Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Đàn ông hàng ngày trang điểm để dễ kiếm việc, lấy vợ?

Đến nay, chuyện làm đẹp của phái mạnh vẫn là chủ đề gây tranh cãi.

Trước khi đi làm, Shawn Jung (đến từ Hàn Quốc) thường dành ra 30 phút để trang điểm.

"Nhiều đàn ông Hàn Quốc ngày nay không chỉ dùng các sản phẩm chăm sóc da mà còn thực hiện một số bước trang điểm cơ bản, ví dụ như kẻ lông mày", Jung chia sẻ.

Bên cạnh đó, anh cũng chỉ ra phái mạnh xứ kim chi kể cả khi đang trong quân đội, họ cũng sử dụng kem chống năng và BB cream.

Lakshay Narula (đến từ Ấn Độ) thường chăm sóc da với nhiều bước phức tạp như tẩy da chết, đắp mặt nạ. Anh dành 15 phút mỗi ngày để chỉnh tóc tai, làm đẹp nhẹ nhàng trước khi đi làm.

Thời gian gần đây, chuyện trang điểm đối với phái mạnh trở nên quen thuộc hơn. Nó như dấu hiệu để nhận thấy rằng nam giới cũng dần biết chăm sóc cho bản thân, quan tâm đến ngoại hình.

Vậy từ đâu dẫn đến hiện tượng này? Tại sao chuyện làm đẹp của phụ nữ lại trở nên thân thuộc đối với các chàng trai?

Công cụ giúp tự tin hơn

Kim Seung Hwan (16 tuổi) - vlogger người Hàn - chia sẻ với BBC News: "Tôi bắt đầu lên mụn từ năm lớp 9. Đối với học sinh, việc chữa trị tại các phòng khám da liễu là quá đắt đỏ. Đó là thời điểm tôi biết đến mỹ phẩm. Tôi đã mua kem nền và che khuyết điểm. Sau khi sử dụng các sản phẩm, da mặt tôi trông khác hẳn".

Trang CNA Lifestyle đưa tin giới trẻ Hàn Quốc đều đồng tình với việc trang điểm sẽ giúp tạo ấn tượng tốt, nhất là khi đi xin việc.

"Khi chúng tôi đi phỏng vấn, việc tạo ấn tượng tốt là rất quan trọng, nó tác động lớn tới kết quả cuối cùng", một người trong độ tuổi 20 đang tìm kiếm việc làm chia sẻ.

Điều này lý giải tình trạng đàn ông Hàn Quốc hiện là nhóm chi tiêu mạnh tay nhất thế giới cho mỹ phẩm nam - khoảng 45 USD mỗi lần đi mua sắm.

Theo báo cáo của Global Data năm 2018, 3/4 đàn ông xứ kim chi đã thực hiện liệu pháp làm đẹp ít nhất một lần/tuần. Ví dụ như đi tới thẩm mỹ viện hay chăm sóc da mặt tại nhà. Doanh thu bán mỹ phẩm cho nam giới cũng đạt một tỷ USD vào năm ngoái.

Không chỉ ở Hàn Quốc, các chàng trai Ấn Độ cũng đang dần để ý đến làm đẹp hơn. Họ muốn sở hữu vẻ ngoài bóng bẩy giống các ngôi sao Bollywood.

Lakshay Narula (hiện sinh sống tại Ấn Độ) tâm sự: "Tôi nghĩ việc trang điểm giúp tôi tự tin và yêu bản thân hơn mỗi khi thức dậy".

tai sao nam gioi thich trang diem anh 1

Nhiều vlogger cho ra mắt các đoạn video hướng dẫn đánh nền tự nhiên cho nam giới. Ảnh: Brute Choi.

Ngành công nghiệp làm đẹp cho nam giới ở Ấn Độ tăng 10% trong 2 năm 2017-2018.

Hiện nay, tư duy làm đẹp dần thâm nhập sâu vào suy nghĩ của nam giới. Khởi điểm với những điều cơ bản như cắt tóc, cạo râu. Phái mạnh đang cầu kỳ hơn trong việc chọn kiểu tóc phù hợp với dáng mặt, sản phẩm sáp tương ứng cùng từng loại da đầu.

Bên cạnh đó, họ để ý hơn đến chuyện chăm sóc da. Hàng ngày, trước khi ra khỏi nhà, nhiều chàng trai sẽ sử dụng thêm kem chống nắng. Các bước dưỡng da cơ bản của nam giới thường bao gồm sữa rửa mặt, toner và kem dưỡng.

Đôi lúc, một chút kem che khuyết điểm phủ lên quầng thâm mắt, kem nền khiến da sáng hơn đủ làm gương mặt trông khác biệt.

Chỉ cần với những thay đổi nhỏ trong cuộc sống hàng ngày, diện mạo của phái mạnh đã thay đổi rõ rệt. Tóc tai gọn gàng, da mặt mịn màng giúp ngoại hình trông sáng hơn.

Đáp ứng tiêu chuẩn về ngoại hình

Trong cuộc sống hiện nay, phụ nữ đang có nhiều yêu cầu khắt khe về ngoại hình hơn khi chọn người yêu, bạn đời.

Họ bỏ nhiều công sức, tiền bạc để chăm sóc sắc đẹp, ăn diện sành điệu. Bởi vậy, bản thân phái đẹp cũng muốn tìm cho mình người đồng hành có ngoại hình tương ứng.

Bên cạnh đó, sự phát triển mạnh mẽ của Kpop đã giúp hình ảnh những chàng trai "mặt hoa da phấn" được nhiều cô gái yêu thích, hâm mộ. Về lâu dài, hội chị em cảm thấy đây là hình tượng nam giới mà họ ưa chuộng.

Từ đó, đàn ông cảm thấy áp lực hơn phải chăm sóc diện mạo bề ngoài - điều phụ nữ luôn theo đuổi bao lâu nay.

Ngoài ra, ngày càng nhiều chàng trai muốn trông giống như các thần tượng Hàn Quốc. Điều này ảnh hưởng lớn đến ngành công nghiệp làm đẹp.

tai sao nam gioi thich trang diem anh 2

Việc trang điểm, làm đẹp không còn quá xa lạ đối với phái mạnh. Ảnh: Sixth Tone.

Theo South China Morning Post, đứng sau và cổ xúy cho trào lưu trang điểm ở nam giới không chỉ là các hãng mỹ phẩm, thời trang mà cả những người có tư tưởng bình quyền và chú trọng đến mong muốn của nữ giới.

"Họ theo đuổi trào lưu mới về vẻ đẹp của đàn ông, kiểu ngoại hình được các cô gái thế hệ thiên niên kỷ ưa chuộng", South China Morning Post dẫn lời Matthieu Rochette-Schneider -giám đốc khu vực Trung Quốc của hãng mỹ phẩm Centdegres. "Đó đã trở thành chuẩn mực đẹp mới cho đàn ông Trung Quốc".

Giáo sư Geng Song - người chuyên nghiên cứu về tính nam trong xã hội Trung Quốc tại Đại học Hong Kong - cũng đồng tình. Theo ông, khi địa vị xã hội và kinh tế của phụ nữ được nâng lên, gu của họ cũng như mong ước về sự nam tính trở nên quan trọng hơn.

Định kiến về việc đàn ông thích làm đẹp

Có nhiều lý do để đàn ông tìm đến với trang điểm và làm đẹp. Tuy nhiên, dù đưa ra luận điểm nào, họ cũng khó lòng nhận được sự đồng tình từ xã hội.

David Beckham từng nhận nhiều chỉ trích khi đánh mắt xanh lên tạp chí. Vlogger người Hàn Kim Seung Hwan bị lên án là người đồng tính.

Priya Elan - biên tập viên thời trang của tờ The Guardian - đã phải đối diện với ánh mắt nghiêm khắc của cha mẹ khi thử tô son vào năm 6 tuổi. Họ đều cho rằng đấng mày râu không nên trang điểm.

Lần thứ 2 tiếp xúc với make up, anh thoa lớp kem che khuyết điểm nhẹ dưới mắt và dùng thêm dưỡng ẩm. Vợ của cây bút tờ The Guardian tỏ rõ ý không đồng tình.

Theo thống kê của trang Debate, 84% người dùng cho rằng phái mạnh có thể trang điểm, trong khi lượng người không đồng tình chiếm tỷ lệ 16%. Điều này thể hiện nhiều người vẫn đồng tình với chuyện làm đẹp của phái mạnh.

Ngoài ra, một bình luận cũng nêu ra suy nghĩ: "Tôi không thích ý tưởng đàn ông nên make up. Họ sinh ra để làm những việc nam tính, không phải trở nên xinh đẹp. Khi nhìn thấy đàn ông trang điểm trên phố, tôi thường nhìn khá lâu và cảm thấy anh ta thật kỳ quặc. Tuy nhiên, trang điểm để phục vụ cho việc biểu diễn trên sân khấu lại là ngoại lệ".

Cũng có người cho rằng: "Tôi bị thu hút bởi những chàng trai có diện mạo điển trai".

Những đơn đặt hàng bí mật

Song song với xu hướng trang điểm dần trở nên phổ biến đối với nam giới, các hãng cũng cho ra mắt nhiều sản phẩm để đáp ứng nhu cầu. Tuy nhiên, một số thương hiệu lại có cách thức hoạt động khác lạ.

Đối diện với sự kỳ thị của xã hội, nhiều chàng trai gặp khó khăn khi đi mua mỹ phẩm.

Wang Yuepeng (25 tuổi, đến từ Hà Nam, Trung Quốc) cảm thấy tức giận khi nhớ về lần đầu tiên mua cây son Dior. Anh nghĩ đến ánh mắt của nhân viên bán hàng cùng câu hỏi châm chọc: "Anh định mua cái này về dùng à?".

Thái độ của nữ nhân viên khiến Yuepeng không giấu được bực tức, anh nhanh chóng đáp trả: "Tôi dùng thì có vấn đề gì không?".

Alex Dalley - người thành lập thương hiệu làm đẹp cho nam giới MMUK vào năm 2011 - tiết lộ nhiều khách hàng dùng tên giả để đặt hàng. Ngoài ra, họ yêu cầu bưu phẩm phải được gửi đến một cách bí mật. Thận trọng là yếu tố tiên quyết để MMUK tồn tại, vậy nên họ đã sử dụng bao bì màu đen để bọc kín sản phẩm.

Cô gái bị đối xử lạnh nhạt khi trang điểm xấu đi mua mỹ phẩm Nhìn thấy gương mặt của Mar, nhân viên tư vấn đã lập tức quay đi.

Da ngăm và 5 xu hướng nổi từ năm 2000 bỗng hot trở lại

Nhiều người nổi tiếng đang khiến loạt mốt thời trang, làm đẹp tưởng chừng đã lỗi thời được ưa chuộng.

Cao Thảo

Bạn có thể quan tâm