Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Đáng ngại hơn virus corona, sinh viên Trung Quốc lo sợ thất nghiệp

Dịch Covid-19 cùng các tác động nặng nề lên nền kinh tế Trung Quốc khiến cơ hội việc làm cho sinh viên mới ra trường vốn đã mong manh, lại càng khắc nghiệt hơn.

Zing.vn trích dịch bài đăng trên The Sixth Tone, về nỗi lo tìm việc làm của sinh viên sắp ra trường tại Trung Quốc. Dịch bệnh Covid-19 nguy hiểm khiến họ lo ngại về sức khỏe, nhưng cơ hội công việc trong giai đoạn khó khăn còn khiến các cử nhân tương lai hoang mang hơn.

Khi dịch Covid-19 khiến Trung Quốc lao đao, điều khiến Liu Licheng (Thượng Hải) thấy đáng sợ hơn viễn cảnh mắc phải loại virus nguy hiểm, là cơ hội kiếm việc làm gần như bằng không trong giai đoạn khó khăn này.

Từ giữa tháng hai, nữ sinh viên 22 tuổi đã nộp hơn 50 đơn xin việc. “Tôi đã kỳ vọng ít nhất sẽ nhận được một thư mời phỏng vấn nhưng không, chẳng có cái nào cả”, Liu cho hay.

Trong suốt một tháng virus corona hoành hành, Liu dành thời gian ở trong phòng, hoàn thành luận văn và hy vọng đợt dịch này không ảnh hưởng nhiều đến chuyện xin việc của cô. Theo kế hoạch, cô sẽ tốt nghiệp vào tháng sáu tới.

Vào đầu tháng 1, trong trí tưởng tượng của rất nhiều cử nhân tương lai tại Trung Quốc, không hề có viễn cảnh nào mang tên một dịch bệnh lạ bùng phát và giáng đòn đau vào kinh tế nước nhà. Hệ quả đi kèm là thị trường việc làm vốn đã cạnh tranh, nay lại càng khốc liệt hơn.

that nghiep vi virus corona anh 1

Dịch Covid-19 cùng những tác động lên nền kinh tế Trung Quốc càng khiến cơ hội việc làm cho sinh viên mới ra trường mong manh hơn. Ảnh: SCMP.

Theo ước tính, năm 2020, Trung Quốc sẽ có thêm 8,74 triệu sinh viên mới ra trường, nhiều hơn 400.000 người so với năm trước.

Theo Wang Hui, một quan chức làm việc tại Bộ Giáo dục Trung Quốc, triển vọng việc làm cho các tân cử nhân vào nửa đầu năm 2020 không mấy khả quan, khi khắc phục hậu quả dịch bệnh trở thành mối quan tâm hàng đầu.

Để kiểm soát sự lây lan của virus, trường học đóng cửa và các lớp học online thay thế, kỳ nghỉ hè bị rút ngắn. Nhưng đối với những người sắp ra trường vào tháng 6 tới, việc không đến trường ảnh hưởng trực tiếp đến thời gian viết luận văn, bảo vệ luận án hay nhận bằng tốt nghiệp.

Nhiều thứ bị trì hoãn dẫn tới quyết định tìm việc làm hay học tiếp, du học nước ngoài cũng ảnh hưởng theo.

Trước mối lo đang dần phình to của các sinh viên năm cuối, các cơ quan liên quan và nhiều công ty đang tìm kiếm giải pháp khả thi.

Tại Bắc Kinh, chính quyền cho biết họ đang lên kế hoạch tổ chức 82 sự kiện tuyển dụng trên mạng vào đầu tháng ba. Còn tại thành phố Tô Châu, các nhà chức trách cam kết họ sẽ cung cấp hơn 100.000 việc làm cho sinh viên mới ra trường trong năm nay.

Ở Hàng Châu, hội chợ việc làm được tiến hành trực tuyến trên mạng với hơn 28.000 cơ hội cho cả người trong và ngoài Trung Quốc.

that nghiep vi virus corona anh 2

Nhiều công ty tiến hành phỏng vấn qua video với ứng viên từ xa. Ảnh: Sixth Tone.

Những gã khổng lồ công nghệ và thương mại điện tử hàng đầu Trung Quốc như Alibaba, Huawei, Tencent áp dụng phỏng vấn ảo với ứng viên để tránh tụ tập đông người hoặc tiếp xúc ở khoảng cách gần.

Theo một khảo sát của cổng thông tin tuyển dụng Zhaopin, hơn 55% trong số 1.600 các công ty sử dụng dịch vụ phỏng vấn bằng video.

Liu từng trải qua một vài lần phỏng vấn qua mạng. Quá trình không khó như cô thường nghĩ, song nữ sinh viên vẫn lo lắng dịch Covid-19 sẽ cướp đi khả năng tìm việc làm.

Theo Boss Zhipin, một nền tảng tìm việc, nhu cầu tuyển dụng trong lĩnh vực quảng cáo và truyền thông ở Trung Quốc đã giảm gần 72% so với năm trước.

Tuy nhiên, vẫn có những ngành chứng kiến nhu cầu tuyển người tăng cao, như chăm sóc và dịch vụ cá nhân, dạy học trực tuyến và tư vấn sức khỏe trực tuyến.

Nhưng điều đó cũng không khiến những người chuẩn bị ra trường bớt lo lắng.

that nghiep vi virus corona anh 3

Gánh nặng tìm việc làm vốn đã là áp lực lớn, lại càng nặng nề hơn khi dịch bệnh nguy hiểm hoành hành. Ảnh: SCMP.

Florence Li (25 tuổi), theo học tại một trường đại học ở Australia. Hiện tại, cô đang mắc kẹt tại quê nhà Phúc Châu, tỉnh Phúc Kiến. Kỳ thực tập ở Thượng Hải bị tạm hoãn do lý do virus corona.

Mọi kế hoạch của cô gái trẻ đảo lộn khi không thể quay trở về Australia để bắt đầu kỳ học mới vào đầu tháng 3. Trong bối cảnh dịch bệnh lây lan với tốc độ chóng mặt, Australia tiến hành thắt chặt việc công dân Trung Quốc nhập cảnh vào nước này.

“Công ty thực tập nói sẽ vẫn giữ vị trí cho tôi nhưng không biết khi nào tôi mới được bắt đầu. Đến giờ này, chẳng có gì là chắc chắn cả”, Li nói. Cô gái cũng lo việc thiếu kinh nghiệm làm việc sẽ ảnh hưởng đến khóa luận của mình, điều mà Li cho hay “phụ thuộc nhiều vào nó”.

Zhang Yan, một chuyên gia săn đầu người ở Thượng Hải, cho biết hơn một nửa số khách hàng của cô đã trì hoãn lịch tuyển dụng. Tuy nhiên, Yan cho hay sinh viên mới tốt nghiệp nên đặt kỳ vọng phù hợp và tránh lo lắng quá mức.

“Nếu dịch bệnh vẫn diễn ra, nhiều công ty sẽ sa thải nhân viên và tiếp tục giảm chi phí tuyển dụng. Song, khi tất cả qua đi, vẫn có nhiều cơ hội cho sinh viên mới tốt nghiệp”, Yan kết luận.

Sinh viên Hàn từ chối học online, đòi hoàn trả học phí vì dịch

Nhiều sinh viên cho rằng lớp học trực tuyến không thể thay thế việc nghe giảng trực tiếp và họ nên được trả một phần học phí vì không được hưởng chất lượng dạy tốt nhất.

Trà My

Bạn có thể quan tâm