GS Nguyễn Văn Tuấn là thành viên của Hội đồng quốc gia về Y khoa và Y tế Úc và Viện Hàn lâm Y học Úc. Ông cũng là GS kiêm nhiệm của ĐH New South Wales và GS của ĐH Công nghệ Sydney. Ông đã và đang phục vụ trong các hội đồng xét duyệt đề bạt chức danh GS cho nhiều đại học ở Úc, Mỹ và châu Âu.
- Giáo sư từng chia sẻ đã cảnh báo về "kỹ nghệ" xuất bản bài báo khoa học "dỏm" cách đây 5 năm nhưng không được quan tâm. Đó có phải lý do mà năm trước khi thấy có ứng viên GS, phó giáo sư (PGS) có bài báo công bố trên những tập san phi chính thống ông đã không quyết liệt lên tiếng?
- Kỹ nghệ xuất bản khoa học dỏm bắt đầu từ hơn 10 năm trước. Lúc đó (tức khoảng năm 2010 đến 2012) các đại học bên Úc đã từng lúng túng trong việc xử lý các hồ sơ đề bạt chức danh GS và đơn xin tài trợ cho nghiên cứu khoa học, vì ứng viên có những bài báo mà tên tập san rất "lạ", người trong chuyên ngành không biết đến. Đó chính là những "predatory journal" hay "tập san săn mồi", chứ không phải là những tập san khoa học chính thống.
GS Nguyễn Văn Tuấn. |
Là người hay ngồi trong các hội đồng xét duyệt hồ sơ cho chức danh GS, tôi sớm nhận ra vấn đề này có thể sẽ ảnh hưởng đến các đồng nghiệp trong nước. Năm 2014, tôi viết bài đầu tiên về tiêu chí để nhận dạng tập san dỏm. Mấy năm sau đó, năm nào tôi cũng viết một hay 2 bài trên các tạp chí khoa học hay báo phổ thông trong nước để cảnh báo rằng kỹ nghệ xuất bản "dỏm" sẽ đến Việt Nam.
Nhưng dạo đó, công bố khoa học chưa là tiêu chuẩn để xét duyệt công nhận chức danh GS. Do đó, những cảnh báo của tôi chẳng ai quan tâm và chẳng ai chú ý. Tuy nhiên, các bạn trẻ và những người được đào tạo ở nước ngoài thì hiểu rõ những gì tôi cảnh báo. Năm ngoái, tôi cũng thấy vài ứng viên có bài trên các tập san "dỏm" và tôi nghĩ hội đồng ngành y sẽ báo cho ứng viên biết nhưng rất tiếc là việc đó không xảy ra.
Năm nay, từ tháng 9/2020, tôi đã nhận được vài thư của bạn đọc cho biết có nhiều ứng viên ngành y công bố trên tập san "dỏm" và tôi cũng nghĩ hội đồng sẽ báo cho ứng viên biết. Thế nhưng một lần nữa, việc đó không xảy ra.
- Nhiều ứng viên GS, PGS đang bị nghi ngờ gian dối vì đăng bài báo khoa học trên những tập san mở Open Access (OA). Tuy nhiên, GS lại cho rằng OA không phải là những tập san "dỏm", ông có thể giải thích rõ hơn về điều này?
- Trước hết, tôi không nghĩ các ứng viên gian dối. Họ báo cáo đầy đủ những bài báo họ công bố theo đúng cái mẫu đơn của hội đồng, họ không giấu giếm gì cả, nên không thể nói họ gian dối được.
Để tôi nói thế này cho dễ hiểu, 100% các tập san "dỏm" OA nhưng 50% (tôi đoán) các tập san OA là chính thống. Do đó, không thể nói bài báo công bố dưới dạng OA là "dỏm" được. Để biết "dỏm" hay thật, phải biết tập san đó là chính thống hay phi chính thống.
Ví dụ, Osteoporosis International là tập san chính thống (thuộc Hiệp hội Loãng xương thế giới) cho phép tác giả công bố bài báo bằng mô thức truyền thống hay OA. Nếu tác giả chọn mô thức truyền thống thì ấn phí chừng 500 USD nhưng bản quyền thuộc về nhà xuất bản, độc giả phải trả tiền (chừng 30-50 USD) để đọc bài báo.
Nếu tác giả chọn mô thức OA thì ấn phí là khoảng 1.500 USD nhưng bản quyền thuộc về tác giả và tất cả công chúng trên thế giới đều có thể truy cập được mà không cần phải trả chi phí.
Còn các tập san "dỏm" thì như nói trên tất cả đều là OA. Chính vì điều này mà nhiều người ngộ nhận rằng bài báo trên tập san OA là "dỏm".
Nói cách khác, ứng viên công bố trên tập san OA không phải là cái "tội". Công bố trên tập san "dỏm" cũng không phải là "tội", mà là vi phạm đạo đức công bố (publication ethics). Cũng cần nói thêm rằng ở Việt Nam, các trường ĐH không có huấn luyện về đạo đức công bố, nên cũng khó có thể trách ứng viên.
- Nếu quan điểm của GS cho rằng các ứng viên GS, PGS không gian đối, vậy chúng ta sẽ ứng xử thế nào với những bài báo vi phạm đạo đức công bố?
- Theo tôi điều này rất dễ giải quyết, không công nhận bất cứ bài báo nào trên các tập san "dỏm" hay tập san phi chính thống. Làm như vậy sẽ không chỉ đem lại công bằng cho các ứng viên khác công bố trên tập san chính thống, mà còn góp phần nâng cao phẩm chất nghiên cứu khoa học.
- Có ý kiến cho rằng việc mua bài để được công nhận chức danh đã có từ lâu chứ không phải đến nay. GS nghĩ sao về tiêu cực này?
- Có lẽ đúng như vậy. Ở Trung Quốc có những công ty truyền thông chuyên làm "nghiên cứu salon" (tức là dùng dữ liệu của người khác mà chẳng tự mình làm nghiên cứu thực nghiệm) sản xuất ra nhiều bài báo cho đủ thứ chuyên ngành. Họ bán bài báo cho người có nhu cầu nhưng họ chỉ lấy tiền (giá từ 5.000 đến 10.000 USD) khi bài báo được công bố. Bài báo trên tập san có hệ số IF càng cao thì giá càng cao. Có khi họ bán một bài báo cho nhiều "khách hàng".
Ở Việt Nam cũng có thị trường bán bài báo kiểu này. Họ quảng cáo trên mạng về dịch vụ phân tích mướn và viết mướn. Họ thường tập trung vào các bài báo loại "case report" (báo cáo ca lâm sàng) và "meta-analysis" (phân tích tổng hợp) vì những bài báo loại này dễ thực hiện mà chẳng tốn công sức gì đáng kể, chỉ cần ngồi nhà cũng làm được.
- Quyết định 37 của Thủ tướng Chính phủ dù đã có nhiều đổi mới nhưng có vẻ vẫn chưa đủ thực chất và khiến người ta có thể dễ dàng "lách luật" như đã thấy. Làm thế nào để việc xét công nhận chức danh GS, PGS thực chất, không còn xu hướng công bố bài báo trên các "tập san săn mồi"?
- Tôi nghĩ Quyết định 37 có những thay đổi nhưng chưa đủ và có phần chưa thuyết phục. Chẳng hạn như quy định rằng "ứng viên PGS phải có ít nhất 3 bài báo quốc tế, GS phải có 5 bài báo quốc tế" là thấp và chưa rõ ràng. Nghiên cứu sinh ngày nay khi tốt nghiệp cũng có thể công bố ít nhất 2 bài báo khoa học trên các tập san trong danh mục ISI. Nếu nghiên cứu sinh qua giai đoạn hậu tiến sĩ 3 năm thì số bài báo khoa học tối thiểu là 6. Ấy vậy ứng viên PGS quy định chỉ có 3 bài thì khó thuyết phục.
Theo tôi, không nên quy định về số bài báo khoa học, vì số lượng không nói lên chất lượng. Đề bạt GS phải đặt nặng chất lượng chứ không phải chỉ đơn thuần số lượng. Có một chỉ số phản ánh cả số lượng và chất lượng, gọi là chỉ số H và đó mới là tiêu chuẩn tối thiểu để công nhận chức danh GS.
Ngoài ra, quy định không nói rõ thế nào là "bài báo quốc tế". Đó là bài báo trên tập san nào? Đó là bài báo thuộc thể loại nào? Báo cáo ca lâm sàng, hay tổng quan, bình luận? Đây chính là một trong những lý do mà ứng viên có thể "lách" bằng cách công bố những bài đơn giản và chất lượng thấp trên tập san phi chính thống.
Tôi nghĩ vấn đề loại bỏ các tập san phi chính thống không khó. Tôi đề nghị trước hết chỉ công nhận các tập san trong danh mục Clarivate (tức ISI trước đây) vì đây là danh mục chọn lọc hơn Scopus.
Cần nói thêm rằng danh mục Scopus có nhiều tập san đáng ngờ và "dỏm" và mỗi năm họ phải loại bỏ hàng 500 tập san vì gian lận về trích dẫn và... dỏm.
Kế đến là chỉ dành ưu tiên cho các tập san do các hiệp hội khoa học chủ quản, hoặc/và xuất bản bởi các nhà xuất bản học thuật nổi tiếng như Elsevier, Springer-Nature, Wiley, Sage, Taylor & Francis, Routledge, Oxford, Cambridge, Harvard, MIT, Academic Press...
Cần soạn lại quy chuẩn đề bạt
Theo GS Nguyễn Văn Tuấn, để đề bạt GS theo chuẩn mực quốc tế thì cần phải soạn lại quy chuẩn. Chẳng hạn như phải phân biệt 2 ngạch GS: Chuyên về nghiên cứu và chuyên về giảng dạy. Bộ tiêu chuẩn về công bố khoa học phải phản ánh sự khác biệt và công bằng giữa 2 ngạch. GS không phải chỉ là người công bố khoa học hay giảng dạy, mà còn phải có đóng góp cho xã hội (qua phản biện xã hội) cho chuyên ngành. GS còn phải chứng tỏ là một lãnh đạo tri thức được thể hiện qua các thước đo cụ thể. Do đó, tôi đề nghị 3 "trụ cột" tiêu chuẩn: nghiên cứu khoa học, giảng dạy và đóng góp cho xã hội và chuyên ngành.