Tài khoản TikTok có tên @brittstitches (tên thật là Brittany) mới đây đăng tải một đoạn video ngắn ghi lại cảnh cô bị cấm đan len trên chuyến bay.
Trong video, Brittany viết: “Ngồi nhìn bộ đồ đan của mình như thể đang bị giam giữ, vì tiếp viên hàng không bảo tôi cất nó đi và nói rằng hãy nghĩ xem liệu bạn có thực sự muốn cầm kim đan nếu có tình huống khẩn cấp xảy ra hay không?”.
Video ngắn cho thấy ba lô của Brittany để dưới sàn trước ghế ngồi của cô, với dự định đan len đang dang dở.
“Lần đầu tiên gặp chuyện này, tôi định hoàn thành đôi tất trên chuyến bay, nhưng có vẻ sẽ phải đợi thôi”, Brittany chú thích trong video.
![]() ![]() |
Hình ảnh đôi tất Brittany đang đan dở dang. |
Bài đăng nhanh chóng thu hút sự chú ý trên mạng xã hội, thu về hàng trăm nghìn lượt xem và hàng nghìn bình luận, phần lớn là những ý kiến trái chiều. Nhiều người đặt câu hỏi tại sao kim đan lại bị xem là nguy hiểm, trong khi hành khách vẫn được phép sử dụng các vật dụng khác tiềm ẩn rủi ro hơn.
“Một khi dùng lý do này thì không ai nên cầm bất cứ thứ gì khi có tình huống khẩn cấp”, một người vừa bình luận thì người khác tiếp lời: “Họ vẫn phục vụ đồ uống nóng và thức ăn sôi trên khay đặt ngay đùi hành khách, còn nguy hiểm hơn nhiều so với một bộ kim đan”.
Nhiều người cũng dẫn chứng rằng theo quy định của Cục An ninh vận tải Mỹ (TSA), kim đan không nằm trong danh mục bị cấm. “Nếu TSA không có vấn đề thì chẳng có lý do gì phải cấm đan cả. Chừng nào không có quy định cụ thể, hãy cứ đan tiếp”, một người dùng bình luận.
Brittany sau đó xác nhận: “TSA cho phép mang kim đan theo hành lý xách tay nên tôi không định cãi. Nhưng cách tiếp viên nói chuyện có phần trịch thượng khiến tôi không thoải mái”.
Trên thực tế, một số hãng hàng không có thể áp dụng quy định riêng về vật sắc nhọn. Tuy nhiên, phần lớn các chính sách này vẫn bám sát quy định của TSA. Theo đó, kim đan, kim móc len và dao cạo dùng một lần đều được phép mang lên máy bay. Trong khi đó, các vật sắc nhọn nguy hiểm hơn như dao, rìu, dao rọc giấy hay phi tiêu chỉ được phép mang theo dưới dạng hành lý ký gửi và phải được bọc kỹ để đảm bảo an toàn cho nhân viên xử lý hành lý.
Sự việc của Brittany cũng mở ra một cuộc thảo luận rộng hơn về văn hóa ứng xử và trải nghiệm hành khách trên máy bay. Trước đó, trên diễn đàn Reddit, một hành khách chia sẻ trải nghiệm khó chịu khi người ngồi cạnh cởi giày và tất, đặt chân trần lên ghế phía trước suốt chuyến bay.
“Anh ta chỉ mang lại giày khi đến giờ ăn, còn lại thì cứ chân trần và liên tục đòi rượu whisky, chỉ chấp nhận nếu là rượu Johnny Walker Red Label. Tôi thực sự không hiểu vì sao mình phải ngồi cạnh người như vậy”, một hành khách bức xúc.
"Có được phép yêu cầu đổi chỗ khi hành khách bên cạnh cư xử thiếu lịch sự?” - câu hỏi này đã thu hút hàng loạt ý kiến. Nhiều người khuyên nên nhẹ nhàng nhắc nhở, sau đó báo với tiếp viên nếu tình huống không cải thiện.
“Chỉ còn cách yêu cầu lịch sự rồi nhờ tiếp viên giúp đỡ. Không còn giải pháp nào khác”, một người bình luận. Người khác than phiền: “Tôi cảm thấy mình buộc phải trả gấp 4 lần để mua vé thương gia, chỉ để tránh mấy tình huống kiểu này”.
Câu chuyện của Brittany cho thấy khi sự an toàn và trải nghiệm cá nhân cùng lúc được đưa lên bàn cân, ranh giới giữa hợp lý và thái quá có thể trở thành chủ đề tranh luận không hồi kết.
Travel blogger truyền cảm hứng du lịch qua những câu chuyện đầy màu sắc về những điểm đến mới lạ, những trải nghiệm độc đáo mà họ khám phá được trong hành trình. Những bài viết, video hay hình ảnh của họ không chỉ mang lại kiến thức về địa lý, mà còn khơi gợi niềm đam mê khám phá thế giới. Đọc sách là một phần không thể thiếu trong hành trình này, giúp họ tìm hiểu sâu sắc hơn về văn hóa, lịch sử và con người ở mỗi nơi.
Mục Du lịch - Ẩm thực giới thiệu chân dung travel blogger kiêm tác sách, những con người lan tỏa nguồn cảm hứng xê dịch và tiếp nạp tri thức.
> Xem thêm: Travel blogger Đinh Hằng: Thật khó để cô đơn khi du lịch một mình