Theo Tổng cục Hải quan, tính chung 11 tháng năm 2013 đã có tổng cộng 31.469 chiếc ô tô nhập khẩu vào Việt Nam, với kim ngạch hơn 643,88 triệu USD. So với cùng kỳ năm 2012, ô tô nguyên chiếc nhập khẩu tăng 28,8% về số lượng và tăng 16,1% về giá trị.
Rolls-Royce, Lexus ngày càng nhiều
Đáng lưu ý là dòng xe sang nhập khẩu từ các nước Anh, Pháp, Đức, Mỹ chiếm không lớn về số lượng nhưng lại có kim ngạch khá cao. Trong số gần 20 quốc gia và vùng lãnh thổ xuất khẩu ô tô vào Việt Nam thì các thương hiệu xe sang chủ yếu thuộc về Mỹ, Anh, Đức, Pháp. Chỉ riêng 4 thị trường này trong năm 2013 xuất khẩu tổng cộng 2.433 chiếc ô tô vào Việt Nam, nhưng giá trị kim ngạch lên đến hơn 90 triệu USD. Trong khi Việt Nam nhập khẩu từ Hàn Quốc tổng cộng 13.094 ô tô nhưng giá trị chỉ có 150,749 triệu USD. Điều này cho thấy các dòng xe đắt tiền đang ngày càng được tiêu thụ mạnh ở Việt Nam.
Kinh tế đầy khó khăn nhưng người tiêu dùng Việt Nam vẫn mạnh tay chi hàng tỷ USD để sắm xe hơi cao cấp. |
Năm 2013, thị trường ô tô có nhiều giai đoạn bi đát, khi sản lượng bán hàng sụt giảm thê thảm, giải pháp khuyến mãi hầu như không còn tác dụng, phải chờ đến những tác động từ chính sách phí trước bạ mới có phần ấm lên. Ngay trong hoàn cảnh đó, phân khúc xe siêu sang vẫn sôi động với sự ra mắt đại lý chính thức đầu tiên của Rolls-Royce tại Việt Nam vào tháng 6/2013, đánh dấu cho việc đưa xe Rolls-Royce chính hãng vào thị trường trong nước với con số ước tính đến thời điểm đó đã có khoảng 70 chiếc.
Trong quý cuối cùng của năm 2013, một thương hiệu đình đám khác là Lexus cũng chính thức công bố vào Việt Nam và công bố giá xe chính hãng cho phiên bản RX350 là 2,932 tỉ đồng/chiếc.
Chi 1 tỷ USD sắm điện thoại mới
Ngoài xe hơi, trong năm 2013, Việt Nam có số lượng điện thoại được nhập khẩu tăng vọt, trong đó các loại điện thoại cao cấp chiếm số lượng lớn.
Theo thống kê vừa được hãng nghiên cứu thị trường GfK công bố, ước tính mỗi năm người Việt Nam chi khoảng 1 tỷ USD cho việc mua sắm điện thoại mới. Năm 2013, Việt Nam tiêu thụ khoảng 17 triệu chiếc điện thoại di động (ĐTDĐ), trong đó smartphone cao cấp chiếm khoảng 7 triệu chiếc. Tốc độ tăng trưởng của thị trường smartphone tại Việt Nam đạt 156% so với cùng kỳ năm ngoái, đứng đầu khu vực Đông Nam Á.
Người sử dụng điện thoại hiện không còn giới hạn trong tầng lớp trung lưu, thượng lưu mà ai ai cũng có... ĐTDĐ. Dù là một nước còn nghèo nhưng viễn thông ở Việt Nam được xếp vào nhóm quốc gia có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất thế giới. Thật khó tin khi hiện nay trung bình một người dân Việt Nam sở hữu đến 1,4 chiếc điện thoại và trong số này gần một nửa là smartphone cao cấp.
Nhu cầu thực sự hay tâm lý thích xài sang?
Những tính năng thông minh của smartphone đã mang lại nhiều tiện ích cho người sử dụng, nhưng không phải ai cũng có nhu cầu thực sự và đặc biệt là “hiểu” được cặn kẽ tính năng của chiếc điện thoại mà mình sắm. Thay vào đó, việc sắm điện thoại cao cấp chỉ để “bằng anh, bằng chị”. Anh Văn Minh T., giám đốc một siêu thị ĐTDĐ tại TP HCM, thừa nhận: “Tôi thấy nhiều người đua nhau sắm điện thoại cao cấp như iPhone chẳng hạn nhưng chỉ để nhắn tin, gọi điện, chụp ảnh, nghe nhạc, xem phim..., hoàn toàn không sử dụng đến những tính năng khác như email, lướt web, cài đặt các ứng dụng phục vụ công việc. Có người bỏ hàng chục triệu đồng ra mua smartphone chỉ để thể hiện đẳng cấp hoặc để “bằng bạn, bằng bè”.
Ông Hoàng Phú Nam, Giám đốc hệ thống siêu thị ĐTDĐ Hnam Mobile, đúc kết: “Hiện nhu cầu sử dụng các smartphone của người Việt Nam tăng cao vì chúng mang lại nhiều tiện ích cho công việc, giải trí. Vì thế, việc mua sắm các sản phẩm smartphone cao cấp, hiện đại là chính đáng, tuy nhiên vẫn còn khá nhiều người sắm điện thoại xịn chỉ nhằm để “bằng” người khác, không có nhu cầu sử dụng thực sự. Điều này dẫn đến tình trạng lãng phí trong mua sắm”.
Nói về việc nhập khẩu xe hơi, TS Nguyễn Minh Phong đánh giá kim ngạch nhập khẩu xe sang không giảm trong bối cảnh kinh tế khó khăn, một phần nào đó phản ánh đậm nét tâm lý người Việt thích xài sang, một bộ phận người dân bất chấp kinh tế xuống đáy vẫn không giảm chi tiêu. Đây chỉ là số liệu thống kê chính thức, chưa kể hàng chục vụ siêu xe tìm cách lách thuế nhập khẩu vào Việt Nam theo hình thức xe Việt kiều hồi hương, cưa đôi xe để thoát danh mục thuế nhập khẩu xe nguyên chiếc rồi về hàn lại…
Thực tế này đặt ra vấn đề nhà nước nên có điều chỉnh chính sách thuế linh hoạt hơn. Chính sách thuế vừa qua mới chỉ giảm để tháo gỡ khó khăn chung, nhưng đó là giảm để tất cả cùng có lợi, không phân biệt đối tượng giàu nghèo. Lẽ ra cần phải có chính sách linh hoạt để có tác dụng điều tiết, hụt chỗ này phải bù chỗ kia. Cụ thể là xe siêu sang phải đánh thuế thật cao để hạn chế nhập khẩu.