Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Dân số Hàn Quốc suy giảm lần đầu tiên trong lịch sử

Dân số già hóa và tỷ lệ sinh thấp nhất thế giới đã tạo ra cột mốc thay đổi không thể tránh khỏi về nhân khẩu học ở nền kinh tế lớn thứ tư châu Á.

Qua nhiều năm đối mặt với tình trạng già hóa dân số và tỷ lệ sinh thấp kinh niên, lần đầu tiên trong lịch sử, dân số Hàn Quốc đã có mức tăng trưởng âm.

Theo số liệu điều tra dân số mới nhất được công bố vào cuối tuần trước, đến cuối năm 2020, Hàn Quốc hiện có 51.829.023 người - ít hơn 20.000 so với các dự báo chính thức trước đó.

dan so Han Quoc sut giam anh 1

Một đứa bé được sinh vào thời khắc giao thừa ở Hàn Quốc. Ảnh: The Guardian.

Những số liệu mới đáng lo ngại

Theo Yonhap, dân số Hàn Quốc đã tăng hàng năm trong suốt thập kỷ trước, mặc dù tốc độ tăng đã giảm từ 1.49% vào năm 2010 xuống 0.05% vào năm 2019.

Dữ liệu được cung cấp cho thấy cả Hàn Quốc ghi nhận 275.815 ca sinh vào năm 2020, so với 307.764 ca tử vong - đây cũng là lần đầu tiên số ca sinh ít hơn số ca tử vong kể từ khi nước này bắt đầu thu thập dữ liệu dân số sau khi chiến tranh Triều Tiên kết thúc vào năm 1953.

Choi Jin-ho, giáo sư xã hội học tại Đại học Ajou ở Suwon, phía nam Seoul, cho biết: “Điều này còn tồi tệ hơn cả những dự đoán. Và do hậu quả của đại dịch Covid-19, số lượng ca sinh mới trong năm 2021 được cho là sẽ giảm nhiều hơn nữa".

Xu hướng vốn cũng đã dẫn đến sự suy giảm dân số ở nước láng giềng Nhật Bản này đang gây thêm áp lực lên chính phủ Hàn Quốc trong việc giải quyết những thách thức dài hạn về nhân khẩu học.

Khi dân số ngày càng suy giảm, Hàn Quốc - nền kinh tế lớn thứ 4 của châu Á - cũng đang có số lượng người cao tuổi ngày càng tăng, với số người từ 60 tuổi trở lên hiện chiếm 24% tổng số dân.

Sự sụt giảm này không chỉ xuất hiện ở các vùng nông thôn vốn ngày càng ít người sinh sống, mà ngay cả ở thủ đô Seoul - với tổng số dân nơi đây đã giảm hơn 60.000 người vào năm ngoái.

dan so Han Quoc sut giam anh 2

Người dân đeo khẩu trang xuống đường trong dịp năm mới ở thủ đô Seoul, nơi có dân số sụt giảm lần đầu tiên trong năm vừa qua. Ảnh: AP.

Gánh nặng tài chính

Ước tính chính quyền thành phố Seoul đã chi khoảng 185 nghìn tỷ won (171 tỉ USD) trong 14 năm qua cho các biện pháp kích thích tăng trưởng dân số.

Gần đây, chính quyền của Tổng thống Moon Jae-in đã công bố các sáng kiến nhằm động viên các cặp vợ chồng sinh nhiều con hơn - bao gồm khoản hỗ trợ 1 triệu won cho phụ nữ mang thai và trợ cấp tiền mặt hàng tháng cho trẻ em dưới 12 tháng tuổi.

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng cách này không thực sự giải quyết các gánh nặng tài chính về lâu dài khi những đứa trẻ này lớn lên.

Theo giáo sư Choi, tỷ lệ thất nghiệp gia tăng, chi phí nhà ở đắt đỏ và các gánh nặng tài chính khác liên quan đến việc có con đã ngăn cản nhiều người trẻ Hàn Quốc kết hôn hoặc lập gia đình trong năm qua.

Đối với các bậc cha mẹ Hàn Quốc như Jimmy Lee, 38 tuổi, chi phí nuôi một đứa con đã là vừa đủ.

“Chúng tôi đang nỗ lực hết mình để nuôi dạy đứa con đầu lòng và duy nhất trong môi trường tốt nhất có thể thay vì có hai hoặc ba đứa con mà không đáp ứng đầy đủ các nhu cầu cho chúng phát triển”, bà mẹ của một cậu bé 10 tuổi cho biết.

Ở ngoại ô phía nam Seoul nơi cô sống, có thể tốn tới 2 triệu won (1.850 USD) mỗi tháng để thuê một người trông trẻ và 1,5 triệu won (1.400 USD) để gửi một đứa trẻ đến trường mẫu giáo tư nhân - vì danh sách chờ ở các trường công ít tốn kém hơn rất dài.

dan so Han Quoc sut giam anh 3

“Nhiều phụ nữ làm việc tại các công ty nhỏ phải nghỉ việc để chăm sóc con cái vì họ sẽ phải trả phần lớn thu nhập để thuê người trông trẻ", Lee nói thêm. Ảnh: Reuters.

Bên cạnh áp lực về tài chính gia đình, một số chuyên gia đã chỉ ra rằng phụ nữ Hàn Quốc ngày càng phản đối việc tuân theo các chuẩn mực xã hội vốn không còn hợp thời; phụ nữ có thể làm nhiều hơn là nuôi dạy con cái và chăm sóc gia đình chồng trong khi chồng thì đi làm.

Như Shin Eun-ji là một ví dụ, cô không hề có ý định kết hôn hay sinh con.

“Giờ tôi có thể xoay xở kiếm sống một mình nhưng nếu tôi kết hôn và lập gia đình, trang trải chi phí sinh hoạt sẽ là quá sức - như việc trả góp cho nhà mới hay cho việc học hành của con cái”, cô nhân viên văn phòng 30 tuổi nói.

Shin cũng cho biết thêm, nhiều công ty vừa và nhỏ không cho nhân viên nghỉ thai sản và phụ nữ ở đó có sự nghiệp bị cắt ngắn nếu họ mang thai; trong hoàn cảnh đó, nhiều người đã chọn cách không sinh con.

Năm 2018, chỉ hơn 22% phụ nữ Hàn Quốc độc thân hoặc chưa từng kết hôn nghĩ rằng lập gia đình là một phần cần thiết của cuộc sống, so với gần 47% một thập kỷ trước đó.

Sự thay đổi này được phản ánh qua việc giảm số lượng các cuộc hôn nhân, từ 434.900 vào năm 1996 xuống còn 257.600 vào năm ngoái.

dan so Han Quoc sut giam anh 4

Hàn Quốc đang nối tiếp Nhật Bản trở thành cường quốc châu Á thứ 2 bước vào giai đoạn suy giảm dân số. Ảnh: AP.

Tỷ lệ sinh của Hàn Quốc - trung bình số đứa con mà một phụ nữ có trong suốt cuộc đời - đã giảm xuống mức thấp kỷ lục 0,92 vào năm 2019 - mức thấp nhất trong số tất cả thành viên của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD).

Theo Liên Hợp Quốc, tỷ lệ trung bình toàn cầu là khoảng 2,5 trẻ em trên một phụ nữ, trong khi để cân bằng một cách hiệu quả với tỷ lệ tử vong, một quốc gia cần có tỉ lệ sinh là 2,1.

Nếu các xu hướng hiện tại vẫn tiếp diễn, dân số Hàn Quốc được dự đoán sẽ giảm xuống còn 39 triệu người vào năm 2067 - khi mà hơn 46% dân số sẽ ở độ tuổi trên 64.

Trung Quốc cân nhắc việc tặng tiền để khuyến khích sinh con

Nhằm giải quyết vấn đề già hóa dân số, chính phủ Trung Quốc dự định triển khai nhiều chính sách hỗ trợ, khuyến khích người dân sinh con, trong đó có tặng tiền.

Phúc Tâm

Bạn có thể quan tâm