Nhiều tháng nay, bà Lê Thị Chức (52 tuổi, ở thôn Ổn Lâm 2, xã Công Bình) rơi vào cảnh thất nghiệp. Được chính quyền và doanh nghiệp vận động, gia đình bà đã giao 1,6 ha trồng mía cho dự án bò sữa từ trước tháng 10/2017.
"Thời điểm đó, gia đình tôi vội vã chặt non vụ mía để nhường đất cho dự án. Keo non cũng chặt để bán rẻ hoặc làm củi. Giờ số tiền đền bù chưa thấy đâu, doanh nghiệp lại bảo không lấy đất nữa", bà Chức nói.
Gia đình bà Chức chỉ là một trong hơn 150 hộ dân ở các xã Yên Mỹ, Công Bình (huyện Nông Cống) và xã Thanh Tân (huyện Như Thanh) rơi vào cảnh điêu đứng khi đồng ý giao đất cho Dự án chăn nuôi bò sữa và chế biến sữa tập trung quy mô công nghiệp.
Dự án chăn nuôi bò sữa rốt ráo triển khai rồi dừng đột ngột khiến đồi cây, ruộng đất của người dân tiêu điều, xơ xác. Ảnh: Nguyễn Dương. |
Rốt ráo vận động giao đất rồi đột ngột dừng
Dự án này được Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Nguyễn Đình Xứng ký quyết định chấp thuận chủ đầu tư vào ngày 17/5/2017. Chủ đầu tư là Công ty TNHH Hai thành viên ứng dụng công nghệ cao nông nghiệp và thực phẩm sữa Yên Mỹ (Công ty được thành lập từ góp vốn, công nghệ của Công ty TNHH Một thành viên Yên Mỹ và Công ty Cổ phần Ứng dụng công nghệ cao nông nghiệp và thực phẩm sữa TH, có địa chỉ tại xã Yên Mỹ, huyện Nông Cống).
Quy mô dự án được triển khai tại 3 xã nói trên với tổng diện tích 1.354 ha để xây dựng 4 trang trại chăn nuôi 20.000 con bò, xây dựng nhà máy chế biến sữa công suất 72 tấn/ngày, xây dựng khu phụ trợ, trồng cỏ... Tổng mức đầu tư 3.800 tỷ đồng.
Sau thời điểm chấp thuận, các ban, ngành chức năng của tỉnh Thanh Hóa rất rốt ráo trong việc chỉ đạo giải phóng mặt bằng. Chính quyền hai huyện Nông Cống, Như Thanh cũng ban hành quyết định về việc thu hồi đất và phê duyệt phương án bồi thường.
Đồi mía của gia đình ông Trần Thế Thảo không phát triển vì không được chăm sóc trong thời gian chờ nhường đất cho dự án. Ảnh: Nguyễn Dương. |
Nhân viên của doanh nghiệp phối hợp cùng đoàn công tác của huyện, xã từng ngày về vận động, thuyết phục từng hộ dân giao đất. Sau khi lắng nghe, bà con trong vùng ảnh hưởng của dự án cũng đã đồng thuận giao đất.
Đến tháng 10/2017, công tác kiểm kê, đo đếm diện tích đất đai, nhà cửa của bà con đã hoàn thành. Chịu ảnh hưởng của dự án có gần 100 ha đất ở, đất nông nghiệp, đất vườn của gần 40 hộ dân xã Công Bình và gần 30 ha đất của 117 hộ gia đình ở xã Thanh Tân.
Sau đó, người dân được thông báo dừng mọi sản xuất, canh tác nên phải chặt các loại cây mía, keo non bán tống, bán tháo. Nhiều ao hồ nuôi cá, trâu bò cũng đã được bà con bán để chuẩn bị di dời nhà cửa.
Họ chỉ chờ để được nhận hỗ trợ đền bù để giao đất cho dự án và di chuyển đi đến nơi tái định cư để việc triển khai giải phóng mặt bằng được thực hiện.
Thế nhưng, chủ đầu tư lại đột ngột dừng việc lấy đất khiến cuộc sống người dân đảo lộn. Nhiều tháng qua, họ hàng ngày như ngồi trên đống lửa và sống trong cảnh lo lắng.
Dân thiệt hại đủ đường
Đến xã Công Bình những ngày này sẽ không còn thấy những đồi keo xanh tốt, những cánh đồng mía bạt ngàn. Thay vào đó là cảnh đồi hoang, đất trống, không khí ảm đạm.
Bà Lê Thị Việt (51 tuổi, thôn Ổn Lâm 1) cho biết theo kế hoạch thì gia đình bà sẽ nhận được 4,1 tỷ đồng tiền đền bù hơn 8 ha đất (bao gồm nhà cửa, đất trồng). Từ tháng 10/2017, gia đình bà dừng sản xuất. Gia đình rốt ráo bán non 3,8 ha đồi keo non, 4,5 ha mía non và 1 cặp bò để nhường đất cho dự án và chuẩn bị đi đến nơi tái định cư.
"Chúng tôi ngồi chờ để được nhận tiền đền bù nhưng không thấy. Đi hỏi huyện, tỉnh thì được biết chủ đầu tư không lấy đất nữa. Cây chặt non vụ 2017, gia đình chúng tôi thiệt hại nặng. Chưa kể vụ mía 2018, do chờ dự án lấy đất nên gia đình chúng tôi không chăm sóc. Thiệt hại đủ đường, chúng tôi biết kêu ai giờ?", bà Việt nói.
Ông Lâm xót xa nhìn đồi keo trơ gốc do phải chặt non để dự án triển khai. Ảnh: Nguyễn Dương. |
Gần đó, gia đình ông Lê Công Lâm (58 tuổi) rơi vào cảnh tương tự. Đồi keo xanh tốt của gia đình ông giờ chỉ còn trơ gốc. Ông đã bán đi 1 ao cá, 3,1 ha keo non, 17 gốc xoài non để nhường đất cho dự án.
"Hàng ngày, nhìn đồi keo mà chúng tôi không khỏi xót xa. Giờ ai chịu trách nhiệm việc này đây? Chúng tôi biết làm gì để sống?", ông Lâm than thở.
"Mất lòng tin với dân"
Trao đổi với Zing.vn, ông Đinh Xuân Dùng, Chủ tịch UBND xã Công Bình, bày tỏ ông và cán bộ địa phương cũng rất bức xúc khi dự án đột ngột dừng triển khai.
Ông Dùng cho biết, khi có chủ trương của UBND tỉnh, huyện phối hợp với xã mất nhiều tháng trời để thành lập Hội đồng Giải phóng mặt bằng đi kiểm kê, đo đếm, rồi vận động bà con giao đất. Các công việc gặp rất nhiều khó khăn nhưng sau đó đã tiến hành xong.
"Đến đầu năm 2018, doanh nghiệp không lấy phần đất của địa phương đã kiểm kê, đo đếm. Điều này khiến người dân mất lòng tin với chính quyền. Bà con hiện gặp rất nhiều khó khăn. Chúng tôi mong cấp trên, chủ đầu tư có biện pháp hỗ trợ người dân", ông Dùng nói.
Ông Nguyễn Văn Tuấn, Phó chủ tịch UBND huyện Nông Cống, cho biết chính quyền huyện cũng đã làm văn bản đề nghị doanh nghiệp chuyển kinh phí bồi thường cho bà con nhưng họ vẫn không thấy hồi âm.
Đến ngày 23/3, do người dân bức xúc nên đã tổ chức họp giữa các xã, huyện và đại diện doanh nghiệp. Trong buổi họp, ông Trần Tuấn Hiệp, Phó tổng giám đốc Công ty TNHH Hai thành viên ứng dụng công nghệ cao nông nghiệp và thực phẩm sữa Yên Mỹ, nêu lý do công ty không có tiền trả tiền giải phóng mặt bằng cho người dân nên không tiếp tục đầu tư dự án.
"Trước mắt, huyện đã chỉ đạo các xã thông báo cho người dân tiếp tục sản xuất. Về những thiệt hại của người dân, phía công ty nói sẽ có trách nhiệm nhưng chưa thấy có hành động cụ thể nào", ông Tuấn nói.
Chủ đầu tư “chê” giá đất cao
Theo báo cáo của Công ty TNHH Hai thành viên ứng dụng công nghệ cao nông nghiệp và thực phẩm sữa Yên Mỹ gửi Sở TN&MT Thanh Hóa, số tiền bồi thường hỗ trợ GPMB tại xã Yên Mỹ và xã Công Bình, huyện Nông Cống giai đoạn 1 là hơn 147 tỷ đồng. Như vậy, với diện tích 1 ha thì dự kiến số tiền bồi thường GPMB công ty phải ứng trước là khoảng 720 triệu đồng. Để thực hiện GPMB toàn bộ dự án với diện tích 125 ha thì kinh phí bồi thường, hỗ trợ công ty phải chi trả khoảng 90 tỷ đồng.
Công ty này cho rằng kinh phí bồi thường GPMB đối với một dự án nông nghiệp như dự án tại xã Yên Mỹ và xã Công Bình là quá cao nên đề nghị UBND tỉnh cho phép được thuê đất đã GPMB để tiếp tục thực hiện dự án. Trường hợp UBND tỉnh không thống nhất hỗ trợ kinh phí GPMB tại vị trí thực hiện dự án đã được chấp thuận thì công ty đề nghị được thay đổi vị trí thực hiện dự án.
Phía UBND tỉnh Thanh Hóa khẳng định ngân sách tỉnh hàng năm không đủ chi cho công tác bồi thường, GPMB các dự án đầu tư không thuộc ngân sách Nhà nước. Do đó, đề nghị của công ty là không có cơ sở để xem xét, giải quyết.