"Phụ nữ Afghanistan chúng tôi từng mặc những bộ váy đầy màu sắc, đeo trang sức tinh xảo như vậy", Tiến sĩ Bahar Jalali, cựu giáo sư ngành Lịch sử tại ĐH Hoa Kỳ ở Afghanistan, chia sẻ tấm hình mẹ mình vào năm 1958 trên Twitter.
Cô là người khởi xướng chiến dịch #DoNotTouchMyClothes (Đừng động tới trang phục của tôi) và #AfghanistanCulture (Văn hóa Afghanistan) nhằm phản đối những quy định hà khắc mà Taliban áp đặt lên phụ nữ nước này.
Tiến sĩ Bahar Jalali cũng đăng ảnh chính mình trong bộ váy truyền thống của phụ nữ Afghanistan nhằm phản đối quy định ăn mặc do Taliban áp đặt. Ảnh: @RoxanaBahar1. |
Trước đó, ngày 11/9, khoảng 300 phụ nữ đã tập trung tại một giảng đường ở thủ đô Kabul, Afghanistan.
Họ mặc trang phục đen, đeo găng tay đen, khoác áo choàng với mũ trùm đầu che kín cả mắt.
Theo VICE, nhóm người này chỉ trích những phụ nữ có thái độ phản đối quy tắc ăn mặc theo yêu cầu từ Taliban.
Họ cho rằng chính phủ Afghanistan trước đây đã lạm dụng nữ giới "vì vẻ đẹp", ai không che mặt là "đang làm hại tất cả phái nữ".
Những hình ảnh, video này lập tức lan truyền trên mạng và nhận về phản hồi gay gắt từ phía phụ nữ Afghanistan.
Nargis Azaryun, nhà hoạt động xã hội, gọi đó là "điều vô lý nhất cô từng thấy".
"Hình ảnh đó xúc phạm phụ nữ trên toàn thế giới. Thật dã man", cô chia sẻ trên Twitter.
Ngay lập tức, nhiều cô gái bắt đầu mặc những bộ trang phục truyền thống sặc sỡ với loạt phụ kiện tinh xảo, đăng ảnh lên mạng xã hội với 2 hashtag trên.
Nhiều cô gái người Afghanistan đã đăng ảnh mặc trang phục truyền thống sặc sỡ, đeo phụ kiện tinh xảo với hashtag #DoNotTouchMyClothes (Đừng động tới trang phục của tôi) và #AfghanistanCulture (Văn hóa Afghanistan). Ảnh: @Peymasad, @Karimi_shafi. |
Ariana Delawari, nghệ sĩ người Afghanistan đang sống tại Los Angeles (Mỹ), đăng ảnh chụp mẹ, các chị và dì cô đang mặc trang phục truyền thống đầy màu sắc vào những năm 80.
"Tôi biết những tấm hình chụp phụ nữ mặc đồ đen che kín mặt, ủng hộ Taliban không phải sự thật. Sau tất cả nỗ lực phản kháng trước đó, họ không thể thay đổi chỉ trong một đêm", cô nói.
Delawari nói thêm rằng những phụ nữ được gọi là ủng hộ Taliban có thể bị ép buộc phải thực hiện điều này, thậm chí có thể là nam giới sau tấm khăn che.
Nữ nghệ sĩ cho biết khi Taliban nắm quyền lần đầu tại Afghanistan (1996-2001), phái nữ buộc phải mặc burqa xanh dương - loại trang phục che kín từ đầu tới chân, chỉ có thể nhìn qua một lớp vải thưa ở phần mắt.
Tuần trước, Taliban đã yêu cầu sinh viên nữ tại các trường đại học mặc áo choàng abaya, áo niqab - loại trang phục trùm kín người nhưng vẫn hở phần mắt - khi lên lớp.
"Đây là áp bức chứ không phải một lựa chọn", Delawari nói.
Cách ăn mặc che kín từ đầu tới chân, phần mắt cũng phủ bằng lớp vải mỏng chưa từng được thấy ở Afghanistan về trước, cũng như rất hiếm gặp ở những vùng tôn giáo khắc nghiệt nhất. Ảnh: Shutterstock. |
Tuy nhiên, Rostam, người điều hành trang Twitter về di sản và lịch sử Afghanistan, lại tỏ ra thận trọng.
"Trong văn hóa quốc gia, màu đen biểu thị cho tang tóc. Song, vấn đề này rất nhạy cảm vì nữ giới ở đây cũng không mặc trang phục sặc sỡ mỗi ngày. Chúng ta nên cẩn thận với các chiến dịch chính trị không nhằm cải thiện tình hình, mà để phục vụ lợi ích nhóm phía sau", ông nói.
Dù vậy, Delawari cho biết những chiến dịch tương tự đang phá vỡ tấm màn che phủ lên tình hình thực tại ở Afghanistan. Cô cho biết sẽ tiếp tục đồng hành cùng phụ nữ quê hương mình bằng cách lan tỏa thông điệp.
"Nhiều cô gái chọn cách im lặng vì lo lắng cho sự an toàn của họ, nhưng vẫn có người lên án mạnh mẽ hành động của Taliban. Tôi hy vọng rằng chiến dịch này sẽ thành công", cô nói với VICE.