Nhìn lại những diễn biến trong thời trang ngày nay, có thể thấy khái niệm truyền thống về giới tính đang càng bị lu mờ. Từ những chiếc áo thun, áo sơ mi đàn ông cho đến chiếc quần jeans boyfriend thông dụng trên đường phố, những phụ nữ mặc trang phục nam giới xuất hiện ngày càng nhiều với tuần suất chóng mặt.
Cũng theo xu hướng đó, các nhà mốt cũng dần bỏ đi những phom dáng ôm sát tôn đường cong phụ nữ - mà thay thế chúng bởi các món đồ phom rộng hay quá khổ - cốt mang đến sự thoải mái cho những người phụ nữ đang đòi hỏi tự do.
Frasse Johansson trong trang phục của Acne Studios . |
Và tương tự, cũng ngần ấy thời gian chúng ta chứng kiến sự tôn vinh người mẫu unisex trong các thương hiệu lớn, từ Zara cho đến Rad Hourani. Ngay cả thương hiệu Anh quốc Selfridges vốn nổi tiếng với hình tượng nữ tính, cũng đã cho ra mắt không gian mua sắm riêng mang tên Agender, để mang đến những trải nghiệm thời trang không câu nệ giới tính.
Thế nhưng, nếu như cả thế giới đã cởi mở với phụ nữ, thì đàn ông lại gặp nhiều khó khăn. Việc đàn ông mặc đồ của phụ nữ vẫn là điều xa lạ và đôi khi phản cảm. Điều ấy, bắt nguồn từ những gốc rễ sâu xa trong tâm lý con người.
Đàn ông cứ mặc váy là gay?
Năm 2016, rapper Young Thug cho ra mắt sản phẩm âm nhạc mới mang tên Jeffery và ngay lập tức được nhiều người chú ý. Sự chú ý ấy không hẳn đến từ loạt ca khúc mang tên người nổi tiếng mà là vì chiếc đầm xanh bèo nhún của Alessandro Trincone nam ca sĩ diện lên khi chụp hình ảnh bìa.
Đây không phải lần đầu tiên Thug mặc trang phục nữ giới. Kể từ khi bước lên trên đỉnh cao danh vọng, Young Thug đã nhiều lần trêu đùa với ranh giới thời trang cũng như cả giới tính khi mặc vào nhiều món đồ phụ nữ. Hành động ấy có thể được xem như châm ngôn sống chàng ca sĩ thể hiện trong chiến dịch quảng bá của Calvin Klein: “Không hề có thứ gì được xem là giới tính”.
Đáp lại hình ảnh táo bạo của Young Thug, công chúng đã có những phản ứng trái ngược. Đối với một vài người, phong cách của Young Thug là vô cùng đột phá, đặc biệt trong nền công nghiệp vốn đã được định danh bởi nét đẹp nam tính. Đối với những người khác, anh chính là biểu hiện của văn hoá quái gở.
Điều đáng nói, phản ứng đầu tiên của nhiều người trên truyền thông xã hội chính là đặt câu hỏi về giới tính của anh. Hiện tượng ấy đặt ra một câu hỏi lớn hơn và thú vị hơn nhiều: Tại sao rất nhiều người quy chụp một đàn ông mặc quần áo phụ nữ là "gay" ngay cái nhìn đầu tiên?
Young Thug trong trang phục Alessandro Trincone . |
Chắc chắn, Thug không phải là nghệ sĩ nam duy nhất khoác lên mình chiếc váy. Mẫu phục trang mang đậm hình thái nữ ấy đã tồn tại suốt nhiều thập kỷ qua trên người các ngôi sao nhạc rock, từ David Bowie cho đến cả Prince.
Thug thậm chí cũng không phải rapper đầu tiên thách thức những định kiến giới tính trong phong cách ăn mặc. Nhưng việc phản ứng với hình ảnh bìa của Thug vẫn lột tả thực tế: quần áo đóng vai trò rất lớn trong việc tạo nên những cảm nhận giới tính.
Trọng nam, khinh nữ
Điều này xuất phát từ thực tế rằng thời trang thông thường phụ thuộc rất nhiều vào cấu trúc cứng nhắc của nam tính và nữ tính. Một người đàn ông đi vượt qua giới hạn trong cấu trúc hai hệ này sẽ bị xem là “gay” theo hàm ý miệt thị.
Đó kết luận dường như bắt nguồn từ quan niệm rằng những người đồng tính nam phải có những đặc điểm nữ tính, và bất kỳ người đàn ông nào thể hiện tính mềm yếu phải là người đồng tính.
Cũng từ cách mà mọi người phản ứng trước ảnh bìa của Thug, có thể thấy rõ tiêu chuẩn kép trong xã hội chúng ta: phụ nữ có thể mặc quần áo nam một cách rất công khai, nhưng việc người đàn ông ăn mặc quần áo phụ nữ vẫn là điều cấm kỵ.
Điều đó không có nghĩa việc phụ nữ mặc quần áo “nam tính” hoàn toàn nằm trong giới hạn các quy tắc xã hội. Nhưng nhìn chung họ vẫn dễ được chấp nhận hơn so với khi người đàn ông mặc những đồ “nữ tính”.
Sự đối nghịch ấy, có lẽ bắt nguồn sâu từ chủ nghĩa tính dục - khi tin rằng đàn ông mặc đồ như phụ nữ chính là để thu hút đàn ông - cũng giống như điều các phụ nữ hay làm.
Pharrell trong áo khoác Céline . |
Điều đó, cũng không khác mấy việc cho rằng theo khía cạnh nào đó, nam giới vẫn ở một vị thế cao hơn hẳn phụ nữ. Chính vì vậy, việc một người đàn ông xuất hiện và hành xử giống như người phụ nữ bị xem như hạ cấp.
Có thể, một số người cho rằng vấn đề này là không hề đáng kể. Nhưng những mặc định trong trạng thái tâm lý đó, lại không hề có tác động bình thường khi được kiểm chứng với trẻ em.
“Đây là lý do tại sao một cô gái ăn mặc như cướp biển hoặc cao bồi được khen là đáng yêu; trong một cậu bé muốn ăn mặc như công chúa lại là thứ gây sốc và vô cùng đáng sợ”, Jo Paoletti, nhà lịch sử học thời trang, giáo sư Đại học Maryland cho biết.
“Có lẽ nếu mọi người dừng suy nghĩ theo cách đó, sẽ có ít trường hợp bạo hành hay làm tổn thương tâm lý con trẻ hơn,” bà nói thêm.
Ca sĩ huyền thoại Prince . |
Lằn ranh giới tính đang bị làm mờ
Chỉ riêng việc nhìn thấy người đàn ông trong những chiếc crop-top hay váy ngắn, giày cao đã vượt quá sức tưởng tượng nhiều người trong xã hội chúng ta. Nhưng đừng quên rằng cách đây không quá lâu, skinny jeans từng vượt khỏi giới hạn của nữ giới để được áp dụng cho phom dáng đàn ông.
Những thay đổi như thế không xuất hiện một lần. Nếu nhìn lại thập niên 70 của thế kỷ trước, ta sẽ thấy những hình ảnh mang chất “phản bội” nhất của đàn ông với thời trang cổ điển.
Thời đại này đã chứng kiến nhiều người đàn ông chủ động mặc vào người những bộ cánh rực rỡ như những người phụ nữ, với phom dáng, đường cắt và chất liệu được cố ý thực hiện trong thế đối nghịch với những gì được cho là nam tính.
Và thời đại ấy, cũng đã sản sinh ra những Prince và David Bowie - những người đàn ông được xem là quyến rũ, lôi cuốn nhất trong thời đại của họ - điều phần lớn đến từ thái độ không sợ hãi khi tiến đến hình ảnh nữ tính hơn.
Kanye West trong trang phục Gucci |
Mặc dù vẫn chưa đến thời điểm cánh đàn ông bước ra khỏi cửa hàng Louboutin với vẻ mặt thoả mãn, những làn gió thay đổi vẫn lưng chừng đâu đó, chờ đợi một yếu tố cộng hưởng để trở thành bão tố.