Trong nhiều năm qua, hình dạng của cơ thể là một tiêu chí để đánh giá tình trạng sức khỏe, nhưng một phát hiện mới được công bố trên tạp chí JAMA, có thể sẽ mang tới phương pháp đánh giá khả năng mắc các căn bệnh nan y thông qua tỷ lệ giữa eo và hông.
Để xác định béo phì, người ta thường dựa trên chỉ số cơ thể (BMI). Nhưng chỉ số BMI cũng chưa thể phản ánh hết mà phải dựa vào sự phân bố lượng mỡ tại các vị trí trên cơ thể. Lượng mỡ tích trữ chủ yếu ở phần bụng (mỡ nội tạng) sẽ dẫn đến nhiều nguy cơ hơn so với phần đùi và hông.
Mỡ nội tạng thường sản xuất ra các hormone và hoá chất gây ra cao huyết áp, làm tăng lượng cholesterol và đường trong máu. Kết quả là nó làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim, đột quỵ, tiểu đường và ung thư trong tương lai.
Những người có hình dáng quả táo (vòng 3 nhỏ) sẽ có nguy cơ rất lớn bị cao huyết áp và có lượng cholesterol cao. Ngoài ra, thân hình quả táo cũng có nguy cơ gây ra hiện tượng không dung nạp insulin, ảnh hưởng đến quá trình chuyển hóa glucose khiến lượng đường trong máu tăng cao.
Người có dáng quả táo dễ mắc bệnh tim hoặc tiểu đường. Ngược lại, những người có hình dạng giống “quả lê” (vòng 3 lớn) sẽ ít có nguy cơ mắc các bệnh. Ảnh: Daily Mail. |
Tiến sĩ Sekar Kathiresan, thuộc Bệnh viện đa khoa Massachusetts, Boston, Mỹ, cho biết kết quả này cho phép các nhà khoa học đưa ra một số kết luận về sự liên quan của béo phì bụng với bệnh tim mạch, tiểu đường.
Các kết quả này cho thấy sự phân bố mỡ trong cơ thể giải thích được một phần sự khác biệt nguy cơ mắc bệnh tiểu đường loại 2 và bệnh mạch vành giữa các cá nhân.
Đồng thời, việc điều chỉnh tỷ lệ số đo giữa eo và hông có thể giúp điều trị và ngăn ngừa các bệnh này.
Phát hiện được dựa trên kết quả tổng hợp của 4 công trình nghiên cứu trong khoảng thời gian từ năm 2007-2015, lập biểu đồ DNA hoàn chỉnh của 434.140 người tham gia, trong đó có 111.986 người đến từ Anh do tổ chức UK Biobank thực hiện.