Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Dân nhập cư Singapore sống thiếu thốn vì dịch bệnh

Hàng trăm nghìn công nhân nhập cư đang bị mắc kẹt ở những khu nhà trọ tại Singapore, vật lộn trong điều kiện chật chội và thiếu thốn.

Zing trích dịch bài viết trên CNN, phản ánh thực trạng đời sống thiếu thốn và bất ổn của công nhân nhập cư Singapore - điều trực tiếp tạo ra sự bùng nổ trong số lượng ca nhiễm Covid-19 mới của nước này.

Những tuần gần đây, Singapore đã chứng kiến sự gia tăng đột biến của số ca nhiễm Covid-19 với hàng nghìn trường hợp mới ghi nhận dương tính. Một trong những nguồn lây chủ yếu có liên quan đến các nhóm công nhân nhập cư ở chung trong những khu tập thể cũ.

Để kiểm soát sự lây lan, chính phủ đã cố gắng cách ly những khu nhà trọ này, điều nhân viên y tế đến kiểm tra và chuyển bệnh nhân có triệu chứng vào các cơ sở cách ly tập trung.

Nhưng những biện pháp đó đã khiến hàng trăm nghìn công nhân bị mắc kẹt trong phòng trọ chật chội, nơi thực hiện giãn cách là điều không tưởng.

Lao động nhập cư vào Singapore chủ yếu đến từ Nam Á và Đông Nam Á. Tuy là nhóm đối tượng rất cần thiết để duy trì hoạt động của quốc gia này, họ lại là nhóm người nhận mức lương thấp nhất và thiệt thòi nhất trong thành phố.

Lao dong nhap cu Singapore anh 1

Một trong những nguồn lây chủ yếu có liên quan đến các nhóm công nhân nhập cư ở chung trong những khu tập thể cũ. Ảnh: CNN.


Rubel, một công nhân đã đến Singapore từ Bangladesh từ 6 năm trước, đang làm công việc xây dựng để kiếm tiền nuôi gia đình.

Đối mặt với tình trạng sức khỏe bị đe dọa, anh lo lắng cho người thân đang sống phụ thuộc vào mình: "Tôi rất sợ virus này. Nếu nhiễm bệnh, tôi sẽ không thể chăm sóc cho gia đình”.

Trong 3 tháng đầu của đại dịch, Singapore đã được thế giới ca ngợi vì phản ứng nhanh nhạy và khả năng kiểm soát dịch bệnh ổn định. Họ không cần dùng đến các biện pháp cực đoan để đạt kết quả đó.

Không lâu sau, số lượng các ca nhiễm bỗng dưng tăng lên chóng mặt. Thời điểm số lượng ca nhiễm mới tăng lên 1.000 ca mỗi ngày, chỉ có khoảng hơn 10 người trong số đó là dân Singapore, số còn lại là lao động nhập cư.

Một đất nước “sống nhờ” vào lao động nhập cư

Singapore, từ một cảng biển nhỏ, đã trở thành một quốc gia phát triển như ngày nay.

Nhưng phần lớn địa phận quốc đảo này, bao gồm các địa điểm mang tính biểu tượng như Vịnh Marina Bay, đều được xây dựng bởi lao động nhập cư.

Hiện nay, trong số 5,7 triệu cư dân của “đảo quốc sư tử”, gần một phần tư là lao động nước ngoài.

Lao dong nhap cu Singapore anh 2

Lao động người nước ngoài chiếm 1/4 trong số 5,7 triệu cư dân của "đảo quốc sư tử". Ảnh: The Straits Times.


Lao động nước ngoài giá rẻ góp phần lớn thúc đẩy tăng trưởng, nâng thu nhập trung bình của Singapore lên 56.786 USD vào năm 2019.

Điều này mang lại cho đảo quốc nhỏ bé danh hiệu quốc gia giàu có nhất thế giới nếu xét trên mức GDP bình quân đầu người.

Tuy nhiên, các chuyên gia chỉ ra rằng lao động nhập cư ở Singapore đã bị bỏ rơi trong cuộc khủng hoảng sức khỏe toàn cầu. Họ hầu hết sống trong điều kiện thiếu thốn, khó khăn, không nhận được sự bảo vệ thích đáng.

Khi Covid-19 bùng phát, những công nhân đến từ nước ngoài là nhóm đầu tiên chịu ảnh hưởng nặng nề nhất.

Những “quả bom hẹn giờ”

Theo Bộ trưởng Bộ Nhân lực, bà Josephine Teo, 200.000 công nhân sống trong 43 ký túc xá trên khắp cả nước.

Họ sống trong không gian chật chội, với khoảng 10 đến 20 công nhân mỗi phòng. Các phòng trọ được xây dựng với diện tích trung bình khoảng 45 đến 90 mét vuông.

Lao dong nhap cu Singapore anh 3

Các phòng trọ được xây dựng với diện tích trung bình khoảng 45 đến 90 mét vuông. Ảnh: Nikkei Asian Review.


Ở đây, hầu hết công nhân là nam. Họ sử dụng chung từ giường ngủ, nhà vệ sinh, phòng tắm, dây phơi quần áo đến tủ đựng đồ. Mỗi ngày, cả khu trọ xếp hàng để nhận đồ ăn.

Cuộc sống ở ký túc xá không cho phép các lao động nhập cư thực hiện giãn cách xã hội. Họ buộc phải tiếp xúc gần gũi do điều kiện cơ sở vật chất tồi tàn. Đó là lý do virus corona lây lan rất nhanh trong cộng đồng này.

Bộ Nhân lực cho biết họ cũng đang cố gắng giải phóng cư dân nhiều hơn và chuyển một số công nhân vào các doanh trại quân đội, khách sạn nổi và căn hộ bỏ trống thuộc quyền sở hữu của chính phủ.

Tommy Koh, một luật sư và cựu nhà ngoại giao của Singapore, đã thẳng thừng tuyên bố trong một bài đăng trên Facebook: "Cách Singapore đối xử với công nhân nước ngoài không phải là ‘Thế giới thứ nhất’ mà là ‘Thế giới thứ ba’.

Họ phải ở trong những phòng trọ chật cứng như cá mòi với 12 người một phòng. Các ký túc xá hiện giống như một quả bom hẹn giờ đang chờ phát nổ".

Lao dong nhap cu Singapore anh 4

Cuộc sống ở ký túc xá không cho phép các lao động nhập cư thực hiện giãn cách xã hội. Ảnh: COVID-19 World News.

Kêu gọi cải cách

Cuộc khủng hoảng đang diễn ra tại các ký túc xá khiến các nhà hoạt động xã hội phải kêu gọi một cải cách sâu rộng về điều kiện sống và làm việc cho lao động nhập cư, kể cả sau đại dịch.

Theo dữ liệu từ TWC2, người lao động nhập cư trung bình chỉ kiếm được khoảng 400 - 465 USD một tháng, so với mức lương trung bình hàng tháng của Singapore là 3.077 USD.

Một số chủ lao động cũng không cung cấp dịch vụ chăm sóc y tế hoặc nghỉ phép với lý do sức khỏe cho người lao động nhập cư – điều đã để lại hậu quả rõ ràng trong đại dịch.

Lao dong nhap cu Singapore anh 5

Lao động nhập cư làm việc với mức lương dưới tối thiểu ở Singapore. Ảnh: CNN.


Ngay cả vào cuối tháng 3 vừa qua, một số người sử dụng lao động đã không khuyến khích công nhân đi khám bệnh hay cho phép họ nghỉ phép khi cảm thấy không khỏe.

Công nhân nhập cư không có nhiều con đường để giải quyết những vấn đề này. Thị thực của họ phụ thuộc vào chủ lao động, những người có thể chấm dứt giấy phép làm việc bất cứ lúc nào. Vì vậy, việc nộp đơn khiếu nại lên sếp của bạn có thể gây nguy hiểm không chỉ cho công việc của bạn mà cả tình trạng di cư.

Bộ Nhân lực Singapore trước đây đã tuyên bố truy tố các chủ lao động cố tình từ chối trả lương cho công nhân. Mặt khác, những ai có hành vi chống lại những người điều hành ký túc xá trong vấn đề bảo vệ quyền lợi cho công nhân nhập cư cũng bị xử lý.

Năm ngoái, một công ty điều hành và giám đốc của họ đã bị truy tố sau khi ký túc xá dành cho lao động của họ bị phát hiện có hệ thống đèn và vòi hoa sen bị hỏng, điều kiện sống thì bẩn thỉu.

Lao dong nhap cu Singapore anh 6

Nhà chức trách thừa nhận vẫn còn nhiều việc phải làm để cải thiện quyền và mức sống của người lao động nhập cư. Ảnh: Her World Singapore.

Tuy nhiên, trước sự bùng phát của Covid-19, một số nhà chức trách thừa nhận vẫn còn nhiều việc phải làm để cải thiện quyền và mức sống của người lao động nhập cư.

"Tôi hy vọng Covid-19 chứng minh cho các nhà tuyển dụng và công chúng biết rằng việc nâng cao tiêu chuẩn tại các ký túc xá công nhân không chỉ là điều nên làm mà còn vì lợi ích của tất cả chúng ta", Bộ trưởng Teo viết trong một bài đăng trên trang cá nhân hồi đầu tháng 4.

Đối diện án tù vì ra khỏi nhà trước khi hết hạn cách ly 30 phút

Nếu bị kết án, Tay Chun Hsien (22 tuổi, người Singapore) phải đối mặt với án tù 6 tháng và nộp phạt tới 10.000 SGD.

Ánh Nguyệt

Bạn có thể quan tâm