Trong phiên xử ngày thứ 3 vụ đại án khiến Agribank thất thoát gần 2.500 tỷ đồng, HĐXX tập trung hỏi các bị cáo về khoản tiền 15 triệu USD cho Công ty liên doanh Lifepro Việt Nam vay. Nhiều người thừa nhận có thiếu sót vì làm theo sự chỉ đạo của Phạm Thị Bích Lương (47 tuổi, cựu Giám đốc Agribank, chi nhánh Nam Hà Nội).
Bị cáo Trương Thị Út (49 tuổi, cựu Trưởng ban Tín dụng doanh nghiệp Agribank chi nhánh Nam Hà Nội) khai lúc đầu không đồng ý việc giải ngân 15 triệu USD cho công ty trên vay để mua 6 thương hiệu. Khi nhận được điện thoại của cấp trên từ nước ngoài về: "Chị cứ giải ngân đi, em chịu trách nhiệm", Út đã làm theo lời của Lương.
Trước lời khai của người từng là cấp dưới của mình, bị cáo Lương đã phủ nhận. Cựu giám đốc Agribank chi nhánh Nam Hà Nội nói không chỉ đạo cấp dưới chuyển 15 triệu USD trên ra ngân hàng nước ngoài khi chưa có lệnh chuyển gốc.
Bị cáo Lương tại tòa. Ảnh: Chụp qua màn hình. |
Khai trước tòa, bị cáo Nguyễn Thị Nguyệt Thanh (36 tuổi, cựu Trưởng phòng Thanh toán quốc tế, Chi nhánh Agribank Nam Hà Nội) cũng khẳng định bản thân đã chuyển tiền theo yêu cầu của Lương. Theo trình bày của nữ bị cáo 36 tuổi, khi nhận thấy sai sót, chị ta đã làm tờ trình mang sang phòng tín dụng, phản đối việc chuyển 15 triệu USD ra nước ngoài nhưng không được ai giải thích.
Thanh nói, khi cầm tờ trình sang gặp Lương đã nhận được chỉ đạo tiếp tục thực hiện lệnh chuyển tiền trái với quy định của ngân hàng.
Cũng trong phiên xét hỏi hôm nay, nhiều bị cáo thừa nhận bản thân có sai sót trong việc ký vào báo cáo dự án khả thi được làm từ một báo cáo không có thật để nâng quyền phán quyết cho vay của Agribank chi nhánh Nam Hà Nội đối với Công ty liên doanh Lifepro Việt Nam.
Phạm Thanh Tân (61 tuổi, cựu Tổng giám đốc Agribank) cho rằng về trình tự mình đã làm đầy đủ. Ông Tân nhận thấy bản thân có một phần trách nhiệm khi được cơ quan chức năng cho biết báo cáo dự án khả thi không có thật.
Trong khi đó, bị cáo Phạm Thị Bích Lương vẫn khẳng định mình làm đúng. Lương khẳng định tất cả các hồ sơ đúng với thực tế dự án. "Bị cáo có xuống thực tế xem dự án. Đó là dự án kế thừa dự án đã có sẵn", cựu giám đốc Agribank, chi nhánh Nam Hà Nội nói.
Với lời khẳng định của bị cáo Lương, HĐXX chất vấn: "Nãy Lê Minh Hiếu (42 tuổi, cựu giám đốc Công ty cổ phần Vietmad và Công ty cổ phần Lifepro Việt Nam) khai công ty làm ăn thua lỗ, không có lãi. Vậy, bị cáo dựa vào cái gì nói lời khai của mình là đúng"?.
Lúc này, nữ bị cáo lí nhí: "Thời điểm đó bị cáo không biết vì trình đến ngân hàng là có lãi”.
Ngày mai, 21/12, HĐXX tiếp tục làm việc.
Theo bản án sơ thẩm, sau khi đổi tên Công ty cổ phần Enzo Việt thành Công ty liên doanh Lifepro Việt, 5 nghi can là người nước ngoài (nguyên là dàn lãnh đạo của công ty) đã có hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản của Agribank chi nhánh Nam Hà Nội.
Thông qua việc liên kết vay tiền với Lê Minh Hiếu và xin chuyển đổi pháp nhân dự án Dệt - Nhuộm - May, nhóm này đã lập khống hồ sơ vay vốn, chuyển nhượng 6 thương hiệu “ma” để được Agribank Việt Nam phê duyệt nâng quyền phán quyết cho vay.
Tổng số tiền các bị can này lừa đảo chiếm đoạt của Agribank gần 2.500 tỷ đồng. Nguyên nhân dẫn đến việc chiếm đoạt trên là do 18 cán bộ, lãnh đạo của ngân hàng, công chức Chi cục Hải quan Hà Tây (nay là Cục Hải quan Hà Nội) tiếp tay để hưởng lợi.
Đầu tháng 1, 18 bị cáo bị TAND Hà Nội tuyên từ 2 - 30 năm tù về các tội: Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ, Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng… Trong đó, Phạm Thị Bích Lương và Chử Thị Kim Hiền cùng lĩnh 30 năm tù; Phạm Thanh Tân lĩnh 22 năm tù...