Để tiết kiệm chi phí sinh hoạt, Thủy Tiên (21 tuổi, sinh viên một trường ĐH ở TP.HCM) kể khi vào học năm nhất, cô ở ghép với một "đàn chị" năm 3 do người quen giới thiệu. Tuy nhiên, chưa đầy một tháng, 9X đã phải dọn ra riêng.
Lý do chính khiến nữ sinh quyết định chuyển đi là vì người ở cùng thường xuyên đưa bạn trai về phòng chơi, thậm chí ngủ lại qua đêm. Từ việc 3 người ngủ chung một chiếc giường đến chuyện phải ngủ nhờ phòng khác khiến cô cảm thấy rất khó chịu.
Sinh viên tìm nhà trọ gần ĐH Luật TP.HCM. Ảnh: Huệ Lâm. |
'Đóng phim tình cảm' trước mặt bạn trọ
Giống như Thủy Tiên, để có chỗ sinh hoạt tốt và tiết kiệm, không ít sinh viên chọn cách ở ghép với người không quen biết. Việc sống hòa hợp trở nên khó khăn khi bạn chung phòng thường xuyên đưa người yêu về và có những hành động thân mật quá trớn.
Mới đây, clip quay cảnh hai nam thanh niên nằm ôm bạn gái trong phòng trọ đông người lan truyền trên mạng và vấp phải sự chỉ trích từ cộng đồng mạng. Đa phần ý kiến không đồng tình với hành vi thân mật của các đôi trẻ trước mặt bạn cùng phòng.
Nguyễn Thúy An - sinh viên ĐH Khoa học Xã hội và Nhân Văn TP.HCM - hoàn toàn phản đối việc bạn ở chung thường xuyên đưa người yêu về nhà trọ.
"Sinh viên yêu nhau thiếu gì chỗ chơi: Đi uống trà sữa, xem phim... Thỉnh thoảng cũng có thể đến phòng chơi nhưng không nên quá thường xuyên, sẽ gây khó chịu cho những người khác trong phòng", 9X chia sẻ.
Còn theo Lê Viết Thành - sinh viên ĐH Tài chính - Marketing, bạn ở chung dẫn người yêu đến chơi không sai, song chuyện thản nhiên "đóng phim tình cảm" trước mặt người khác hay ngủ lại qua đêm là không thể chấp nhận.
Nam sinh bày tỏ: "Việc thân mật quá trớn ở phòng trọ không chỉ khiến những người sống chung thấy khó xử, chướng mắt, mà còn thể hiện sự thiếu tôn trọng với người mình yêu. Yêu nhau không ai cấm, nhưng phải đúng nơi đúng lúc và không ảnh hưởng đến người khác".
Hai thanh niên bị chỉ trích vì nằm ôm bạn gái trước mặt bạn cùng phòng. Ảnh cắt từ clip. |
Thà mất lòng trước được lòng sau
Không chỉ chuyện đưa người yêu về phòng trọ, nhiều sinh viên đã lên mạng "bóc phốt" bạn chung phòng vì hàng loạt rắc rối khi cùng chia sẻ không gian sinh hoạt.
Trên trang Confessions của ĐH Luật Hà Nội, một sinh viên từng gây chú ý khi bức xúc kể chuyện mâu thuẫn với bạn sống chung.
Nữ sinh tìm bạn ở ghép để tiết kiệm tiền phòng. Sau một thời gian, cô và bạn trọ thường xuyên cãi cọ vì "người ấy" sử dụng điện nước quá hoang phí, hay đưa người yêu về ngủ cùng. Theo chia sẻ, sau nhiều lần đưa bạn trai về ngủ, lúc được góp ý, cô bạn tỏ thái độ khó chịu, không hài lòng.
Đa số ý kiến đều chỉ trích cô bạn cùng phòng trong câu chuyện. Tuy nhiên, không ít người cho rằng việc bức xúc rồi kể xấu bạn trên diễn đàn của nữ sinh cũng không có gì hay ho.
Nhiều sinh viên từng "đăng đàn" kể xấu bạn cùng phòng. Ảnh: FB. |
Không rơi vào tình huống oái oăm như trên, nhưng Phương Thanh - sinh viên năm cuối ĐH Công Nghiệp TP.HCM - cũng từng nhiều lần xích mích với bạn cùng phòng trong gần 4 năm ở chung.
"Mấy con người ở chung trong một phòng chỉ rộng khoảng vài chục mét vuông, sinh hoạt chung, ăn chung thì rất dễ xảy ra mâu thuẫn. Không chỉ với người chưa quen biết, ngay cả bạn bè chơi thân nhiều khi còn rạn nứt tình cảm.
Với suy nghĩ thà mất lòng trước được lòng sau, phòng mình trước khi vào ở đều có quy định rõ ràng với nhau như không được phép đưa bạn trai về nhà ở lại qua đêm, lịch trực phòng thì dán ở cửa. Mỗi người có một cách sống riêng nhưng khi ở chung, cần biết điều chỉnh để không ảnh hưởng đến người khác", nữ sinh bày tỏ.
Giống với quan điểm của Phương Thanh, đa số sinh viên từng ở trọ nhiều năm đều cho rằng việc thẳng thắn chia sẻ và thống nhất các quy tắc ngay từ đầu sẽ giúp việc chung sống trở nên dễ dàng hơn. Tìm tiếng nói chung và tôn trọng lẫn nhau là nguyên tắc giải quyết mâu thuẫn tốt nhất, thay vì lên mạng xã hội "bóc phốt" mỗi khi "cơm không lành, canh không ngọt".