại; hay Nắp biển, một lời tự sự của người ưa hoài niệm trong những khoảnh khắc cô đơn chỉ biết nhớ về những điều đã cũ; hoặc thân thuộc hơn, 8 bộ manga nổi tiếng về chủ đề thanh xuân.

Nam sinh gốc Việt trúng tuyển 8 trường Ivy League

Thinh Pham, nam sinh Mỹ gốc Việt, trúng tuyển cả 8 đại học Ivy League - nhóm đại học danh giá nhất nước Mỹ.

Ngọc Bích

Ảnh: NVCC

Bạn có thể quan tâm