Dân Zimbabwe xuống đường đòi kết thúc 'triều đại Mugabe'
Thứ bảy, 18/11/2017 16:50 (GMT+7)
16:50 18/11/2017
Hàng nghìn người dân Zimbabwe ngày 18/11 tràn ra các con đường ở thủ đô Harare ủng hộ hành động của quân đội và đòi kết thúc 37 năm cầm quyền của Tổng thống Robert Mugabe.
Người dân ngồi trên ôtô tham gia cuộc tuần hành ở thủ đô Harare ngày 18/11. Trên kính xe là tên của đảng cầm quyền tại Zimbabwe. Đảng này vốn ủng hộ Tổng thống Mugabe nhưng mới đây cũng đã kêu gọi vị tổng thống 93 tuổi từ chức. Ảnh: AP.
Người dân cầm nhiều tranh ảnh, biểu ngữ yêu cầu Tổng thống Mugabe phải từ chức. Dòng chữ được viết bằng tiếng Shona của người dân tộc Bantu tại Zimbabwe có nghĩa "Hãy rời đi và nghỉ ngơi". Ảnh: AP.
Thủ đô Harare rộn ràng trong ngày 18/11 bởi những bài hát, điệu nhảy của người dân Zimbabwe. "Hôm nay giống như lễ Giáng sinh vậy. Chúng tôi đã chờ đợi ngày này quá lâu", một người dân tên Fred Mubay nói với AP. Ảnh: AP.
Cuộc tuần hành này của nhân dân Zimbabwe, với sự chấp thuận của quân đội, được cho là sẽ gia tăng áp lực từ "tiếng nói nhân dân"; qua đó thúc đẩy tiến độ cuộc đàm phán để Tổng thống Mugabe phải chấp thuận từ chức. Ảnh: AP.
Nhiều nhà hoạt động và cả các cựu binh từng tham gia phong trào giành độc lập cũng tham gia tuần hành với người dân. Tổng thống Mugabe được cho là đã yêu cầu thêm thời gian để đàm phán nhằm rút khỏi quyền lực êm ả. Ảnh: AP.
"Nhiều người đã òa khóc. Chúng tôi đợi khoảnh khắc này hàng chục năm qua rồi. Cuối cùng thì chúng tôi đã được tự do", anh Frank Mutsindikwa, 34 tuổi, nói với Reuters. Ảnh: BBC.
Theo báo Guardian, cho đến chiều tối 17/11, tất cả 10 cơ sở của đảng Zanu-PF trên 10 tỉnh, thành đã thông qua bất tín nhiệm với Tổng thống Mugage. Điều này có thể dẫn đến việc tước bỏ quyền lực của ông vào ngày 19/11. Ảnh: Bloomberg.
Người dân cũng mang theo các bức tranh của vị tướng Constanio Chiwenga (trái). Ông là một trong những lãnh đạo phong trào nổi dậy của quân đội ở Zimbabwe tuần này, sau đó giam lỏng và hạn chế hoạt động của Tổng thống Mugabe. Hành động của quân đội được xem là đảo chính, nhưng rất được dân chúng ủng hộ. Ảnh: AP.
Chris Mutsvangwa, lãnh đạo nhóm cựu binh tham gia cuộc chiến giành độc lập, khẳng định tổng thống sẽ không thể tiếp tục nắm quyền. Ông kêu gọi người dân Zimbabwe tại cuộc tuần hành hãy đồng lòng cất tiếng nói "để chúng ta kết thúc công việc mà quân đội đã bắt đầu". Ảnh: AFP.
Từ sau khi vụ đảo chính xảy ra, hôm 17/11 Tổng thống Mugabe đã lần đầu tiên xuất hiện. "Ông Mugabe đã đến lúc cần được nghỉ ngơi và giữ danh hiệu nguyên thủ lão thành", ủy ban điều phối địa phương của đảng Zanu-PF viết. Quốc hội Zimbabwe sẽ họp vào ngày 21/11 và có thể thông qua việc phế truất Mugabe nếu ông kiên quyết không từ chức. Ảnh: AFP.
Tự mãn về quyền lực vững chắc, Mugabe phá vỡ quan hệ với những người từng là đồng minh để phục vụ tham vọng chính trị của vợ, sai lầm khiến ông khó quay lại nắm quyền như xưa.
Cầm quyền từ năm 1980 sau khi đất nước độc lập và từng trải qua 7 nhiệm kỳ tổng thống, ông Mugabe (93 tuổi) muốn để người vợ thứ 2 kém mình 41 tuổi làm người kế nhiệm sau này.