Khoảng 7h30 sáng đầu tuần, xe máy của Kim Ngân (23 tuổi) “chôn chân” tại lối vào hầm chui Trung Hòa, đoạn nối Trần Duy Hưng - Đại lộ Thăng Long (quận Cầu Giấy, Hà Nội). Ngân sốt ruột nhìn đồng hồ, 30 phút nữa tới giờ chấm công, nhưng cô đành bất lực vì kẹt giữa “biển” xe cộ đang di chuyển như rùa bò trên đường.
Nhiều người mất kiên nhẫn, quay xe đi ngược chiều bất chấp nguy cơ bị xử phạt vi phạm giao thông. Sau khoảng 20 phút nhích từng chút một, Ngân cuối cùng cũng thoát khỏi đoạn đường hầm gần 700 m. Nhưng kết quả, cô vẫn đi làm muộn 20 phút.
Nhà Ngân ở phường Tây Mỗ (quận Nam Từ Liêm), cách công ty ở quận Long Biên 20 km. Trước đây, cô gái sinh năm 2002 mất khoảng 1 tiếng đi làm. Hơn 10 ngày nay, cô phát khóc khi thời gian di chuyển tăng lên gấp rưỡi vì tắc đường.
“‘Combo’ tắc đường và không khí ô nhiễm khiến tôi nghĩ thôi đã thấy nản mỗi khi dắt xe ra ngoài”, Ngân chia sẻ với Tri Thức - Znews.
Trưa cuối tuần trên đường Nguyễn Trãi (Hà Nội), tất cả làn đường được phủ kín bởi ôtô, xe máy phải luồn lách qua các khe hở và leo lên vỉa hè để di chuyển. Ảnh: Thế Bằng. |
Không riêng Kim Ngân, nhiều dân văn phòng ở Hà Nội cũng đang than trời vì “mở mắt ra đã thấy kẹt xe”. Những ngày này, các tuyến đường lớn, nhỏ trong thành phố như Nguyễn Chí Thanh, Vành đai 3, Nguyễn Trãi, nút giao Ngã Tư Sở, Láng… lâm vào cảnh ùn tắc trong nhiều khung giờ, đặc biệt vào cuối tuần.
Cận Tết Nguyên đán, nhu cầu đi lại, mua sắm khiến lưu lượng phương tiện giao thông tăng cao. Bên cạnh đó, Nghị định 168 của Chính phủ có hiệu lực với mức xử phạt cao khiến nhiều người dân bỏ “thói quen” rẽ phải khi đèn đỏ, leo xe lên vỉa hè, đỗ đè lên vạch kẻ đường... Các lỗi này bên cạnh bị phạt tiền còn dẫn đến trừ điểm giấy phép lái xe.
Dậy từ 6h đi làm tránh tắc đường
Gần nửa tháng nay, các cuộc trò chuyện trong nhóm chat của công ty Hoàng Hiệu (24 tuổi) đều xoay quanh chủ đề tắc đường. Những người nhà xa than stress vì vừa phải vật lộn với tình trạng kẹt xe, vừa sợ đi làm muộn bị phạt mỗi ngày.
Hơn 8h sáng đầu tuần, Hiệu cũng vật vã di chuyển từ nhà ở phố Triều Khúc (quận Thanh Xuân) tới 9h mới đến công ty nằm trên đường Trần Đăng Ninh (quận Cầu Giấy). Quãng đường 10 km vốn thường chỉ mất 20-25 phút, gần đây cô phải tốn 40-45 phút.
“Ngã tư Khuất Duy Tiến và khu vực Đại lộ Thăng Long là tắc kinh hoàng nhất. Nhiều lúc, tôi đợi 3 nhịp đèn đỏ 90 giây mà vẫn chưa thoát được khỏi ngã tư”, cô gái sinh năm 2001 kể.
Hoàng Hiệu mệt mỏi khi đi làm trong tình cảnh tắc đường và không khí ô nhiễm ở Hà Nội. Ảnh: NVCC. |
Do phải đi làm xa và thường xuyên di chuyển bằng xe máy, Hiệu khá lo lắng trước các quy định mới về mức phạt vi phạm giao thông cũng như trừ điểm Giấy phép lái xe theo Nghị định 168 của Chính phủ. Tuy nhiên, những ngày qua, cô quan sát thấy ý thức chấp hành quy định pháp luật về giao thông của người dân thay đổi rõ rệt.
“Tình trạng vượt đèn đỏ và leo vỉa hè gần như không có, nhưng phương tiện đỗ trên vạch kẻ đi bộ hay dừng không đúng làn đường vẫn xảy ra do lượng xe cộ quá đông”, cô chia sẻ.
Cung đường Hiệu đi làm qua nhiều ngã tư và đèn đỏ. Chưa kể, tình trạng ôtô lấn hết làn đường, khiến xe máy không còn chỗ di chuyển. Vào giờ cao điểm, cô phải đi tắt qua những con ngõ, tránh tối đa các trục đường lớn có nhiều xe hơi để tiết kiệm thời gian.
Số lượng phương tiện đi lại dịp cận Tết dày đặc, cộng thêm không khí ô nhiễm ở Hà Nội khiến Hiệu mệt mỏi mỗi khi ra đường. Tuy nhiên, cô vẫn thấy may mắn hơn nhiều đồng nghiệp nhà xa công ty.
Đơn cử, trưởng phòng của Hiệu sống ở xã Đặng Xá (huyện Gia Lâm), cách cơ quan 26 km. Dù 9h mới vào làm, anh phải dậy từ khoảng 6h để kịp ra khỏi nhà lúc 6h30-7h mới không lo muộn. Có ôtô, anh cất ở nhà vì thấy di chuyển bằng xe máy đỡ bất tiện, tiết kiệm cả thời gian lẫn tiền bạc hơn.
Trên quãng đường 3 km từ nhà ở phố Triều Khúc (quận Thanh Xuân) đến công ty ở phường Vạn Phúc (quận Hà Đông), Hoàng Nam thường xuyên chứng kiến cảnh ôtô phủ kín tất cả làn đường, khiến xe máy phải chen chúc, chật vật di chuyển trong các khung giờ cao điểm.
Hoàng Nam thường đi đường tắt để tiết kiệm thời gian di chuyển từ nhà đến công ty. Ảnh: NVCC. |
Ùn ứ kéo dài, nhiều người đi xe máy leo lên vỉa hè tìm lối thoát dù mức phạt mới cho lỗi này theo Nghị định 168 là 4-6 triệu đồng và bị trừ 2 điểm giấy phép lái xe.
“Đường có 3 làn đều bị ôtô chiếm cả, đến ngách nhỏ nhất xe máy cũng không chen lên được thì họ phải leo vỉa hè. Thay vì chỉ tắc ở ngã ba và ngã tư, giờ kẹt nguyên con đường”, nhân viên văn phòng 30 tuổi bày tỏ.
Theo Nam, mặc dù vẫn còn tài xế ý thức kém, đa số người tham gia giao thông đã nhìn nhận nghiêm túc về nghị định mới, sợ bị phạt trực tiếp hoặc phạt nguội.
Với Nam, quãng đường từ nhà đến công ty không quá xa, giờ tan làm sau 18h cũng tạm qua mốc cao điểm, anh thấy đỡ mệt mỏi. “Hôm nào đen đủi thì đường tắc lâu, tắc dài”, anh nói.
Giải pháp của Nam để tránh tắc đường là đi lối tắt, tranh thủ đoạn đường vắng cố đi nhanh hơn một chút nhưng vẫn chấp hành về tốc độ cho phép và tín hiệu đèn giao thông.
“Tôi nghĩ khi tham gia giao thông, mọi người nên nhường nhịn nhau một chút. Ai cũng vội, cũng có cái khó riêng nhưng cứ đi đúng, làm đúng luật thì không lo bị phạt”, anh chia sẻ.
Cất ôtô bắt xe ôm đi làm
Từ đầu tháng 1, chiếc xe hơi của Cát Tiên (31 tuổi, quận Thanh Xuân) gần như chỉ nằm im lìm trong bãi gửi xe ở trung tâm thương mại gần nhà. Thay vì lái “xế hộp”, cô chuyển sang bắt xe ôm công nghệ đi làm.
“Tôi không sợ bị xử phạt vi phạm giao thông theo nghị định mới, chỉ là ngán cảnh tắc đường nên book xe để có người chở đi đỡ mệt”, Tiên cho biết.
Nhà Tiên ở gần tòa The Artemis Lê Trọng Tấn, trong khi cô làm việc trên phố Duy Tân (quận Cầu Giấy), cách nhau hơn 6 km. Giờ đi làm hay tan tầm của Tiên đều đúng lúc cao điểm, ùn tắc kéo dài, nhất là đoạn qua đường Láng.
Cuối năm, nhu cầu đi lại tăng cao, Tiên thừa nhận nhiều hôm đặt xe qua ứng dụng vào giờ cao điểm phải chờ lâu hơn bình thường 10-15 phút. Dẫu vậy, cô vẫn thấy thoải mái hơn là tự lái xe.
Tình trạng tắc đường trở nên nghiêm trọng tại các điểm giao cắt và đèn giao thông vào giờ tan tầm. Ảnh: Việt Hà. |
Thường xuyên sử dụng xe công nghệ để di chuyển, Phạm Anh (29 tuổi) - nhân viên ngành truyền thông - cũng nhận thấy gần đây, việc đặt xe qua ứng dụng khó khăn và lâu hơn, tùy địa điểm.
Tuần trước, Phạm Anh đặt cuốc ôtô từ phố Bồ Đề (quận Long Biên) về nhà ở chùa Quỳnh (quận Hai Bà Trưng) với giá 156.000 đồng. Tài xế nhận cuốc ở khá xa, cô chờ 20 phút không thấy nên liên lạc và được nhờ hủy chuyến.
Đặt lại cuốc xe thứ hai, Phạm Anh chờ 15 phút nhưng tài xế vẫn ở quá xa, trong khi cô cần về nhanh cho kịp giờ công việc khác nên chủ động nhấn hủy. Không thể kiên nhẫn hơn, cô đành gọi taxi ở ngoài, chấp nhận mức giá đắt hơn là 180.000 đồng, nhưng chỉ đợi 5 phút là xe đến.
“Để không bị nhỡ công việc, tôi thường cố gắng xuất phát sớm nhất có thể. Tôi vẫn ưu tiên đặt xe qua ứng dụng công nghệ vì được áp mã giảm giá, phần nào tiết kiệm chi phí hơn. Nhưng nếu không thể book được, tôi vẫn còn thời gian tính phương án khác”, Phạm Anh chia sẻ.
Anh Xuân Cường - tài xế xe công nghệ ở Hà Nội - cho biết thời điểm cận Tết, các tài xế nhận được nhiều yêu cầu đặt xe hơn vì nhu cầu người dân đi lại, mua sắm tăng cao. Tuy nhiên, nhiều đồng nghiệp của anh muốn kiếm thêm thu nhập tiêu Tết nhưng cũng đành “bó tay” vì tình trạng tắc đường.
Vào khung giờ cao điểm 17-19h, nhiều tài xế chọn tắt ứng dụng, không nhận khách. Bởi lẽ, theo anh Cường, thường trong vòng 3 tiếng này, họ có thể chạy ít nhất là 3 cuốc. Nhưng gần đây, do tình trạng ách tắc trên nhiều tuyến đường, họ chỉ có thể chạy nhiều là 2 cuốc, với thời gian kéo dài hơn đáng kể. Do đó, việc đặt xe trong giờ cao điểm cũng khó và lâu hơn thời điểm khác trong ngày.
Để có một cuộc sống chất lượng vượt trội
Trong cuốn sách Đầu tư thông minh của Anthony Robbins, tác giả cho rằng sự giàu có đích thực không chỉ dừng lại ở tiền bạc mà nằm ở cảm xúc, tâm lý và tâm hồn. Nếu bạn không hạnh phúc, bạn không thể có một cuộc sống tuyệt vời, bất kể ví tiền của bạn dày như thế nào.