Cảm thấy bất an khi số lượng F0 trong công ty gia tăng sau kỳ nghỉ Tết, để tự bảo vệ bản thân, ngoài việc đeo khẩu trang và sát khuẩn tay liên tục, Nguyệt Hà chủ động thực hiện test nhanh khoảng 3 lần mỗi tuần.
“Vốn dĩ, tôi thích làm việc từ xa hơn. Ngoài việc hạn chế thời gian di chuyển trong điều kiện thời tiết không ủng hộ, tôi còn tránh được nguy cơ lây nhiễm Covid-19. Tôi cũng không cần xét nghiệm liên tục”, cô nói.
Chia sẻ với Zing, Nguyệt Hà cho biết hiện công ty cô chưa có chính sách Covid-19 rõ ràng, bao gồm việc không cung cấp kit test nhanh cho nhân viên dù mỗi ngày lại phát hiện thêm F0 tại văn phòng.
“Tôi cũng mong đợi công ty sẽ phát bộ kit xét nghiệm miễn phí. Tuy nhiên, công ty không làm thì tôi phải tự mua thôi. Biết là tốn kém nhưng tôi không còn cách nào khác”, cô nói.
Sáng 7/2, đường phố Hà Nội kẹt cứng ngày đầu người dân đi làm sau Tết Nguyên đán. Ảnh: Duy Hiệu. |
Sau kỳ nghỉ lễ kéo dài, người lao động trở lại công ty để tiếp tục làm việc. Số F0 cũng từ đó gia tăng.
Liên tiếp 3 ngày 19, 20 và 21/2, số ca nhiễm SARS-CoV-2 mới tại Việt Nam đã vượt mốc 40.000 người. Hầu hết tỉnh, thành phố trên cả nước đều ghi nhận ca nhiễm ở mức cao.
Nhiều công ty yêu cầu nhân viên thực hiện xét nghiệm nhanh hàng tuần. Tuy nhiên, một số nhân viên cho biết họ không được công ty hỗ trợ chi phí mua bộ kit test Covid-19.
Trong khi đó, giá của mỗi bộ kit nhanh dao động 60.000-110.000 đồng tuỳ loại, đắt gấp 2-3 lần bữa trưa hàng ngày. Điều này đang gây khó khăn cho các nhân viên văn phòng vốn làm việc trong không gian kín, đông người.
Đắt hơn bữa trưa
Ngày 15/2, văn phòng của Vũ (25 tuổi), nhân viên công ty tư vấn thiết kế giao thông ở Hà Nội, xuất hiện một F0. Anh và 4 đồng nghiệp khác lập tức được cấp kit xét nghiệm nhanh tại chỗ, nhưng đó là lần miễn phí duy nhất.
Từ khi phát hiện F0 ở văn phòng, Vũ và các đồng nghiệp thực hiện xét nghiệm nhanh đều đặn 2-3 ngày/lần. Ảnh: NVCC. |
Những lần tiếp theo, họ phải tự bỏ tiền mua bộ kit test nhanh và thực hiện xét nghiệm 2-3 ngày/lần. Vũ cho biết mỗi lần anh mua ở một nhà thuốc khác nhau, giá khoảng 70.000-110.000/bộ.
“Mức giá này gấp đôi bữa trưa của tôi rồi. Tôi thấy khá tốn kém. Ngoài việc lo chi phí sinh hoạt và thuê nhà đắt đỏ, tôi còn phải tính thêm tiền mua kit xét nghiệm”, anh chia sẻ.
Vũ lo rằng tình trạng này sẽ còn kéo dài. Trong một lần test nhanh gần đây, văn phòng anh phát hiện thêm một F0 nữa.
“Tôi sợ rằng chúng tôi đều đang trong giai đoạn ủ bệnh, đồng nghĩa rằng phải duy trì hoạt động xét nghiệm nhanh một thời gian nữa. Nếu vậy, chi phí mua bộ kit có thể lên đến tiền triệu mỗi tháng”, anh lo lắng. Anh cho biết công ty cũng chỉ hỗ trợ 500.000 đồng tiền xét nghiệm PCR cho mỗi F0.
Trong khi đó, Hà Anh (31 tuổi), trưởng phòng truyền thông tại một công ty ở Hà Nội, khá bức xúc với chính sách Covid-19 chưa được thấu đáo của công ty.
Hành khách được lấy mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2 tại sân bay Nội Bài. Ảnh: Việt Linh. |
Chia sẻ với Zing, Hà Anh cho biết những nhân viên F0 được phép ở nhà nhưng vẫn phải làm việc, đồng thời bị cắt giảm 30% lương. Ngoài ra, họ không được hỗ trợ chi phí xét nghiệm PCR và thuốc men đắt đỏ.
“Với những người khó khăn về mặt tài chính, mắc Covid-19 đồng nghĩa với việc phải mất khoản tiền lớn để điều trị tại nhà. Vậy mà họ không được hỗ trợ, thậm chí còn bị trừ lương”, cô chia sẻ.
Hà Anh cũng được yêu cầu xét nghiệm nhanh từ khi công ty xuất hiện ca dương tính với Covid-19. Ban đầu, cô và đồng nghiệp phải bỏ tiền tự mua bộ kit với mức giá từ 60.000-80.000 đồng/bộ. Về sau, công ty mới mua sẵn để hỗ trợ nhân viên xét nghiệm nhanh tại văn phòng.
Chấp nhận vì sức khỏe
Tương tự, Linh Nguyễn (23 tuổi), nhân viên của một agency quảng cáo ở Bình Dương, cho biết cô và các nhân viên được yêu cầu xét nghiệm nhanh tại văn phòng một lần/tuần.
Công ty đã duy trì hoạt động này từ tháng 10/2021 đến nay. Cứ mỗi sáng thứ 2, trên bàn làm việc của nhân viên sẽ có sẵn một bộ kit test nhanh được cung cấp miễn phí bởi công ty. Ngoài ra, nhân viên phải đeo khẩu trang trong quá trình làm việc.
Nhiều loại kit test được bày bán trên sàn thương mại điện tử với các mức giá khác nhau. Ảnh: Duy Hiệu. |
“Ban đầu, tôi còn hơi khó chịu với các quy định nghiêm ngặt này, nhưng rồi cũng quen. Nhờ công tác phòng, chống Covid-19 tốt, văn phòng tôi cũng không ghi nhận ca F0 nào kể từ ngày đi làm trở lại”, cô chia sẻ.
Theo cô, xét nghiệm thường xuyên là điều nên làm trong bối cảnh dịch bệnh còn phức tạp. Việc phát hiện sớm các ca nhiễm đồng nghĩa giúp bảo vệ chính mình và những người xung quanh.
Nếu công ty không cung cấp kit xét nghiệm miễn phí, Linh Nguyễn cho biết có thể cô sẽ mua bằng tiền túi.
“Thật tốt khi công ty cung cấp bộ kit miễn phí cho nhân viên. Tuy nhiên, nếu họ không mua thì cũng khó để trách cứ. Số tiền bỏ ra không hề nhỏ”, cô nói.