Dân Bình Định dựng lều bán mai Tết xuyên đêm ven quốc lộ 1
Thứ ba, 24/1/2017 10:30 (GMT+7)
10:30 24/1/2017
Những ngày cận Tết, hàng trăm hộ dân Bình Định dựng lều bạt ở tạm ven quốc lộ 1 trải dài 20 km từ thị xã An Nhơn đến huyện Tuy Phước để bán mai xuân.
Người dân xã Nhơn An, thị xã An Nhơn, dùng giàn giáo sắt, ván gỗ (vốn dùng xây dựng công trình), lợp bạt, dựng lều ven quốc lộ 1 bán mai Tết.
Những chậu mai kiểng nở vàng bên lều bạt ở thị xã An Nhơn. Một số hộ dân tận dụng khoảng đất trống ven quốc lộ 1, thuê cả rạp đám cưới dựng lều kinh doanh.
Ông Nguyễn Tấn Đức, Chủ tịch UBND xã Nhơn An, cho hay toàn xã có 1.500 hộ trồng mai, mưa lũ liên tiếp gây ngập, thiệt hại nặng cho hàng trăm nghìn cây. Số mai Tết nở đúng dịp Tết năm nay có giá cao hơn năm ngoái từ 30.000-300.000 đồng tùy theo tuổi thọ. "Thương lái mua tại ruộng với giá rẻ nên nhiều hộ đã vận chuyển mai lên dựng lều bạt ven quốc lộ 1 hy vọng bán cho người đi đường được giá hơn để bù vào khoản thiệt hại do mưa lũ gây ra", ông Đức nói.
Ông Trần Hà (ngụ huyện Tuy Phước) thổ lộ giá mai cao hơn nhiều so với năm ngoái nên sức mua chậm. Giá mai năm nay cao vì người dân địa phương "gồng mình" qua 5 đợt lũ, nhiều mai chết do ngập úng, hàng không nhiều bằng năm ngoái.
Theo người dân địa phương, họ dựng lều bán mai Tết ven quốc lộ 1 chủ yếu cho khách làm ăn xa từ các tỉnh phía nam, Tây Nguyên về quê miền Trung và phía bắc ăn Tết.
Tùy theo tuổi thọ, thần thế của cây mai mà có giá khác nhau, thường dao động từ 300.000 - 2 triệu đồng. Ông Phạm Văn Phước, quê Thái Bình, vào Bình Định lập nghiệp được 10 năm nhưng đây là lần thứ 2 trong 5 năm ông về quê ăn Tết. "Ngoài quê đã có hoa đào nhưng tôi quyết định mua hai chậu mai vàng Bình Định mang về quê, tạo thêm không khí Tết hai miền Nam - Bắc trong nhà", ông Phước nói.
Anh Phạm Văn Khôi (ngụ phường Bình Định, thị xã An Nhơn) tỉa cành cho chậu mai giữa đêm. "Mình dựng lều bán mai Tết ven quốc lộ 1 phải chịu lạnh, muỗi đốt khi đêm về. Những lúc ngủ quên, mình còn bị trộm khiêng mất chậu mai... là chuyện thường xảy ra. Nhiều đêm thức trắng đến phờ phạc người nhưng bù lại xe khách đi đường dừng lại mua mai nhiều, trang trải Tết cho vợ, con ấm áp hơn", anh Khôi bộc bạch.
Ông Hồ Quang Giao (ngụ xã Nhơn An, thị xã An Nhơn) phun nước giữ cho những chậu mai được tươi lâu. Vụ mai Tết năm nay gia đình ông trồng 3.000 cây mai nhưng lũ chồng lũ tràn về cuốn trôi, gây chết khoảng 1.000 cây. "Thời tiết diễn biến khó lường, may mà vườn mai của gia đình tôi có 100 cây nở đúng dịp tết. Mỗi chậu mai từ 3 đến 6 năm tuổi có giá bán từ 400.000 đến 2 triệu đồng và có nhiều khách ghé mua", ông Giao tâm sự.
Công việc bán mai của các hộ dân nơi đây thường kéo dài từ đêm qua ngày, mỗi khi có xe khách dừng lại, họ vội vã bật chạy ra chào đón.
Họ treo võng dù trong lều bạt, co ro tranh thủ chợp mắt trong giá lạnh.
Ông Nguyễn Trần Thành (ngụ thị xã An Nhơn) nói hạnh phúc lớn nhất của người dân nơi đây là bán được hết các chậu mai xuân trước thời khắc thiêng liêng đêm giao thừa, thu nhập khá trở về đón Tết sum vầy, no ấm bên vợ, con. Do mưa lũ gây thiệt hại nên vụ mai Tết năm nay gia đình nào thu nhập cao nhất cũng chỉ vài chục triệu đồng (giảm hơn 50% so với vụ mai Tết năm ngoái).
Mưa kéo dài liên tục trong nhiều ngày nay khiến không ít người trồng mai tại TP.HCM lo lắng, nhiều hộ dùng biện pháp chong đèn, kéo bạt che chắn để mong giảm thiệt hại.
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà làm Tổ trưởng Tổ công tác triển khai thực hiện Đề án "Phương án tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến các dự án, đất đai trong các kết luận thanh tra, kiểm tra, bản án tại một số tỉnh, thành phố".