Ăn hàng với Tây
Hội An nép mình bên dòng sông Hoài, nguồn cá, tôm dồi dào lại sở hữu cho riêng mình vườn rau Trà Quế luôn xanh tươi. Chính vì vậy, những món ăn tại Hội An luôn có hương vị của thiên nhiên. Chúng tôi đã tham gia với Hoian Food tour, một tour du lịch ẩm thực để trải nghiệm những giờ “ăn hàng” với Tây.
Trương Vân Hòa, người bạn dẫn đường buổi chiều, đưa tôi và 7 vị khách người Nhật Bản và Úc đi qua dòng xe để đến chợ Hội An, rồi ghé vào một quán bán Cao lầu - món ăn đặc trưng của phố Hội. Hòa đưa từng cọng mì cho 7 vị khách để “thử” trước.
Bà Sue (Australia), cho biết: “Nó rất là dai, ở Australia không có món này”. Sue còn đẩy đưa cọng mì theo nhịp. Còn Tasuda (Nhật Bản) miêu tả: “Sợi mì trông như món Udon của Nhật nhưng Udon không có rau và sợi to hơn nhiều”.
Xem cách làm bánh Hoa hồng trắng. Ảnh: N.T. |
Sáu tô Cao lầu được mang ra, chỉ có Tasuda chọn ăn mì Quảng. Tasuda vừa ăn mì vừa đổi tô qua lại với cô gái Nhật Megumi đi cùng để cùng thưởng thức sự khác nhau giữa 2 loại. Tất cả được trao những đôi đũa, chỉ có bà Sue chọn cách ăn với thìa, còn ông Travis (Australia), thì quấn sợi mì quanh đôi đũa để cho vào miệng thưởng thức.
“Sợi mì quá dài, nên tôi không thể ăn mì cùng với rau một lần. Phải ăn lần lượt từng thứ”, Travis hóm hỉnh. Hòa cầm cọng rau húng cho mọi người ngửi thử vị thơm và cay độc đáo.
Ăn xong, Hòa lại dẫn đoàn khách dạo bộ đến điểm hàng tiếp theo. Hòa định ghé quán trứng vịt lộn, nhưng có vẻ như chỉ vài vị khách thích thử. Họ nói rằng, ở nước họ, những quả trứng không để “nguyên con” như vậy và họ không dám ăn. “Trứng vịt lộn đối với Tây như một thử thách sự can đảm và trong tour thì không bắt buộc khách”, Hòa chia sẻ.
Ghé vào một quán bán bánh bao bánh vạc có tên Hoa hồng trắng. Hòa cho biết: “Một người Pháp sau khi ăn món bánh này đã đặt tên nó là Hoa hồng trắng vì bánh trông như những cánh hoa hồng”. Những món bánh với nhiều loại gia vị, bánh vạc làm từ nấm, giá, hành, tôm, thịt… Ông Travis vừa ăn vừa miêu tả: “Bánh bao ở nước tôi vỏ dày hơn và nhiều màu sắc, nó ăn không phải như món khai vị. Nhưng ở đây, nó là màu trắng, mềm và có thể dùng khai vị”.
Hòa cho biết, hầu hết các vị khách sang Hội An đến với tour đều có sẵn niềm đam mê ăn uống, đôi khi thích đi dạo và “ăn hàng” nên đặt tour. Sau khi thưởng thức qua bánh khọt, cà phê Việt và dạo chợ, Megumi nói rằng, cô thấy thú vị, món ăn Hội An rất ngon và nhiều gia vị, rất đa sắc thậm chí bánh mì cũng được xem như thức ăn nhanh.
Giản dị nét đẹp “ăn hàng” chợ Hội…
Theo Hòa, đây là tour du lịch ẩm thực, chủ yếu là khách Tây ba lô tham gia và có cả gia đình. Từ năm 2013, những người làm tour đã dành nhiều thời gian khảo sát tất cả các quán ăn tại Hội An.
“Ở các nước, người ta ăn ở những nhà hàng rất lịch sự, nên lúc đầu khi nhìn thấy những hàng quán, nhất là vỉa hè ở Hội An, họ ngại. Sau đó họ được thuyết phục rằng dù sàn nhà không sạch bong như ở Tây, nhưng bát đũa ở quán thì luôn sạch sẽ và thức ăn luôn đảm bảo vệ sinh”.
Đặc biệt, với tour ẩm thực, khách có thể tự mình vào bếp. Tại Hội An, khách được tiếp xúc với những chủ quán như Trần Tuấn Ngãi, đời thứ 3 của quán Hoa hồng trắng, và những ông lão bán chè xí mà qua hai thập kỷ, vừa ăn vừa nghe chuyện xưa Hội An.
Ngoài ra, các vị khách sẽ cùng đến với những cụ già neo đơn tại các trung tâm bảo trợ để chia sẻ giúp đỡ. Hàng tháng Hoian Food tour tổ chức một buổi từ thiện, nấu ăn cho hơn 110 cụ tại trung tâm bảo trợ xã hội Hội An. Kinh phí được trích ra từ tour, mỗi khách 2 USD.
Theo chị Nguyễn Thị Vân - trợ lý Hoian Food tour: chương trình dẫn tây đi ăn đặc sản chợ là của chị Phan Hoàng Yến, một người con của Hội An. Tốt nghiệp đại học ở Singapore, chị cùng chồng định cư tại đây. Chị cũng là người sáng lập ra Hoian Free tour. Sau khi Hoian Free tour thành công, chị đã giao hẳn tour này cho các bạn sinh viên tự quản lí. Sau khi tốt nghiệp, các bạn được giữ lại và làm việc cho Hoian Food tour. Đây chính là con đường để sinh viên ra trường có cơ hội được làm việc chuyên nghiệp về du lịch.