Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Đăng ảnh tập gym và nhận hàng loạt tin nhắn quấy rối

Trong một thời gian dài, hộp thư đến của Emma Fan trên ứng dụng Xiaohongshu chỉ có hai loại tin nhắn: những dòng tán tỉnh sến súa và bình luận soi mói ngoại hình.

Một số phụ nữ nhận tin nhắn quấy rối khi chia sẻ ảnh tập gym.

Là nhiếp ảnh gia đám cưới, đồng thời là người có ảnh hưởng về mảng thể hình, Fan, 29 tuổi, thường xuyên đăng ảnh tự chụp trong phòng gym và không ngại khoe vóc dáng.

Cô coi đó là hình thức tự yêu bản thân, nhưng đối với một số người theo dõi của cô trên ứng dụng phong cách sống, "nó giống như lời mời để quấy rối hoặc phán xét", Fan nói với The China Project.

Hồi tháng 3, Fan phát hiện ra thứ mà cô mô tả là "công cụ ma thuật" để tránh những kẻ quấy rối không mong muốn. Đó là hashtag #BabySolidFood, thứ giúp giảm 80% những tin nhắn quấy rối mà Fan nhận được trên Xiaohongshu.

Những kẻ theo dõi đáng sợ

#BabySolidFood ban đầu được các bậc cha mẹ sử dụng trong những bài viết về chủ đề thức ăn cho trẻ nhỏ. Tuy nhiên, thời gian gần đây, hashtag này được dùng phổ biến trong bài đăng của phụ nữ độc thân, những thứ hoàn toàn không liên quan đến trẻ em.

Những người như Fan cho biết #BabySolidFood hoạt động giống như một thuật toán: Do chủ đề liên quan đến chế độ ăn uống của cha mẹ và trẻ mới biết đi, các nền tảng truyền thông xã hội được xây dựng trên hệ thống đề xuất có xu hướng hiển thị các bài đăng chứa hashtag này cho phụ nữ.

Trên Xiaohongshu, tìm kiếm #BabySolidFood bao gồm nhiều nội dung phong phú, từ hướng dẫn trang điểm và video mua sắm cho đến meme văn hóa đại chúng và ảnh tự chụp thông thường. Mặc dù vẫn còn một số lượng lớn các bài đăng liên quan đến trẻ nhỏ, những người thực sự quan tâm đến nội dung như vậy dường như đã chuyển sang cộng đồng #SolidFood.

anh tap gym anh 1

Nhiều phụ nữ Trung Quốc sử dụng hashtag #BabySolidFood dưới các bài đăng về thời trang, tập thể dục, làm đẹp.

Trong khi đó, với hơn 2,5 tỷ lượt xem, #BabySolidFood đã được tiếp quản bởi những người dùng Xiaohongshu như Fan, nhóm hy vọng tránh sự chú ý không mong muốn từ đàn ông.

Thật khó để xác định chính xác thời điểm mà #BabySolidFood đã phổ biến đối với những người không phải là các bậc cha mẹ.

Qin, 19 tuổi, nói rằng cô tìm thấy hashtag này là "hoàn toàn ngẫu nhiên". Sinh viên đến từ An Huy, người yêu cầu giấu tên đầy đủ, nói rằng lần đầu tiên cô bắt gặp #BabySolidFood trên clip của một người có ảnh hưởng về ẩm thực.

Qin ngày càng bối rối khi hashtag này xuất hiện thường xuyên hơn trên nguồn cấp dữ liệu của cô. Một người sáng tạo nội dung giải thích với Qin rằng đây là chiến thuật để loại bỏ "những kẻ theo dõi đáng sợ".

Đối với Fan, ngoài chức năng thiết thực, #BabySolidFood còn mang đến cho cô cảm giác thoải mái và thân thuộc. "Tôi cảm thấy mình là một phần của đám đông hiểu biết này và mạng lưới dành riêng cho phụ nữ".

Kể từ khi bắt đầu sử dụng #BabySolidFood, Fan nhận thấy lượng người dùng Xiaohongshu nữ bình luận về các bài đăng của cô tăng đột biến và thường hỏi về thói quen tập luyện. "Giờ đây, chúng tôi có không gian an toàn để phụ nữ nói về cách lấy lại vóc dáng cân đối mà không bị đàn ông soi mói và quấy rối", cô nói.

Quấy rối trực tuyến

Sự phát triển của #BabySolidFood không phải ngẫu nhiên. Báo cáo năm 2015 về bạo lực trên mạng do Liên Hợp Quốc công bố ước tính rằng 73% phụ nữ đã phải chịu đựng bạo lực trên mạng và nữ giới có nguy cơ bị quấy rối trực tuyến cao gấp 27 lần so với nam.

Ở Trung Quốc, nơi chủ nghĩa phân biệt giới tính ăn sâu vào xã hội và hành vi gây hấn trực tuyến tràn lan, tình hình đặc biệt nghiêm trọng đối với phụ nữ, những người có thể bị tấn công vì ngoại hình, lý do hẹn hò, vấn đề gia đình và bị cáo buộc cố gắng tìm kiếm sự chú ý, theo nghiên cứu được xuất bản vào tháng 3 bởi một nhóm các nhà nghiên cứu từ Đại học Phúc Đán.

Hồi tháng 1, một sinh viên đại học 23 tuổi tên là Zheng Linghua đã tự kết liễu đời mình sau khi chịu đựng sự trêu chọc không ngừng trong 6 tháng. Chiến dịch bôi nhọ Zheng bắt nguồn từ một bài đăng về mái tóc nhuộm hồng của cô.

anh tap gym anh 2

Zheng Linghua bị bắt nạt vô cớ trên mạng xã hội.

Các nhà nghiên cứu của Đại học Phúc Đán cũng phát hiện ra rằng hầu hết nền tảng truyền thông xã hội của Trung Quốc không bảo vệ người dùng đúng cách, thường xuyên phớt lờ các khiếu nại về quấy rối và thiếu các công cụ hiệu quả để kiểm duyệt bình luận xúc phạm.

Xiaohongshu, ứng dụng có đến 90% người dùng là phụ nữ, từng bị lên án vì các chiến dịch truyền thông thu hút nam giới.

Nền tảng này từng tự quảng cáo mình là nơi "có nhiều phụ nữ xinh đẹp và giải trí miễn phí". Một quảng cáo khác, được đăng trên trang Baidu Tieba, có nội dung: "Những người mẫu xe hơi quyến rũ, xinh đẹp và những người đẹp thanh lịch đang chờ đợi bạn".

Đến tháng 8/2021, một phân tích của công ty tiết lộ rằng tỷ lệ người dùng nam đã đạt 30%. Nhưng mặt khác, ngày càng nhiều phụ nữ phàn nàn về các bình luận, tin nhắn quấy rối.

Fan nói: "Ứng dụng không làm gì để bảo vệ phụ nữ, vì vậy chúng tôi phải tự tìm cách".

Tuy nhiên, Fan biết rằng #BabySolidFood chỉ là giải pháp tạm thời. "Tôi đã sẵn sàng chuyển sang #BabyOutfits hoặc thậm chí là #BabyDiapers nếu đó là điều cần thiết để tránh xa những kẻ quấy rối", cô nói.

Clip chồng cãi vã với vợ gây phẫn nộ ở Trung Quốc

Không hài lòng vì vợ phàn nàn món mì tại một quán ăn, người chồng quay clip chỉ trích nửa kia, khiến cô khóc lóc rồi đăng lên mạng xã hội, theo SCMP.

AI có cướp đi công việc của chúng ta?

Trong cuốn AI chuyện chưa kể, tác giả Tomoe Ishizumi cho rằng đây chỉ là công cụ tối ưu không hơn không kém. Có một điều chắc chắn rằng AI có thể thay thế phần lớn công việc mà con người đang làm hiện nay. Tuy nhiên, chúng ta không nên nghĩ máy móc sẽ cướp đi công việc của con người mà hãy nghĩ rằng máy móc sẽ làm những công việc vất vả để con người có thời gian sáng tạo hơn.

Lê Vy

Bạn có thể quan tâm