Hồi còn hẹn hò và chưa kết hôn, Nick Firchau thường đi bộ từ căn hộ ở quận Brooklyn sang quận Manhattan (New York, Mỹ) để mua sò điệp tươi nấu bữa tối cho vợ.
Đối với Firchau, đó là một hành động lớn, bởi anh hiếm khi nấu nướng nhưng vẫn muốn gây ấn tượng với vợ là bạn gái khi ấy. Thế nhưng, vợ anh dần trở nên khó chịu vì Firchau thường ngó lơ việc nấu món rau nào đó ăn kèm.
“Tôi không thể tin rằng cô ấy không thèm đếm xỉa đến những nỗ lực của tôi”, anh chia sẻ với The Washington Post.
Nam giới thường được dạy phải che giấu, tiết chế cảm xúc từ khi còn nhỏ. Ảnh: cottonbro/Pexels. |
Song, anh chưa từng nói lời nào với vợ về nỗi buồn này. Thay vào đó, anh tỏ ra hậm hực suốt nhiều năm trong cuộc hôn nhân của họ.
Khi xung đột nảy sinh và Firchau cảm thấy bị tổn thương, anh để những cảm xúc tiêu cực đó ngấm vào cuộc cãi vã, dẫn đến “sự tức giận và phẫn uất dồn nén vì không được giải tỏa từ những lần đầu tiên”.
Chuyện bỏ bê kiểm tra nhu cầu cảm xúc cá nhân là điều phổ biến đối với nhiều đàn ông vì một số lý do, chủ yếu bắt nguồn từ các chuẩn mực xã hội hóa nam tính.
Thực chất, khi nam giới học cách hiểu rõ hơn nhu cầu tình cảm của mình, kết quả có thể rất viên mãn, The Washington Post đưa tin.
Niềm tin sai lệch
Có một niềm tin phổ biến trong xã hội rằng đàn ông có cấu tạo khác phụ nữ nên họ không có nhu cầu tình cảm giống nhau.
Thế nhưng, các nhà nghiên cứu Israel đã quét hơn 1.400 não bộ và phát hiện ra rằng cấu trúc, đặc điểm não bộ của con người là “một bức tranh khảm”, chống lại những kỳ vọng đơn thuần về giới hay giới tính.
Theo một nghiên cứu khác được công bố năm ngoái trên tạp chí Nature, cảm xúc của nam và nữ giới “tương đồng một cách rõ ràng, nhất quán hơn là khác biệt”.
"Tức giận" nằm trong số vài kiểu thể hiện cảm xúc ít ỏi mà nam giới được phép nói về. Ảnh: cottonbro/Pexels. |
Các nhà tâm lý học cho biết sự khác biệt nhận thức này phát sinh từ cấu trúc xã hội. Theo Fredric Rabinowitz, chủ nhiệm khoa tâm lý học tại Đại học Redlands (bang California, Mỹ), người tập trung nghiên cứu và thực hành sức khỏe tâm thần của nam giới, đàn ông không được hướng dẫn và luyện tập vốn từ về cảm xúc của mình ngoài “tức giận”.
Và khi nam giới thiếu ngôn ngữ cảm xúc, họ không giải thích được những gì mình cảm thấy, dẫn đến “chấn thương không thể xử lý”.
Firchau, hiện 37 tuổi, là một ví dụ. Anh thường không nghĩ về cảm xúc cá nhân. Tương tự rất nhiều người đàn ông khác, Firchau không nói về cảm xúc tiêu cực với vợ và những người xung quanh, nên dần trở nên quá căng thẳng. Anh thấy sợ hãi, rằng nếu trở nên yếu đuối, anh “sẽ không còn hấp dẫn với vợ nữa”.
“Tôi sợ mình sẽ đánh mất cô ấy nếu bộc bạch những gì đang khiến mình khó hiểu”, anh chia sẻ.
Có một rào cản tự khác ngăn cản nam giới đáp ứng nhu cầu tình cảm cá nhân, hay còn gọi là “bức tường đá”. Nó xảy ra khi một cá nhân bị ngợp bởi cảm xúc, sau đó dần mất kết nối về thể xác hoặc tinh thần. Một số hành vi có thể kể đến như bỏ đi giữa chừng hoặc cố tình thay đổi chủ đề trò chuyện.
Những người chọn phương thức “bức tường đá” thường gọi đó là chiến thuật gìn giữ hòa bình, nhưng thực chất nó chỉ chôn vùi những vấn đề cần được giải quyết.
Trong khi đó, các nghiên cứu cho thấy việc giữ cảm xúc tiêu cực trong lòng sẽ ảnh hưởng sức khỏe tâm thần, tăng các triệu chứng lo âu và trầm cảm, đồng thời bắt đầu phản ứng sinh lý liên quan đến suy giảm nhận thức và bệnh tim mạch theo thời gian.
Gỡ bỏ bức tường đá
Đáng chú ý, đàn ông không phải nhân tố duy nhất góp phần hình thành định kiến nam giới không được tổn thương.
"Bức tường đá" của mỗi người có thể được gỡ bỏ nếu học cách trút bầu tâm sự và thể hiện cảm xúc. Ảnh: Helena Lopes/Pexels. |
Nhà tâm lý học Paulette Kouffman Sherman cho biết dù muốn chồng/bạn trai nhạy cảm về mặt cảm xúc hơn, một số nữ giới “không thấy điều đó hấp dẫn”.
Họ coi tính dễ bị tổn thương của một người đàn ông là “yếu đuối, đòi hỏi”, ít nam tính hơn - mối đe dọa đối với những đặc điểm của những hình mẫu làm cha - “mạnh mẽ, im lặng, cố gắng”.
“Nhiều người đàn ông, dù dị tính hay đồng tính, cảm thấy không có ai để trò chuyện sâu sắc hơn về nỗi đau và tổn thương trong mối quan hệ tình cảm của mình. Thật khó để có những người chịu lắng nghe họ trong cuộc sống”, Bill Johnson, nhà tâm lý học ở ngoại ô thành phố Chicago (bang Illinois, Mỹ), nói.
Mặt khác, cởi mở với bạn đời sẽ giúp xây dựng và làm sâu sắc thêm lòng tin, sự đồng cảm và thân mật. Kể từ khi Firchau làm việc với một nhà trị liệu tâm lý, “bức tường đá” trong lòng anh dần được gỡ xuống.
Sau khi được khuyến khích, anh trải lòng về nỗi sợ với vợ, rằng anh sợ cô ấy sẽ coi cảm xúc thật của anh là “sự yếu đuối”.
“Tôi đã lầm. Cô ấy nói rằng ‘Việc anh không sẵn sàng đối mặt với vấn đề mới khiến anh kém hấp dẫn thôi’”, anh kể lại.