Ngày 27/11, Changsuek - fanpage chính thức của bóng đá Thái Lan - đã chặn IP đến từ Việt Nam. Các tài khoản Facebook ở Việt Nam hiện không thể tìm kiếm và truy cập được trang này.
Phía Thái Lan không đưa ra lý do chặn IP đến từ Việt Nam. Tuy nhiên, nhiều người tin rằng động thái này xuất phát từ thói quen "làm loạn", chửi bới và bình luận quá khích tại trang cá nhân các cầu thủ Thái Lan của một bộ phận người hâm mộ Việt Nam.
Chỉ cần thấy cầu thủ đối phương phạm lỗi hay có phát ngôn không hay về đội nhà, nhiều dân mạng lập tức tràn vào "nhà người ta" chửi bới, "đấu phím" với cổ động viên Thái Lan.
Việc hùa nhau "làm loạn" trên mạng xã hội của cầu thủ đối phương ít nhiều khiến hình ảnh fan Việt trở nên xấu xí.
Fanpage Thái Lan có gần 845.000 người theo dõi chặn IP Việt Nam. |
Chanathip Songkrasin thường xuyên bị tấn công trên mạng
Chanathip Songkrasin - ngôi sao tuyển Thái Lan đang thi đấu cho đội bóng Consadole Sapporo ở J1 League - thường xuyên trở thành tâm điểm bị "tấn công" của dân mạng Việt.
Trước trận đụng độ giữa đội tuyển Việt Nam và Thái Lan trong khuôn khổ vòng loại World Cup 2022 ngày 19/11 vừa qua, trang cá nhân của Chanathip trở thành "chiến trường" cãi vã của cổ động viên.
Dân mạng Việt đã tấn công cầu thủ này bằng loạt ảnh chế, lời lẽ mang tính khiêu khích, châm chọc, thậm chí chửi bới.
Trước đó, Chanathip từng bị công kích, bêu xấu trên trang fanpage của CLB Nhật Bản nơi anh đang thi đấu vì phát ngôn thiếu tôn trọng thầy trò HLV Park Hang-seo tại giải King's Cup 2019.
Tối 5/6, sau trận đấu giữa tuyển Việt Nam - Thái Lan, cầu thủ này viết trên trang cá nhân một dòng trạng thái bằng tiếng Thái, tạm dịch: "Tát trúng đầu. Haha". Dòng chữ này trùng với lúc Đoàn Văn Hậu bị chân sút Thái Lan Thitipan Puangchan tát vào mặt. Ngay lập tức, nhiều dân mạng không ngại tấn công trang của Chanathip, lẫn fanpage của đội bóng Nhật.
Chanathip Songkrasin thường xuyên bị dân mạng Việt "tấn công" trang cá nhân. Ảnh: Lê Giang. |
Thitipan phải ẩn toàn bộ bài đăng, hình ảnh khi bị "ném gạch đá"
Thitipan Puangchan là cầu thủ đang thi đấu cho đội tuyển quốc gia Thái Lan và CLB Oita Trinita ở J1 League. Tiền vệ sinh năm 1993 được đánh giá là ngôi sao tài năng của bóng đá xứ Chùa Vàng nhưng thường xuyên gây ấn tượng xấu với cổ động viên Việt.
Trong trận đấu giữa đội tuyển Việt Nam - Thái Lan trong khuôn khổ vòng loại World Cup 2022 tối 5/9 vừa qua, Thitipan Puangchan có pha vào bóng thô bạo với đội trưởng tuyển Việt Nam Quế Ngọc Hải ở phút thứ 51.
Sau trận đấu, Thitipan Puangchan bị dân mạng truy lùng trang cá nhân. Dù đã khóa tất cả tương tác như like, comment trên Facebook, tiền vệ người Thái vẫn bị cổ động viên Việt "tấn công" bằng những lời chỉ trích, chửi bới trên Instagram.
Trước đó, trong trận bán kết King's Cup 2019 diễn ra đầu tháng 6, Thitipan Puangchan cũng nhận không ít "gạch đá" của cổ động viên Việt trên mạng xã hội vì những pha vào bóng nguy hiểm với học trò HLV Park Hang-seo.
Phút thứ 10, Đoàn Văn Hậu nằm sân và phải nhờ đến sự trợ giúp của bác sĩ sau pha va chạm với Thitipan. Từ hình ảnh quay chậm cho thấy, thủ quân "Voi chiến" đã vung đầu gối vào lưng hậu vệ tuyển Việt Nam.
Thitipan Puangchan nhiều lần nhận "gạch đá" từ cổ động viên Việt trong các trận đụng độ đội bóng áo đỏ. Ảnh: Quang Thịnh. |
Phút 64, Văn Hậu tiếp tục nằm sân khi bị tiền vệ sinh năm 1993 tát nhưng trọng tài lại rút thẻ vàng cho Văn Toàn.
Không chỉ bị dân mạng Việt tràn vào trang cá nhân phê phán lối chơi không fair play, cầu thủ số 8 phía Thái Lan cũng liên tục bị giả mạo Facebook.
Trước làn sóng bình luận phẫn nộ của người hâm mộ bóng đá Việt, trang cá nhân Thitipan đã ẩn toàn bộ bài đăng, hình ảnh.
Chửi bới Supachai Jaided trên nhiều trang bóng đá
Sau trận cuối bảng K vòng loại U23 châu Á ngày 26/3, Supachai trở thành tâm điểm chỉ trích của cư dân mạng Việt với tình huống phạm lỗi với hậu vệ Trần Đình Trọng.
Dù tiền đạo xứ Chùa Vàng phải nhận thẻ đỏ từ trọng tài ngay lúc đó, nhiều cư dân mạng vẫn cảm thấy bất bình.
Họ vào trang cá nhân thả "phẫn nộ" và để lại lời lẽ chửi bới bằng tiếng Việt dưới các bài đăng công khai của Supachai. Trên tài khoản Instagram của cầu thủ này, tình trạng tương tự cũng xảy ra.
Nhiều bình luận chỉ trích Supachai Jaided của fan Việt còn xuất hiện trên các page đăng tải kết quả trận đấu này như Thailand Football, Fox Sports Asia...
Nổi bật lên giữa hàng trăm bình luận tiếng Việt trên fanpageThailand Football là dòng thắc mắc của một dân mạng Thái Lan: "Làm cách nào mà có nhiều bình luận của người Việt Nam trên một trang bóng đá Thái Lan thế này?".
Trang cá nhân của Supachai cũng từng là mục tiêu "làm loạn" của dân mạng Việt. Ảnh: Việt Hùng. |
Đó có lẽ cũng là thắc mắc của các cầu thủ hay trọng tài người nước ngoài sau khi kết thúc trận đấu và thấy ngập tràn những dòng bình luận bằng tiếng Việt trên trang cá nhân của mình.
Bên cạnh một bộ phận dân mạng quá khích, nhiều cổ động viên cũng bình luận khuyên mọi người nên bình tĩnh, không chửi bới, mạt sát các cầu thủ nước bạn mà nên giữ thái độ tôn trọng.
Tuy nhiên, điều này dường như đã trở thành "thói quen" khó bỏ. Tại Việt Nam nói riêng và trong làng thể thao thế giới nói chung, các hành vi phá hoại, ảnh hưởng đến thể thao fair play như đốt pháo sáng, ném đồ vào cầu thủ, ném đá xe bus chở đội bóng... đều bị xử phạt bằng các chế tài.
Nhưng những hành vi quấy rối trên mạng xã hội rất khó kiểm soát và vẫn chưa có hình thức xử lý nào cụ thể và hiệu quả.
"Bóng đá vốn là môn thể thao đặc biệt - môn thi đấu tập thể thu hút sự quan tâm của hàng triệu người - nên sẽ luôn đem lại nhiều cung bậc cảm xúc, khó tránh khỏi sự cực đoan, thái quá", TS Đỗ Anh Đức - Trưởng Bộ môn Truyền thông đa phương tiện, Viện Đào tạo Báo chí và Truyền thông, ĐH KHXH&NV - từng nói với Zing.vn.
Ông cho rằng các cá nhân có xu hướng tìm đến những quan điểm giống mình và tập hợp thành đám đông, để củng cố cho sự tự tin và thỏa mãn về "sức mạnh" mà họ đang sở hữu, và chỉ trích, chửi bới trên mạng hiện vẫn là hành vi mà người thực hiện chưa phải chịu trách nhiệm một cách thỏa đáng.