Hàng chục năm nay, khúc sông Đáy qua xã Văn Võ (huyện Chương Mỹ) được người dân nơi đây ví như “dòng sông chết” bởi nước lúc nào cũng đen kịt và bốc mùi hôi thối. Vào mùa khô nước sông trở nên đặc quánh, mùi hôi nồng nặc toả ra khắp làng. Nhiều hộ gia đình ở giữa làng cách sông gần cây số vẫn không thoát được mùi đặc trưng khó chịu này.
Bà Nguyễn Thị Thơm nhà ven sông chia sẻ: “Cả chục năm nay không ai dám động đến nước sông nữa, cây cỏ hai bên bờ sông cũng dần héo úa, cá thì chết nổi lềnh bềnh mà cá có đánh lên cho không cũng chẳng ai dám ăn. Đi qua sông thì phải lấy tay bịt mũi mà chạy cho nhanh”.
Nước sông dần cạn khô, bùn đất đen kịt trộn lẫn cả rác thải trên thượng nguồn trôi về. Ảnh: Cao La. |
Người dân nhiều lần đưa đơn nhờ xã giải quyết nhưng tình trạng không biến chuyển. Trong khi đó, môi trường càng ngày càng ô nhiễm, sức khoẻ của nhiều hộ dân trong thôn bị đe doạ.
“Hàng ngày, chúng tôi phải chịu hậu quả của nơi khác gây ra nên rất bức xúc, chỉ mong lãnh đạo cấp trên xem xét và nhanh chóng có biện pháp giải quyết, trả lại dòng sông sạch cho dân”, chị Hoà, người dân xã Văn Võ, chia sẻ.
Theo ghi nhận, thượng nguồn sông Đáy có một số làng nghề làm miến, mây tre đan... Các xã ở khu vực này không đến nỗi ô nhiễm nhưng đến Văn Võ, do khúc sông có đoạn uốn dòng gắt nên rác rưởi ứ đọng.
Sông Đáy chảy quanh địa phận xã Văn Võ, huyện Chương Mỹ (khoanh đỏ). Đồ họa: Thiên Sơn. |
Trao đổi với phóng viên, Chủ tịch UBND xã Nguyễn Văn Hưng cho biết nước sông bị ô nhiễm là do nước thải từ cơ sở sản xuất bên ở thượng nguồn chảy về. Trong xã chỉ có nước thải sinh hoạt còn chăn nuôi đa số được đưa vào biogas.
“Không phải chúng tôi không quan tâm mà xã cũng chỉ biết kiến nghị lên cấp trên. Các cơ quan chức năng cũng đã cho người về lấy mẫu nước để kiểm tra nhưng chưa có phương án để giải quyết”, ông Hưng nói.
Ông Hưng còn cho biết thêm không chỉ cuộc sống của mọi người bị ảnh hưởng mà hoạt động tưới tiêu cho nông nghiệp của cả xã cũng dựa hoàn toàn vào nước sông. Nhiều khi sông ô nhiễm quá xã bơm lên tưới lúa, khiến lúa chết nên đành phải tháo trả nước về sông chờ trời mưa.