Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Dàn xếp tỷ số trong quần vợt - vấn nạn chưa tìm ra lối thoát

Bóng ma bán độ ám ảnh làng banh nỉ thế giới suốt hơn một tuần qua. Tuy nhiên, những người có trách nhiệm dường như quá thờ ơ trước vấn nạn này.

Quần vợt bị nạn dàn xếp tỷ số tấn công từ lâu Trước thềm Australia Open, làng banh nỉ rúng động bởi thông tin về nạn dàn xếp tỷ số, tuy nhiên điều nãy đã có từ rất lâu mà không nhiều người biết đến.

Ngay trước thềm giải Grand Slam đầu tiên trong năm 2016 – Australian Open – quần vợt thế giới thực sự rúng động trước những báo cáo từ cuộc điều tra kép của BBCBuzzfeed. Theo tiết lộ, khoảng 28 tay vợt bị nghi ngờ tham gia dàn xếp tỷ số, trong đó có 16 gương mặt đã và đang nằm trong top 50 ATP. Thậm chí, trong “danh sách đen” còn có sự hiện diện của ít nhất một nhà vô địch Grand Slam.

Khởi đầu của những bê bối

Không phải tới tận bây giờ, những nghi vấn dàn xếp tỷ số trong làng banh nỉ mới gióng lên hồi chuông cảnh báo. Cách đây 9 năm, giải quần vợt Prokom Open diễn ra tại thành phố Sopot (Ba Lan) từng chứng kiến bê bối liên quan đến nạn bán độ.

Khi ấy, tay vợt xếp hạng 4 thế giới Nikolay Davydenko bất ngờ nhận thất bại trước đối thủ thua xa về mặt đẳng cấp Martin Arguello tại vòng 2. Điều đáng nói, trước khi trận đấu diễn ra, một lượng tiền lớn từ nước Nga được đặt vào cửa chiến thắng của tay vợt vô danh người Argentina. Số tiền này thậm chí càng tăng lên sau khi Davydenko dễ dàng thắng 6-2 trong set đầu và tiếp tục dẫn điểm trong set 2.

Davydenko từng dính nghi án bán độ cách đây 9 năm. Ảnh: Getty Images.

Không lâu sau đó, hạt giống số 1 đột ngột sa sút khó hiểu và tuyên bố bỏ cuộc ở game 3, set 3 vì lý do chấn thương mắt cá và ngón chân. Do những dấu hiệu bất thường, nhà cái Betfair đã quyết định hủy bỏ mọi giao dịch ở trận đấu này, một sự kiện chưa từng có tiền lệ.

Quần vợt - miếng mồi ngon với những tổ chức tội phạm

Vài năm sau, người ta mới phát hiện Arguello thường xuyên liên hệ với các tay cá cược tại Italy song vụ việc vẫn không được các cơ quan có thẩm quyền lật lại. Một cuộc điều tra độc lập khác cho thấy, những nhóm tội phạm dàn xếp tỷ số đã kiếm được lượng tiền lớn từ những vụ dàn xếp tương tự.

Cụ thể, nhóm cá độ tại Nga tham gia đặt cược ở 5 trận đấu và thắng số tiền 250.000 bảng. Một nhóm khác tại miền bắc Italy “nhúng tay” vào 28 trận và thu về 650.000 bảng. Cuối cùng, nhóm tội phạm có trụ sở tại Sicily đặt cược 12 trận (trong đó có 3 trận tại Wimbledon) và kiếm được 650.000 bảng.

Sau chiến thắng trước tài năng trẻ Hyeon Chung tại vòng 1 Australian Open, tay vợt số 1 thế giới Novak Djokovic cũng lên tiếng thừa nhận, anh từng trở thành mục tiêu nhòm ngó của những kẻ tội phạm tổ chức dàn xếp tỷ số tại St Petersburg Open 2006.  Tuy nhiên, ban huấn luyện của Nole đã ngăn cản vụ việc và khuyên anh sớm bỏ giải để tránh những rắc rối có thể xảy ra.

Đương kim vô địch Australian Open cũng từng trở thành mục tiêu của những kẻ tội phạm chuyên dàn xếp tỷ số. Ảnh: Getty Images.

Đài BBC gần đây cũng đã tiến hành phỏng vấn David Koreller, tay vợt từng bị cấm thi đấu vĩnh viễn vì tham gia bán độ. “Ở Chennai, họ đề nghị tôi thua ngay vòng 1 với giá 50.000 bảng. Tại Paris, số tiền đó tăng lên gấp đôi với yêu cầu tôi thua trắng. Đó quả là lời đề nghị tuyệt vời bởi việc đánh bóng không qua lưới hay ra ngoài quá đơn giản mà chẳng ai nghi ngờ”.

So với bóng đá hay nhiều môn thể thao thịnh hành khác, quần vợt chủ yếu mang dấu ấn cá nhân nên khả năng bị chi phối từ những kẻ dàn xếp cao hơn. Ngoài ra, sự bất công trong thu nhập cũng ảnh hưởng khá nhiều tới lựa chọn “trắng” hay “đen” của các tay vợt, đặc biệt những gương mặt xếp ngoài top 100 thế giới – những người thường chỉ kiếm được không quá 200.000 USD mỗi năm nhưng phải tự trả chi phí di chuyển và khách sạn.

Sự thờ ơ của các cơ quan quản lý

Từ sau vụ Davydenko, Liên đoàn quần vợt thế giới đã thành lập Ủy ban liêm chính quần vợt (TIU) nhằm đối phó với nạn dàn xếp tỷ số. Tuy nhiên, cơ quan này lại không tích cực tiếp nhận những thông tin điều tra từ các nguồn đáng tin cậy.

Mark Phillips, một điều tra viên cho biết: “Chúng tôi gửi tới TIU những chứng cứ đáng giá nhưng họ chẳng làm gì cả. Có khoảng 10 tay vợt được xem như những kẻ chủ mưu đứng sau vấn nạn này”.

Trong khi Chủ tịch liên đoàn quần vợt thế giới, Chris Kermode vẫn một mực khẳng định sự trong sạch của quần vợt và cho rằng tỷ lệ các trận đấu bị dàn xếp quá ít. “Chúng tôi biết nạn dàn xếp có tồn tại trong làng banh nỉ nhưng số lượng không đáng kể”.

Djokovic phủ nhận cáo buộc bán độ

Tờ Tuttosport (Italy) đặt nghi vấn về khả năng ngôi sao người Serbia cố tình thua trong một trận đấu tại Paris Masters cách đây 9 năm.


Thành Quảng

Bạn có thể quan tâm