Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Đăng ký thi 9 môn THPT quốc gia để… tránh điểm liệt

Nhiều thí sinh đã lựa chọn thi cả hai bài tổ hợp Khoa học tự nhiên và Khoa học xã hội để tăng "vận may" cho chính mình.

Theo quy chế tuyển sinh 2017, thí sinh sẽ dự thi môn bắt buộc Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và tự chọn Khoa học tự nhiên (Hóa, Lý, Sinh), Khoa học xã hội (Địa, Sử, Giáo dục Công dân).

Theo đó, thí sinh thi cả hai tổ hợp thì tổ hợp nào cao điểm hơn sẽ được phần mềm tự động chọn để xét tốt nghiệp. Tuy nhiên, khi xét tuyển và cao đẳng, đại học, các trường sẽ tuyển ngành theo tổ hợp của môn thi chứ không xét chung khoa học tự nhiên hay xã hội.

Với cơ chế "mở", nhiều thí sinh đã dự thi cả hai tổ hợp, bao gồm 9 môn, thi liên tiếp trong 3 ngày (22-24/6), trong 6 buổi. Theo thống kê của Bộ GD&ĐT trong ngày 14/4, cả nước có 9% thí sinh thi theo cách này. 

Thí sinh thi 9 môn, đăng ký 30 nguyện vọng

Thu Hậu - học sinh ở cụm thi do Sở GD&ĐT Bắc Ninh chủ trì - cho biết em thi 9 môn với lý do để tăng số % không bị điểm liệt, bởi nếu bị điểm liệt một môn thi sẽ bị trượt tốt nghiệp và đương nhiên không còn cánh cửa nào để vào đại học.

Mặc dù chọn nhiều môn thi như vậy, Thu Hậu cho hay chỉ chú trọng ôn 3 môn chính là Toán, Văn và Tiếng Anh, còn các môn thi khác chỉ đọc qua để không bị điểm liệt. Mỗi ngày, nữ sinh này bỏ ra khoảng 5 giờ ôn tập ở giai đoạn nước rút.

thi thpt quoc gia 2017 anh 1
Thí sinh mệt mỏi trong kỳ thi THPT quốc gia 2016. Ảnh: Lê Hiếu. 

Giống Thu Hậu, Nguyễn Thùy Trang (Đồng Nai) "bất đắc dĩ" mới phải chọn thi 9 môn.

Trang nêu lý do: "Từ năm lớp 10, em đã học các môn Toán, Ngữ văn, Tiếng Anh, Vật lý để xét đại học. Nhưng sau 2 năm học chăm chỉ, đến năm lớp 12, Bộ GD&ĐT thay đổi phương án thi. Nên nếu chọn tổ hợp Khoa học tự nhiên lại sợ các môn Hóa, Sinh vì đã mất gốc. Vì vậy, em đành chọn cả tổ hợp xã hội".

Khi được hỏi lý do chọn cả 9 môn thi, Phạm Ngọc Loan (Hưng Yên) cho biết nữ sinh có lợi thế về tổ hợp các môn xã hội, còn bài thi Khoa học tự nhiên thì chỉ… thi cho biết.  

Còn Đào Thảo (Cần Thơ) chia sẻ lý do thi 2 tổ hợp vì mong muốn may mắn sẽ mỉm cười, biết đâu tổ hợp các môn không phải lợi thế sẽ có điểm cao hơn tổ hợp thế mạnh của mình, vì bài thi toàn câu hỏi trắc nghiệm, "vận may" có thể xảy ra.  Mặc dù vậy, Thảo cũng chỉ chú trọng học một tổ hợp để không quá căng thẳng trong những ngày ôn thi.

Tuy nhiên, việc thi liên tiếp 9 môn trong 6 buổi, không có thời gian nghỉ ngơi, nhiều thí sinh bày tỏ sự mệt mỏi trong giai đoạn ôn thi nước rút.

Phạm Ngọc Loan (Hưng Yên) - thí sinh đăng ký dự thi hai tổ hợp - chia sẻ bài thi tổ hợp có một bất cập, đó là 3 môn thi diễn ra liên tiếp trong một buổi, học sinh dễ bị ảnh hưởng tâm lý.

"Ví dụ, sau khi em thi xong môn Lịch sử, sẽ tiếp tục thi Địa lý, nhưng tâm trí của em lại đang nghĩ đến bài thi vừa xong, xem có sai sót hay mắc lỗi không, vì vậy có thể bài Địa lý sẽ không tập trung hoàn thành tốt. Tương tự các môn thi khác cũng vậy", Loan phân tích.

Còn với Nguyễn Thùy Trang (Đồng Nai), những ngày thi nước rút, cô khá... đuối vì ban ngày sau khi học ở các lớp luyện thi, buổi tối đều học đến 3h đêm.

Các thí sinh lựa chọn 9 môn thi khi được hỏi đều trả lời sẽ có số nguyện vọng lựa chọn là 8-30 từ các trường cao hơn, ngang bằng và thấp hơn khả năng của mình. Bởi năm nay, Bộ GD&ĐT không hạn chế số lượng nguyện vọng xét tuyển cao đẳng, đại học.

Cẩn trọng khi đăng ký nhiều môn thi

Ông Trần Văn Nghĩa - Phó cục trưởng Cục Khảo thí và Chất lượng Giáo dục, Bộ GD&ĐT - lý giải việc cho phép thí sinh đăng ký dự thi cả hai bài tổ hợp nhằm khuyến khích các em học toàn diện hơn, tạo cho thí sinh nhiều cơ hội trong xét công nhận tốt nghiệp THPT và xét tuyển vào đại học, cao đẳng.

Tuy nhiên, thí sinh phải thi hết các môn thành phần của bài tổ hợp đăng ký. Nếu không dự thi, học sinh không được xét công nhận tốt nghiệp. 

Vì vậy, với thí sinh đã lựa chọn 9 môn thi, các em bắt buộc phải dự thi đầy đủ.

Huỳnh Thế Nguyên (sinh viên ĐH Y dược Huế, giáo viên dạy kỹ năng mềm, ôn thi THPT quốc gia tại các trường THPT trong tỉnh và Facebook) gửi lời khuyên cho thí sinh: Cận ngày thi nếu học quá nhiều sẽ khiến bản thân hoang mang, nên ôn tập nhẹ nhàng và thử nghiệm việc "thi thử như thi thật". Thí sinh thi 9 môn cần có sự "dẻo dai" trong sức khỏe và ý chí.

Thí sinh nên tập nhịp sinh học thi thử sao cho trùng với giờ thi thật như thời gian thức dậy buổi sáng, bắt đầu lần lượt từng môn thi, căn chỉnh thời gian sao cho hợp lý.

Theo Huỳnh Thế Nguyên, nhiều thí sinh hay thức khuya, dậy muộn nên dẫn đến việc vào phòng thi với tâm trạng ngái ngủ, không tập trung gây lãng phí thời gian.

"Thi THPT quốc gia là kỳ thi quan trọng nhất của 12 năm học, vì vậy các em phải chắt chiu từng giây từng phút, tập trung tối đa ngay sau khi bắt đầu tính thời gian làm bài", Huỳnh Thế Nguyên nói.

Ban ngày luyện thi, buổi tối, thí sinh nên dành 1-2 giờ ôn lại kiến thức còn yếu.

Trong ngày thi, các em nên tới sớm ít nhất 30 phút để phòng sự cố bất ngờ có thể xảy ra và làm quen với không khí phòng thi.

Giữa thời gian nghỉ của 3 môn thi trong bài thi tổ hợp, thí sinh có thể uống nước, ăn nhẹ một chiếc bánh để tránh hạ đường huyết và nghỉ ngơi giữ sức cho môn tiếp theo.

5 thói quen cần tránh khi ôn thi THPT quốc gia Thức khuya, ngồi sai tư thế là những thói quen xấu làm ảnh hưởng sức khỏe và kết quả học tập của sĩ tử trong thời gian luyện thi THPT quốc gia.

Giáo viên 'ngậm sâm luyện thi' kiếm hàng trăm triệu đồng mỗi tháng

Theo bật mí của người trong nghề, nhiều giáo viên dạy online có thu nhập từ 100 triệu đến 300 triệu đồng trong tháng cao điểm luyện thi đại học.

Quyên Quyên

Bạn có thể quan tâm