Gần đây, một bé gái 10 tuổi kẹt lại tại tiệm làm tóc ở Tsim Sha Tsui vì lệnh phong tỏa đột ngột, trong khi mẹ em đi mua đồ ăn. Cuối cùng, chính quyền cho phép hai mẹ con đoàn tụ sau khi thu thập đủ thông tin cá nhân của cô bé.
Chiến lược phong tỏa theo khu vực, thường là qua đêm, trong khi từng người dân được xét nghiệm Covid-19 đã bị một số chuyên gia y tế chỉ trích. Một số đề nghị điều chỉnh phương pháp này, số khác lại cảnh báo người dân không nên rời khỏi nhà vào ban đêm.
Phong tỏa đột ngột
Các nhà chức trách đã phong tỏa 17 dãy nhà ở khu Sham Shui Po tối 2/2. Tuy nhiên, sau khi kiểm tra cư dân, họ không phát hiện ca mắc Covid-19 nào.
Gần đây, một bức ảnh được lan truyền rộng rãi trên mạng cho thấy khách hàng của salon tóc ở 263B phố Ki Lung xếp hàng để được xét nghiệm Covid-19 với mái tóc còn quấn nguyên nylon vì đang nhuộm dở.
Chan - chủ salon, khoảng 30 tuổi - cho biết khách hàng rất tức giận với lệnh phong tỏa đột ngột. “Cuối cùng, anh ấy phải về nhà để gội đầu và sẽ quay lại làm tóc sau”.
Hai khách hàng khác cũng bị mắc kẹt trong tiệm làm tóc của Chan. Họ chỉ được phép rời đi vào lúc khuya khi có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2.
Người đàn ông phải xét nghiệm Covid-19 với mái tóc nhuộm dở vì lệnh phong tỏa đột ngột khu Sham Shui Po hôm 2/2. Ảnh: Handout. |
Các nhân viên part-time của Chan đã rời đi trước khi lệnh phong tỏa bắt đầu. Anh phải ở lại qua đêm để mở cửa tiệm vào 10h sáng hôm sau, khi cảnh sát gỡ hết rào chắn.
“Điều đó thật bất tiện nhưng chúng tôi phải hợp tác với chính phủ. Nếu họ không cho phép rời đi, người dân cần ở yên một chỗ”, Chan nói.
Khi nhà chức trách Hong Kong phong tỏa đột ngột khu Majestic House ở Tsim Sha Tsui đêm 1/2, khoảng 30 người bị mắc kẹt trong tiệm tóc Hair Peace. Sau đó, không có ca nhiễm mới nào được phát hiện.
Bé gái 10 tuổi nằm trong số người bị giữ lại và chỉ có thể đoàn tụ với mẹ vào khoảng 23h.
“Sau khi Sở Nội vụ nắm được sự việc, cô bé đã được xét nghiệm Covid-19 và khai báo thông tin. Sau đó, chúng tôi cho em về với mẹ”, đại diện Sở cho biết.
Ý kiến trái chiều
Các nhà chức trách không phản hồi câu hỏi liên quan đến cách họ xử lý tình huống mà cư dân bị nhốt bên trong cửa hàng hay thay đổi chiến lược nhằm ngăn chặn điều tương tự xảy ra.
Kể từ ngày 23/1, ít nhất 7/10 lệnh phong tỏa đột ngột được tiến hành nhưng không xác định được ca nhiễm SARS-CoV-2 mới nào. Chính quyền cho biết mục đích của chiến lược là sàng lọc người dân trước khi các chuỗi lây nhiễm có thể hình thành.
Tuy nhiên, TS Leung Chi-chiu - chuyên gia hô hấp - kêu gọi chính quyền rà soát lại các biện pháp ngăn chặn hiện có bởi chúng mang lại “rủi ro không cần thiết” cho người dân. Ông lưu ý rằng số lượng các ca nhiễm trong cộng đồng hiện đã giảm.
“Ngay cả khi chúng tôi phát hiện vài bệnh nhân trong số hàng nghìn người, đó chỉ là con số rất nhỏ. Thật bất hợp lý khi giam giữ người dân trong các cửa hàng và tòa nhà. Họ phải chịu thêm rủi ro không cần thiết khi mắc kẹt với nhau. Những người này nên được rời đi ngay sau khi xét nghiệm để giảm khả năng bị phơi nhiễm”, TS Leung nói.
Theo ông, chỉ cần lấy đủ thông tin cần thiết và cho người dân rời đi. Nếu ai xuất hiện các triệu chứng bệnh, những gì thu thập được vẫn có thể được sử dụng để truy vết.
Tiệm làm tóc ở Sham Shui Po bị phong tỏa tối 2/2. Ảnh: Rachel Yeo. |
TS Joseph Tsang Kay-yan - chuyên gia về bệnh truyền nhiễm - không đồng tình với quan điểm trên. Ông cho rằng việc phong tỏa “nằm trong dự kiến” và chính quyền rất khó thực hiện các biện pháp này theo cách thuận tiện hơn cho cộng đồng.
“Các nhà chức trách phải làm điều đó nhằm đảm bảo các ca nhiễm được khoanh vùng càng sớm càng tốt. Tôi khuyên mọi người không nên ra ngoài sau 19h và không đến các khu vực đã phát hiện ca nhiễm trước đó”.
Bất chấp hàng loạt rắc rối, một số người bị ảnh hưởng bởi chiến dịch phong tỏa khu Sham Shui Po vẫn ủng hộ chính quyền.
Chan Cheuk-ming - chủ nhà hàng Pei Ho Counterparts - ủng hộ phương án này mặc dù bị mắc kẹt tại cửa hàng. “Thật tốt khi phong tỏa để tất cả người mang mầm bệnh nhưng chưa biểu hiện triệu chứng có thể được xác định sớm”.
Anh nói thêm: “Sau rất nhiều bình luận tiêu cực trong 3 ngày đóng cửa khu Yau Ma Tei, các nhà chức trách đã kịp thời điều chỉnh và chỉ phong tỏa một số tòa nhà cụ thể trong 1 ngày. Điều này ít gây bất tiện hơn”.
Một người đàn ông họ Lai (64 tuổi) ngủ tại nhà nghỉ nơi ông là nhân viên để làm việc trở lại vào sáng hôm sau.
“Tất nhiên là hơi rắc rối khi bị mắc kẹt, nhưng không còn lựa chọn nào khác. Tôi sẽ cảm thấy rất tệ nếu việc kinh doanh của ông chủ mình bị ảnh hưởng”.