Nắng nóng hoành hành kéo dài, người dân ở tỉnh Kon Tum đổ xô thuê nhân công cùng xe cơ giới đào ao hồ, khoan giếng tìm nước sinh hoạt, cứu hạn cho cây trồng, vật nuôi.
Nắng nóng kéo dài khiến hàng loạt ao hồ, sông suối trên địa bàn tỉnh Kon Tum trơ đáy. Tỉnh này đã khẩn cấp công bố thiên tai hạn hán cấp độ 1.
Bà Phạm Thị Hường (ngụ xã Ia Chim, TP Kon Tum) thẫn thờ trên ruộng
lúa chết khô giữa đồng.
" Nhiều ngày qua, vợ chồng tôi tốn hết 40 triệu đồng thuê thợ đào ao, khoan giếng nhưng nguồn nước rất ít không đủ dùng sinh hoạt, cứu cây trồng. Rẫy cà phê chết héo phải chặt bỏ còn ruộng lúa thì chết khô bỏ mặc cho bò ăn thế này", bà Hường mếu máo nói.
Xót ruột, nhiều gia đình ở TP Kon Tum và các huyện lân cận chi cả trăm triệu đồng thuê phương tiện cơ giới đào ao hồ tìm nguồn nước tưới cứu cây cà phê.
Ông Nguyễn Viết Hưng (ngụ xã Ia Chim, TP Kon Tum) cho hay, nắng nóng khốc liệt khiến cây trồng chết khô trên đồng, ai cũng chạy vạy đào ao, khoan giếng tốn kém từ vài chục đến hơn 100 triệu đồng. " Nhiều người dở khóc, dở cười vì tốn chi phí lớn khoan giếng, đào ao gặp đá tảng không thể tìm được nguồn nước", ông Hưng nói.
Nhiều nơi ở Kon Tum phải khoan sâu đến hơn 100m mới tìm được nguồn nước nhưng không thể cung ứng đủ lượng nước chống hạn cho cây cà phê.
Thống kê của ngành Nông nghiệp Kon Tum, nắng nóng hoành hành khiến 1.200 ha khô hạn, thiếu nước, trong đó có hơn 300 ha cây trồng khả năng mất trắng. Gần 4.000 giếng nước và nhiều công trình dẫn nước từ suối về bị khô kiệt.
Đội công nhân "khoan giếng lưu động" chống hạn phải dựng lều bạt, ăn uống tạm bợ hành trình tìm nguồn nước nhọc nhằn ở Kon Tum để cứu cây cà phê. " Nhiều giếng khoan sâu hơn 100m chẳng may gặp đá tảng không tìm được nguồn nước phải tìm vị trí khác làm lại từ đầu. Trong khi nhu cầu khoan giếng tìm nước cứu cây trồng của người dân đang hết sức cấp bách", Y Van- thợ khoan giếng ở TP Kon Tum bộc bạch.
Mất cả tháng thuê nhân công hì hục đào giếng nhưng không thấy nguồn nước, nhiều người dân bất lực nhìn cây trồng chết khô trên rẫy.
Một số hộ dân may mắn khoan giếng tìm thấy nguồn nước thì chỉ tưới vài cây cà phê là lượng nước khô kiệt.
Cây cà phê chết khô, người dân Kon Tum xót xa chặt bỏ với hy vọng mưa giông đầu mùa giải hạn để trồng lại cây khác trên đất rẫy của mình.
Khoan giếng, đào ao hồ không có nước, một số hộ dân dùng xe công nông vượt quãng đường xa tìm đến đầu nguồn các dòng suối bơm nước đầy vào các phuy, can nhựa vận chuyển về phục vụ sinh hoạt, cứu hạn cho cây trồng.
Tỉnh ủy Kon Tum vừa gửi văn bản yêu cầu, từ nay đến hết mùa khô năm 2016, các Tỉnh ủy viên, người đứng đầu các cơ quan đơn vị, địa phương hạn chế đi công tác ngoài tỉnh để tập trung chống hạn hán.
Theo đó, các Ủy viên Ban thường vụ Tỉnh ủy cần xuống cơ sở được phân công phụ trách tập trung lãnh đạo chống hạn đến hết tháng 5/2016.
UBND tỉnh Kon Tum cần ban hành mức hỗ trợ diện tích lúa, hoa màu... bị thiệt hại do hạn hán trên địa bàn tỉnh; tiếp tục huy động và ưu tiên phân bổ kinh phí phòng, chống hạn hán của các địa phương. Phân công cấp phó đi dự các hội nghị, cuộc họp do các cơ quan Trung ương tổ chức.
Lực lượng quân đội, công an, biên phòng được giao trách nhiệm chuẩn bị và có kế hoạch huy động tối đa lực lượng, phương tiện để chống hạn hán, cháy rừng khi có yêu cầu.
Định kỳ hàng tuần (trước 10h30 ngày thứ Năm) các huyện, thành phố phải báo cáo tình hình và kết quả khắc phục hạn hán, phòng chống cháy rừng trên địa bàn.
Bộ trưởng Cao Đức Phát cho biết, gần 300.000 hộ (với khoảng 1,5 triệu người) trong những tháng vừa qua không có thu nhập, chịu ảnh hưởng bởi hạn hán và xâm nhập mặn.
Lãnh đạo TP Hội An (Quảng Nam) khẳng định thông tin lan truyền trên mạng cho rằng phải chi ra 1,6 - 1,8 tỷ đồng để có "chân" đạp xích lô, bơi ghe là sai sự thật.