Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Format-Lifestyle

Dân văn phòng TP.HCM ăn trưa nhiều món như tiệc cưới, đám giỗ

Cái khó ló cái khôn, dân văn phòng ở những khu vực đắt đỏ tại TP.HCM tìm thấy một mô hình ăn trưa cùng nhau vừa rẻ vừa ngon mà không cần ra khỏi nơi làm việc.

11h45, Minh Ngọc (27 tuổi, làm việc ở quận 7, TP.HCM) và các đồng nghiệp không ai bảo ai nhưng tất cả đều kéo ghế về chiếc bàn giữa văn phòng. Mỗi người cầm theo bộ dụng cụ ăn uống của mình cùng với một "bữa trưa bí ẩn".

"Uầy hôm nay đủ cả cá, thịt, hải sản, rau và canh luôn", Ngọc nói khi mọi người mở các hộp đựng thức ăn.

Gần một năm qua, nhân viên văn phòng nơi Ngọc làm việc có thói quen trao đổi, chia sẻ bữa trưa với nhau. Thông thường, mỗi người sẽ mang một món ăn đến rồi cùng dọn ra ăn chung. Đôi lúc, các thành viên phân lịch, thay phiên nhau nấu ăn cho cả nhóm. Cứ như vậy, bữa ăn nào cũng đầy đủ cơm, món mặn và rau.

Theo Báo cáo Thị trường Kinh doanh Ẩm thực Việt Nam năm 2023 của iPos, ngày càng nhiều người Việt Nam đang bỏ bữa sáng và tập trung vào những bữa ăn trưa. Tuy nhiên, họ chỉ sẵn sàng trả từ 31.000-50.000 đồng cho một bữa trưa.

Do đó, việc tìm tìm một quán ăn vừa ngon vừa hợp túi tiền đã trở thành vấn đề trong công sở. Nhiều nhân viên văn phòng như nhóm của Minh Ngọc quyết thử nghiệm mô hình cơm trưa cộng đồng (potluck) và thu về kết quả ngoài mong đợi.

Tác dụng bất ngờ

Trong chương trình phát thanh The Early Edition with Stephen Quinn của CBC, nhà tâm lý học nơi làm việc Jennifer Newman (New York, Mỹ), từng chia sẻ bữa ăn cùng nhau giúp xây dựng mối quan hệ. Người lao động sẽ bỏ lỡ cơ hội hiểu nhau hơn nếu ăn một mình. Ăn cùng nhau cũng có thể khuyến khích sự hợp tác.

Nhiều cuộc trò chuyện không chính thức có thể diễn ra trong bữa ăn, vì vậy mọi người có thể bỏ lỡ thông tin cần thiết để thực hiện công việc của mình. Ngay cả cái gọi là “nói chuyện phiếm” cũng có thể thúc đẩy hiệu suất.

com trua o van phong anh 1

Theo nhà tâm lý học nơi làm việc Jennifer Newman, chia sẻ bữa ăn cùng nhau giúp xây dựng mối quan hệ và khuyến khích sự hợp tác. Ảnh minh họa: Phương Lâm.

“Giọng điệu thân thiện khi các đồng nghiệp ăn cùng nhau có thể hỗ trợ các cuộc trò chuyện sâu sắc hơn vào cuối ngày. Khi ăn một mình, nhân viên sẽ bỏ lỡ những lợi ích của mối quan hệ đồng nghiệp, sự hợp tác và hiệu suất. Họ cũng có xu hướng ít hài lòng hơn trong công việc”.

Tuy nhiên, trên cả những thứ như gắn kết mối quan hệ hay nâng cao hiệu suất, nhiều người cho biết nguyên nhân chủ yếu đưa họ đến với các bữa trưa chia sẻ là vấn đề chi phí.

Trước đây khi còn làm việc ở một tòa nhà văn phòng tại đường Huỳnh Thúc Kháng (quận 1), Ngọc luôn ăn trưa ở bên ngoài. Cô cho biết khu vực này có nhiều hàng quán nên lựa chọn ăn uống đa dạng, giá cả cũng vừa túi tiền hơn. "Tôi cũng không mang cơm đi làm vì cảm thấy tự nấu ăn bữa tối thôi là quá đủ", Ngọc cho hay.

Tuy nhiên, sau khi chuyển việc, nhân viên văn phòng này đã thay đổi suy nghĩ.

com trua o van phong anh 2

Theo khảo sát của iPos, người tiêu dùng Việt Nam chỉ muốn dành khoảng 31.000-50.000 đồng/bữa cơm trưa. Ảnh: Linh Huỳnh.

Công ty hiện tại của Ngọc nằm ở khu Trung tâm Thương mại Tài chính Quốc tế Phú Mỹ Hưng (quận 7). Cô cho biết khu vực này khá biệt lập nên có rất ít lựa chọn ăn uống giá cả phải chăng. Xung quanh công ty của Ngọc chỉ có 2 quán cơm trưa văn phòng, với mức giá thấp nhất là 55.000 đồng/phần ăn.

Ăn ngoài bất tiện và khá đắt, nhưng tự suy nghĩ và chuẩn bị một bữa trưa hoàn chỉnh hàng ngày lại trở nên quá sức với một dân văn phòng ngày làm 8 tiếng như Ngọc.

Trong tất cả lựa chọn, trao đổi bữa trưa với đồng nghiệp có lẽ là cách hợp lý nhất để vừa ăn ngon, vừa có thể giảm bớt công việc và chi phí.

1 bữa trưa - 10 món ăn

Từ tháng 11/2023, quán cơm mà nhóm của Tố Trân (24 tuổi, làm việc ở khu đô thị Sala, quận 2, TP.HCM) thường đến ăn trưa bất ngờ đóng cửa. Mất quán ăn yêu thích trong khi các quán khác lại quá xa, đắt tiền hoặc không hợp khẩu vị, cả nhóm quyết định mang cơm theo ăn mỗi ngày.

Từ đó, mỗi người trong nhóm của Tố Trân sẽ nấu một món ăn và mang theo để cả nhóm cùng thưởng thức. Tổng cộng, nhóm của cô có 10 thành viên nên mỗi bữa trưa sẽ có khoảng 10 món ăn.

com trua o van phong anh 3

Một bữa cơm trưa của nhóm Tố Trân thường khá phong phú với nhiều món chiên, xào, kho... Ảnh: NVCC.

“Mỗi buổi tối, các thành viên sẽ thông báo cho nhóm biết ngày mai mình mang theo món gì rồi mọi người tự sắp xếp làm sao cho một bữa ăn có đủ các món kho, xào, canh, trái cây, bánh ngọt…”, Tố Trân nói thêm có đồng nghiệp còn ghẹo nhóm của cô ăn trưa như “ăn đám giỗ, đám cưới”.

Khác với Tố Trân, Lê Huyên (21 tuổi) chỉ bắt đầu làm việc cho một công ty ở quận 2 từ tháng 5/2024. Đến nay, nhóm đồng nghiệp thân thiết của Huyên cũng ăn trưa theo mô hình cộng đồng được 2 tháng.

com trua o van phong anh 4

Nhóm đồng nghiệp của Lê Huyên tiết kiệm được 15.000-20.000 đồng/bữa nhờ mô hình ăn trưa cùng nhau. Ảnh: NVCC.

Theo Lê Huyên, nhờ những bữa cơm trưa cộng đồng này, cô tiết kiệm được 15.000-20.000 đồng/bữa ăn. “Trung bình các thành viên nhóm mình chỉ tiêu khoảng 20.000-25.000/bữa trưa nhưng lại có một bữa ăn đủ dinh dưỡng và ngon như cơm mẹ nấu”, cô chia sẻ với Tri Thức - Znews.

Mô hình cơm trưa cộng đồng (potluck) bắt đầu phổ biến từ những năm cuối thế kỷ 19 ở Mỹ. Ngày nay, mô hình này được xem là một công cụ giao lưu ở các công ty, trường học đa văn hóa.

Kristin Donnelly, một nhà văn Mỹ chuyên viết về ẩm thực và là tác giả sách Modern Potluck. là người từng tổ chức hàng chục bữa tiệc potluck tại nơi mà cô sinh sống - quận Bucks (bang Pennsylvania, Mỹ).

Cô cho biết các bữa tiệc potluck của cô có khả năng truyền cảm hứng và tạo ra những tình bạn bền chặt giữa mọi người. “Để làm quen với bạn mới, chỉ cần hỏi người đó mang gì đến bữa trưa hôm nay và cách để nấu món ăn đó. Thế là một tình bạn được hình thành. Bạn có thể áp dụng công thức này cho mọi môi trường, từ văn phòng đến trường học”, Donnelly viết.

Niềm vui và nỗi buồn của công việc

Tập truyện ngắn của nữ tác giả Jang Ryu Jin mang đến cái nhìn khác về cuộc sống của tầng lớp thanh niên ở Hàn Quốc. Chúng ta thường quen với hình ảnh những nam thanh nữ tú, chỉn chu trong bộ trang phục công sở, làm việc trong những cao ốc văn phòng sang trọng. Thực tế, áp lực công việc và khoảng cách giàu nghèo ngày càng lớn, khiến nhiều người trẻ không còn thiết tha với tình yêu, chuyện kết hôn hay sinh con. Các nhân vật của Jang Ryu Jin đều là những thanh niên bình thường mà người ta có thể gặp ở bất cứ đâu. Mỗi câu chuyện là một mảng màu sáng-tối đan xen, tạo nên bức tranh đa chiều về những khó khăn của người trẻ trong xã hội hiện đại.

Đức An - Huệ Lâm

Bạn có thể quan tâm