Đi bên cạnh cô gái là cậu em trai đang mặc đồng phục của trường. Người phụ nữ giúp việc và mẹ của cô gái đi phía sau mang giúp ba lô.
Cô gái và em trai học trường Quốc tế Wellington Thượng Hải. Bộ đồng phục còn đắt hơn cả chiếc áo Louis Vuitton mà cô đang mặc.
Cuộc sống trong ngôi trường bạc tỷ
Theo chia sẻ, cô gái học trường Quốc tế giàu có bậc nhất Thượng Hải. Học phí mỗi năm khoảng 300 nghìn NDT (hơn 1 tỷ đồng). Nhiều bậc phụ huynh muốn cho con em học trường sang trọng này vì mong muốn chúng có thể “chiến thắng ngay từ vạch xuất phát”, tiếp xúc với môi trường ưu tú.
Bức ảnh gây tranh cãi trên mạng. |
Các môn học ở đây gồm cưỡi ngựa, đánh golf, bơi lội, sân khấu diễn kịch, sân đá bóng, phòng dạy nhạc với đủ loại nhạc cụ…
Giáo trình toàn bộ bằng tiếng Anh, giáo viên người nước ngoài, ký túc xá đẳng cấp hơn cả khách sạn 5 sao, nhà ăn kiểu Tây cao cấp…
Theo chia sẻ của ban giám hiệu trường, sáng sớm, học sinh sẽ ngồi trên xe buýt chuyên dụng của nhà trường, thưởng thức phong cảnh Thượng Hải hiện đại, điểm đến là sân trường Quốc tế Wellington.
Trong giờ tiếng Pháp, không cần phải tuân thủ theo giáo trình trong sách, học sinh có thể vừa học vừa chơi để nắm bắt kiến thức. Trong giờ tiếng Anh, không cần phải học thuộc từ mới, mà phải biện luận với bạn học bên cạnh, thảo luận những vấn đề đang thời sự gần đây.
Trong giờ mỹ thuật, học sinh tự hoàn thành một tác phẩm, có thể thêu thùa, lắp ráp mô hình 3D, cũng có thể nhào nặn tượng sáp khuôn mặt của bạn học.
Tan học, học sinh có thể đến thư viện. Nơi đây có đủ các thể loại sách quốc tế lẫn nội địa, thậm chí còn có thể chơi trò chơi để thả lỏng đầu óc.
Bữa trưa, mỗi ngày đều không giống nhau. Rau củ, hoa quả, thịt cá các loại phong phú, đảm bảo dinh dưỡng và mùi vị thơm ngon. Giờ giải lao tự do, có thể cùng bạn bè nói chuyện, uống trà sữa; cũng có thể tham gia các hoạt động ngoài trời.
Hình ảnh học sinh ở trường Quốc tế Wellington. |
Bức tranh trái ngược
Trái ngược với đó là trường Trung học Hành Thủy. Lịch học tại đây cũng đang được bàn tán trên mạng xã hội xứ tỷ dân.
Tại ngôi trường này, học sinh phải tập chạy lúc 6h, 7h bắt đầu giờ tự học sáng, 8h đến vào lớp… Mãi đến 22h mới kết thúc tiết tự học cuối, chuẩn bị tắm rửa và ngủ nghỉ.
Cuộc sống của học sinh trong ngôi trường này chỉ là học và học. Vì để tiết kiệm thời gian, học sinh lúc nào cũng phải… chạy.
Chạy đến nhà ăn, chạy đi vệ sinh, chạy về ký túc xá…
Trương Tích Phong trong chương trình "Học sinh nói" gần đây. |
Một em học sinh lớp 12 của trường Trung học Hành Thủy, Trương Tích Phong đã nói trên sóng truyền hình: “Em chỉ là một đứa quê mùa đến từ vùng nông thôn nghèo, cũng muốn lập chí thành công trong thành phố lớn”.
Trương Tích Phong, hay đúng hơn là đa số học sinh trong trường Trung học Hành Thủy đều muốn thay đổi vận mệnh dựa vào con đường nỗ lực học tập.
Con cái gia đình bình thường mỗi ngày đều phải chen chúc trên xe công cộng đến trường, trong lớp lắm lúc còn không dám giơ tay phát biểu. Con nhà giàu có thể mời giáo viên về nhà trực tiếp dạy học.
Con cái gia đình bình thường cuối tuần xem hoạt hình, chơi đùa cùng bạn bè hàng xóm. Con nhà giàu phải lên lớp học đàn, ngoại ngữ, nhảy múa.
Con cái gia đình bình thường loay hoay trong thế giới nhỏ bé của mình, ngay cả vé xe khách hay tàu hỏa còn không thể mua nổi. Con nhà giàu đã có thể ngồi máy bay xuất ngoại, thăm thú các nước trên thế giới, sử dụng vốn ngoại ngữ lưu loát của mình để giao tiếp với người bản địa.
Sự chênh lệch quá lớn này khiến Trương Tích Phong sinh lòng tự ti cùng cực:“Họ sinh ra đã hạnh phúc, cuộc sống phi thường. Còn em chỉ là một đứa tầm thường, không hơn không kém”.
Trương Tích Phong nói với bản thân phải vượt lên số phận, mở rộng thế giới của mình. Cách diễn thuyết của cậu trên sóng truyền hình rất mạnh mẽ, cho rằng giá trị của con người không chỉ ở xuất phát điểm ban đầu.
Nhưng bài diễn thuyết hùng hồn này đã phản ánh hiện thực tàn khốc đối với học sinh nghèo: Muốn thoát khỏi số phận càng lúc càng khó, vì ngay từ ban đầu, những con người trong xã hội này đã không đứng cùng đường đua, chứ đừng nói đến xuất phát điểm.
Hiện tại, hình ảnh và câu chuyện trên vẫn đang được chia sẻ sôi nổi trên các trang mạng xã hội tại Trung Quốc.