N
hững ngày qua, clip giới trẻ Việt tự "bóc giá" trang phục của mình tại sự kiện Sneakers Festival 2018 diễn ra ngày 8/7 tại TP.HCM được lan truyền rộng rãi trên mạng xã hội. Các "bộ cánh" có giá lên đến gần trăm triệu đồng đã thực sự gây sốc cho nhiều người.
Giữa luồng tranh cãi, phần lớn dân mạng lên tiếng chỉ trích các nhân vật được phỏng vấn trong clip về cách họ tiêu tiền. Nhiều người còn để lại bình luận có ý xúc phạm và công kích cá nhân.
Chủ đề "bóc giá" trang phục thu hút sự quan tâm bởi còn tương đối mới mẻ tại Việt Nam. Tuy nhiên, các đoạn video tương tự không hiếm gặp trên diễn đàn quốc tế. Cộng đồng mạng thế giới cũng cái nhìn đa chiều hơn về vấn đề này.
Chi 15.000 bảng Anh/tháng cho mua sắm
Trào lưu "bóc giá" trang phục bắt đầu từ một kênh có tên The Unknown Vlogs. Từ năm 2017 đến nay, trang này đã đăng tải hơn 20 clip với cùng chủ đề "How much is your outfit?" (tạm dịch: Trang phục của bạn có giá bao nhiêu?).
Những clip phỏng vấn dạo về giá tiền trang phục giới trẻ đang mặc xuất hiện ngày càng nhiều trên mạng. Ảnh: The Unknown Vlogs. |
Theo đó, nhiều bạn trẻ được phỏng vấn tại trường học, trên đường phố hay trong các khu mua sắm, trung tâm thương mại trả lời về giá tiền của bộ đồ, các phụ kiện mình đang diện trên người.
Hầu hết nhân vật khiến người xem giật mình vì con số họ chia sẻ: Áo khoác 1.200 USD (27 triệu đồng), đồng hồ 3.000 USD (70 triệu đồng), túi xách 9.000 bảng Anh (240 triệu đồng)...
Tuy nhiên, không phải chỉ đến khi có trào lưu "bóc giá" trang phục, mọi người mới bị choáng ngợp trước cuộc sống xa hoa với toàn đồ hiệu của các cậu ấm, cô chiêu, được mệnh danh là "rich kids" (những đứa trẻ giàu có) trên thế giới.
Xuất hiện trong bộ phim tài liệu Rich Kids of Instagram của Channel 4, Lana Scolaro (22 tuổi) cho biết mỗi tháng cô tốn ít nhất 15.000 bảng Anh (khoảng 450 triệu đồng) cho việc mua túi xách, quần áo, giày dép.
Lana Scolaro khiến nhiều người sốc khi tiết lộ cô tiêu hơn 15.000 bảng Anh mỗi tháng cho việc mua sắm đồ hiệu. Ảnh: Daily Mail. |
Tài khoản Instagram của Scolaro với hơn 68.000 người theo dõi ngập tràn hình ảnh đồ hiệu, nhà hàng hạng sang, du thuyền tiền tỷ.
"Tôi không cảm thấy xấu hổ về cuộc sống của mình, vì tôi sống và hưởng thụ nó. Nhiều người nghĩ tôi chỉ ăn bám cha mẹ. Đúng là cha mẹ tôi giàu, đó là sự hậu thuẫn tốt, nhưng tôi hoàn toàn tự chủ trong công việc của mình", cô chia sẻ trong bộ phim.
'Ngừng phán xét cuộc sống của người khác'
Scolaro không phải người duy nhất muốn khoe khoang về cuộc sống của mình. Trên mạng xã hội, các hội nhóm như Rich kids London hay Rich Russian kids... xuất hiện ngày càng nhiều, thu hút hàng nghìn người tham gia và hàng triệu lượt quan tâm, theo dõi.
Giới "rich kids" phô trương sự giàu có trên khắp các mạng xã hội. Ảnh: Rich Russian Kids. |
Giờ đây, clip "bóc giá" trang phục trở thành trào lưu để thêm một lần nữa mô tả về cuộc sống của những đứa trẻ trong gia đình có điều kiện.
Loạt clip "bóc giá" đều có gần 500.000 lượt xem và nhận được rất nhiều bình luận. Hầu hết người xem đều tỏ ra ngạc nhiên với các bộ trang phục street style (phong cách đường phố) nhưng có giá lên đến hàng chục nghìn đô.
"Không thể tin nổi! Tất cả hình như chỉ mới là học sinh, sinh viên thôi. Tôi cá là tiền mua đồ không phải do họ tự kiếm ra", một người suy đoán.
Có không ít ý kiến chỉ trích các bạn trẻ xuất hiện trong đoạn video là đua đòi, khoe mẽ và tiêu xài hoang phí.
"Câu hỏi nên được đổi thành: 'Cha mẹ cho bạn bao nhiêu tiền để mua bộ này?' mới đúng", một người chế giễu.
Một người khác bày tỏ: "Những bạn trẻ này nghĩ bộ đồ đắt tiền có thể giúp họ trông ổn hơn à? Tôi thấy họ nên học lại cách tiêu tiền".
Bạn trẻ thuộc hội con nhà giàu không ngần ngại phô trương cuộc sống giàu sang của mình. Ảnh: Rich Russian Kids. |
Mạng xã hội, các phương tiện truyền thông đang ngày càng phơi bày cuộc sống xa hoa của giới "rich kids". Khoảng cách giàu nghèo quá lớn khiến mọi người bị choáng ngợp. Tuy nhiên, thay vì "ném đá" hay chỉ trích cuộc sống của người khác với đầy sự hằn học, nhiều người tập cách chấp nhận và làm quen với nó.
"Tôi không biết mục đích thực sự của người tạo loạt clip này. Nếu họ chỉ muốn làm một phỏng vấn đơn giản về thời trang thì mọi chuyện đã đi quá xa, bởi những kẻ luôn làm quá mọi chuyện và thích lên án người khác", một người viết.
Trong khi người khác đưa ra nhận định: "Cuộc sống luôn tồn tại kẻ giàu và người nghèo. Chúng ta không thể đòi hỏi sự công bằng trong thế giới vốn đã bất công. Hãy ngừng phán xét cuộc đời của những người khác mình đi".