Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Dân văn phòng Hàn không còn coi trọng chuyện thăng chức

Không muốn gắn bó một công việc cả đời, bất mãn công ty hay muốn tìm thêm cách kiếm tiền, giới văn phòng trẻ ở Hàn Quốc không còn coi thăng tiến là mục tiêu lớn nhất.

Cơ hội thăng tiến được coi là một trong những động lực lớn nhất ở nơi làm việc đối với nhiều người lao động Hàn Quốc. Tuy nhiên, kết quả của một cuộc khảo sát gần đây cho thấy điều này không còn chính xác, theo Korea Times.

Theo cuộc khảo sát công bố ngày 13/1 được thực hiện bởi nền tảng tuyển dụng Saramin trên 1.129 nhân viên văn phòng, 46% người được hỏi cho biết họ không còn quan tâm đến việc được thăng chức.

Khi được chọn một hoặc nhiều lý do giải thích, 51,5% cho biết công việc hiện tại có thể không phải là công việc họ sẽ làm cả đời; 46,2% nói việc thăng chức chỉ đơn giản là không còn tạo động lực cho họ nữa và 7,8% cho rằng có những cách khác để tăng thu nhập.

Cuộc khảo sát cũng cho thấy nhiều nhân viên văn phòng trẻ đang tìm kiếm những cách khác nhau để kiếm tiền từ lương bổng như đầu tư vào bất động sản, cổ phiếu hoặc các hoạt động bên lề khác.

dan van phong Han thang chuc anh 1

Nhiều nhân viên văn phòng Hàn Quốc không còn mặn mà với chuyện phấn đấu thăng tiến. Ảnh: Getty Image.

Khi được hỏi công việc đóng vai trò quan trọng như thế nào trong cuộc sống, chỉ có 5% trả lời rằng đó là ưu tiên hàng đầu; 39% nhận xét công việc đứng thứ hai; 30% xếp công việc thứ 3 trong khi 12% thậm chí chẳng xếp công việc vào danh sách điều quan trọng.

Hơn một nửa số người được hỏi có quan điểm tiêu cực về các chính sách nhân sự của công ty mình làm việc. Theo đó, các tiêu chí đánh giá nhân viên không rõ ràng chiếm 70,5%; quyết định đơn phương của cấp trên là 49,2% và không phản ánh xu hướng làm việc đã thay đổi của thế hệ trẻ (31,3%).

"Không giống như trước đây, khi thăng tiến được coi là tiêu chuẩn tuyệt đối để thành công, thế hệ trẻ bây giờ có nhiều tiêu chuẩn khác nhau để đạt được điều đó. Trong quá trình phấn đấu, họ muốn có đủ thời gian để giải trí và cả phát triển sự nghiệp", một nhân viên tại Saramin giải thích.

Thà cam chịu văn hóa '996' độc hại chứ không dám lên tiếng

Dù ngày càng bị nhiều người lên án, việc loại bỏ văn hóa làm việc "996" ở Trung Quốc rất khó khăn và không thể chỉ trong ngày một ngày hai.

Mai An

Bạn có thể quan tâm