Dịp Quốc khánh được nghỉ phép dài ngày, là cơ hội để người trẻ đi du lịch, gặp mặt bạn bè. Ảnh: Phương Lâm. |
Mua vé du lịch một mình tới Đà Nẵng - Hội An vào dịp nghỉ lễ Quốc khánh 2/9, Mỹ Linh sớm trong tâm trạng háo hức vì đây là chuyến đi đầu tiên sau 2 năm không đi chơi xa.
Từ khoảng một tuần trước khi đến ngày nghỉ chính thức, cô bắt đầu ngồi tìm kiếm, lưu lại các địa điểm vui chơi, ăn uống quanh địa phương.
Linh thừa nhận trong 3 ngày đầu tuần trước kỳ nghỉ lễ, năng suất làm việc không được như mọi ngày, khi những suy nghĩ, hình dung đến những ngày được thư giãn sắp tới thường xuyên chen ngang.
Cảm giác hào hứng thế chỗ cho việc tập trung 100% vào các trang tính, báo cáo.
Cảm giác của cô không phải cá biệt. Càng gần ngày lễ, đông nhân viên văn phòng cho biết họ đã có tâm lý nghỉ ngơi, “xả hơi” từ trước, nhất là khi dịp nghỉ lễ Quốc khánh 2/9 năm nay kéo dài trong 4 ngày (1-4/9), giúp mọi người có nhiều thời gian vui chơi, du lịch.
Muốn "xõa" từ đầu tuần
Chung tâm trạng, Nguyễn Như (24 tuổi, quận Cầu Giấy) tranh thủ dịp nghỉ dài hơi để về thăm gia đình ở Bắc Kạn.
"Sau khi gọi điện thông báo về cho bố mẹ, đặt xe xong xuôi, đầu óc mình chỉ chủ yếu nghĩ tới việc đi thăm chị em, họ hàng, rủ bạn bè tụ tập ở quán nào. Các 'kèo' đều lên sẵn cho từng ngày về quê", Như kể.
Từ tuần trước, cô bắt đầu cố đẩy nhanh, sắp xếp công việc dần để chuẩn bị cho kỳ nghỉ. Đến tuần này, khi các đầu việc hầu như đã hoàn thành sớm, Như đi làm trong tâm thế thảnh thơi.
Mỹ Linh chờ từng ngày đến khi nghỉ lễ để được quay lại điểm du lịch yêu thích. Ảnh: NVCC. |
"Vào ngày cuối, không khí chờ đến kết thúc giờ tan sở xuất hiện ở mọi nơi, từ những câu chuyện trao đổi với đồng nghiệp cho đến các bài đăng trên mạng xã hội, khiến mình càng ngóng chờ hơn", cô chia sẻ.
Với Huyền Anh (20 tuổi, quận Phú Nhuận), lý do mong chờ đợt nghỉ lễ này là bởi 2 kỳ nghỉ Giỗ tổ Hùng Vương và dịp 30/4-1/5 trước đó, cô đều bận rộn, kẹt việc nên không được nghỉ ngơi như mong muốn.
"Thú thật, mình có chút lơ là, xao nhãng trong vài ngày qua, mất nhiều thời gian hơn để hoàn tất các đầu việc. Tâm trạng giống như cơ thể ở văn phòng nhưng đầu óc ở ngoài các chỗ vui chơi từ lâu", nhân viên ngành Ngân hàng bày tỏ.
Huyền Anh cho hay bản thân rất hay nôn nao trước khi tới ngày nghỉ lễ hay những lần đi chơi xa.
"Trạng thái trông chờ đôi khi còn phấn khích hơn khi thực sự nghỉ lễ. Vì những ngày lễ thường trôi nhanh, đôi khi không kịp tận hưởng. Về phần mình, do khối lượng việc ngày thường tương đối dày cộng với sức khỏe yếu, thiếu ngủ nên cá nhân rất mong đợi đến khi được nghỉ".
4 ngày đầu của tháng 9 tới, Huyền Anh dự tính phân chia 2 ngày đầu ở nhà ngủ bù, tận hưởng không gian riêng. Hai ngày cuối cùng, cô phân chia đi chơi với gia đình, đi cà phê với bạn bè và ăn các quán ngon đã lưu lại từ trước cùng người yêu.
"Nếu còn dư dả thời gian, mình sẽ làm chuyến 'phượt' ngắn đến Vũng Tàu vào ngày cuối", cô nói thêm.
Thay vì lo lắng chạy deadline, nhiều người trẻ bàn chuyện sôi nổi với bạn bè về kế hoạch chơi lễ. Ảnh: Huệ Lâm. |
Tâm lý chung của số đông
"Trước đó, mình không để tâm lắm nhưng khi biết lịch nghỉ lễ 2/9 kéo dài 4 ngày, mình nhanh chóng nghĩ xem ngày đầu nên làm gì, ngày hai đi đâu, ngày thứ ba rủ ai...", Thanh Hoa (25 tuổi, Bắc Giang), cho hay.
Trong 3 ngày làm việc đầu tuần, các tin nhắn, chat nhóm của cô chỉ xoay quanh chuyện ăn gì, chơi gì cho hết toàn bộ số ngày nghỉ. Bạn bè, đồng nghiệp cũng bàn tán rôm rả về chủ đề này.
"Không chỉ riêng bản thân mình bị xao nhãng trước thềm nghỉ lễ mà các anh, chị, em trong cùng phòng cũng vậy. Người bận rộn chạy xong deadline để yên tâm nghỉ dưỡng, người bận mua sắm để có quần áo đẹp diện đi nghỉ mát", Hoa kể.
Theo cô, chuyện hào hứng hay muốn "xõa" ngay trước khi chính thức nghỉ lễ không có gì lạ lẫm.
Với Hoa, 4 ngày nghỉ lễ là cơ hội cho mọi người thư giãn sau nhiều ngày lao động vất vả. Ảnh: NVCC. |
"Sau nhiều tháng làm việc liên tục, bản thân ai cũng muốn có những ngày không phải có mặt ở công ty, được giải trí mà không phải lo về deadline hay KPI và đi đến nơi muốn đến, dành thời gian cho người muốn ở cạnh", cô bày tỏ.
Trước 2/9, cô đã đi một số địa điểm như Cát Bà, Ninh Bình, Hạ Long, nên những ngày sắp tới, Hoa chủ yếu đi chơi gần, quanh thành phố.
Từ đầu năm, Ngọc Trần (28 tuổi, quận Cầu Giấy) chủ yếu làm việc với năng suất cao vì nhảy việc sang một lĩnh vực mới.
Đến lễ Quốc khánh 2/9, cô quyết định sử dụng dịp này để "xả hơi".
"Từ đầu tuần, năng suất làm việc giảm dần và đến ngày cuối, mình chỉ mong đến lúc chấm công ra về. Trong giờ làm, thay vì chú ý 100% vào nhiệm vụ cần làm, mình ngồi bàn bạc với bạn bè giờ giấc gặp mặt, tụ tập chỗ nào.
Không khí văn phòng có phần 'chậm' đi, có lẽ ai cũng mong chờ đến ngày được hưởng thụ kì nghỉ của mình với gia đình, bạn bè. Do chuẩn bị nghỉ lễ nên công việc ở công ty không nhiều, hơn nữa bây giờ cũng chưa phải giai đoạn cao điểm như cuối năm, cận Tết", cô cho hay.
Với Ngọc, tâm lý này thường gặp vào những đợt nghỉ lễ từ 2 ngày trở lên, xuất phát từ nhu cầu muốn hưởng thụ.
"Kỳ nghỉ kéo dài có thể đóng vai trò như một dịp để giảm căng thẳng, mệt mỏi, giúp dân văn phòng lấy lại năng lượng để quay lại guồng quay công việc, học tập", Ngọc cho hay.
Điều khiến cô háo hức nhất là có thêm thời gian cho sở thích chạy bộ.
"Hàng ngày, mình chỉ đi chạy được vào buổi tối. Còn 4 ngày tới, mình có thể đẩy giờ lên sáng sớm hoặc buổi chiều. Vào 2/9, mình sẽ dành cả ngày để đi leo núi".
Tương tự, Mỹ Linh cho rằng đây đã trở thành tâm lý số đông, miễn sao người đi làm vẫn đảm bảo tiến độ, tránh quá bỏ bê công việc.
"Bình thường, dân văn phòng cũng đã mong đợi đến cuối tuần để nghỉ ngơi. Vậy nên, không có gì khó hiểu khi họ mong chờ đến các dịp nghỉ kéo dài như Tết Âm lịch hay lần Quốc khánh 2/9 này", Linh nói.