Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TL;DR

Đằng sau các vụ cha mẹ kế bạo hành con trẻ

Theo nhiều nghiên cứu, trẻ em sống cùng cha mẹ kế có nguy cơ bị ngược đãi, lạm dụng cao hơn so với ở trong gia đình bình thường. Hiện tượng này được gọi là “hiệu ứng Cinderella”.

Cha me ke bao hanh tre em anh 1

Chỉ trong vòng một tháng, dư luận bàng hoàng và phẫn nộ trước hai vụ bạo hành trẻ em gây chấn động: Bé N.T.V.A. (8 tuổi, TP.HCM) bị đánh đập đến tử vong, còn bé Đ.N.A. (3 tuổi, Hà Nội) nhập viện với 9 dị vật trong đầu.

Thủ phạm chính là người tình của bố hoặc mẹ các bé.

Theo nghiên cứu được công bố trên tạp chí Violence and Victims năm 2004, bố dượng có nguy cơ giết đứa trẻ sống cùng mình cao gấp 8 lần so với cha đẻ. Trong khi đó, mẹ kế có khả năng làm điều tương tự cao hơn mẹ ruột gấp 3 lần.

Hiện tượng này được gọi là “hiệu ứng Cinderella” - thuật ngữ do giáo sư tâm lý người Canada Martin Daly đặt ra, theo New York Post.

Vào những năm 80, ông nghiên cứu cái chết của 700 trẻ em Canada và phát hiện những đứa trẻ được cha mẹ kế nuôi dưỡng có nguy cơ bị bạo hành cao hơn so với ở cùng gia đình bình thường hoặc chỉ sống với bố/mẹ.

Cha me ke bao hanh tre em anh 2

Liên tiếp các vụ bạo hành trẻ em gây rúng động gần đây. Mới nhất là bé gái 3 tuổi ở Thạch Thất (Hà Nội) bị người tình của mẹ đóng đinh vào đầu và tra tấn. Ảnh: Đ.X.

Hiệu ứng Cinderella

Hồi nhỏ, Jane Wilson (47 tuổi, Anh) không chỉ biết về người mẹ kế độc ác từ chuyện cổ tích, mà còn trải qua cảm giác bị đối xử tàn nhẫn ngay trong chính gia đình mình.

“Khi tôi khoảng 11 tuổi, mẹ kế thấy tôi chơi ở nhà kho trong vườn - nơi tôi không được phép vào. Bà ấy đã khóa cửa lại. Mặc cho tôi la hét, khóc và cầu xin nhiều giờ, bà ấy vẫn nhốt tôi qua đêm. Lần khác, trong bữa tối, tôi hỏi mẹ kế về món ăn, bà ấy nói đó là gà. Ngay sau đó, bà ấy cười bảo ‘Mày vừa ăn thịt một con thỏ’ khiến tôi òa khóc. Bố tôi ở đó, nhưng không nói gì”, cô kể.

Đó chỉ là vài trường hợp điển hình của sự ngược đãi mà Jane phải chịu từ năm 4 tuổi, khi cha cô đi bước nữa.

“Từ khi tôi còn nhỏ, mẹ kế nói rằng tôi là vấn đề lớn nhất trong cuộc đời bố và sẽ tốt hơn nếu tôi chết đi. Bố không bao giờ để ý hoặc quan tâm, nên khi lớn lên, tôi cứ nghĩ đó là điều bình thường”, cô nhớ lại.

Trong khi Jane sống sót và mang theo vết sẹo tâm lý suốt đời, Arthur Labinjo-Hughes (6 tuổi) hay Star Hobson (16 tháng tuổi) lại không may mắn như vậy.

Cha me ke bao hanh tre em anh 3

Arthur Labinjo-Hughes (phải) qua đời do bị cha đẻ và mẹ kế bạo hành suốt thời gian dài. Ảnh: Telegraph.

Arthur qua đời vào tháng 6/2020 do bị mẹ kế tra tấn. Trước đó, cậu bé phải đứng ngoài hành lang 14 tiếng/ngày và bị đánh đập, ép ăn muối suốt 3 tháng.

Tháng 9 năm ngoái, bé Star bị nhân tình của mẹ sát hại sau thời gian dài chịu đựng sự ngược đãi.

Cả hai vụ án đều gây rúng động tại Anh.

Đáng lo ngại, theo nghiên cứu học thuật, những đứa trẻ này không phải là nạn nhân duy nhất sống dưới bàn tay bạo hành của cha mẹ kế.

Những lý do có thể giải thích cho “hiệu ứng Cinderella” nằm trong sinh học cơ bản.

Các nhà tâm lý học tiến hóa tin rằng con người, giống như nhiều loài động vật khác, được lập trình để chăm sóc những đứa trẻ có chung huyết thống với mình chứ không phải của ai khác.

Cách mà cha mẹ kế sát hại con riêng cũng khác nhau.

Cha mẹ đẻ có nhiều khả năng giết con cái như hành động trả thù bạn đời hoặc một phần của các giai đoạn rối loạn tâm thần, thường sử dụng cách bóp nghẹt.

Tuy nhiên, cha mẹ kế có khả năng sẽ đánh đập hoặc ruồng bỏ con ghẻ - điều mà các nhà nghiên cứu cho rằng thể hiện nhiều sự tức giận và khó chịu hơn.

Nâng cao cảnh giác

Giáo sư tâm lý Martin Daly nói rằng mặc dù đây là chủ đề đau lòng, mọi người cần đề phòng những rủi ro có thể xảy ra đối với trẻ nhỏ khi cha mẹ các em tìm bạn đời mới.

“Tình cảm và lòng tốt cha mẹ kế dành cho con riêng không phải lúc nào cũng được coi là điều đương nhiên”, ông nói.

Kevin Hoffin, giảng viên về tội phạm học tại Đại học Birmingham City (Anh), cho biết khi cha mẹ kế lạm dụng đứa trẻ sống cùng họ, có rất nhiều nguyên nhân đằng sau như nghèo đói và tiền sử bạo lực trong gia đình.

Tuy nhiên, yếu tố góp phần quan trọng có thể là mối quan hệ giữa cha/mẹ đẻ của chúng và bạn đời mới.

“Nếu rơi vào lưới tình của một người do hội chứng ám ảnh lãng mạn hoặc sự lệ thuộc, cha mẹ ruột có thể đặt mối quan hệ này lên trên hạnh phúc của con cái họ”, Hoffin nói.

Trong trường hợp của Arthur và Star, cha/mẹ đẻ của các bé dường như chịu sự kiểm soát của bạn đời lớn tuổi và hung bạo, nguy hiểm hơn.

Cha me ke bao hanh tre em anh 4

Các chuyên gia cho rằng người lớn nên đề phòng những rủi ro xảy đến với trẻ nhỏ khi cha mẹ các em tìm bạn đời mới. Ảnh: iStockphoto.

Jane Wilson cắt đứt liên lạc với bố đẻ và mẹ kế ngay khi cô đủ lớn để nhận ra mình bị lạm dụng.

“Dì ghẻ kiểm soát, bố thì nhu nhược và quyết định ưu tiên vợ hơn con ruột. Dù hai người đó đã ly hôn, bố tôi vẫn không bao giờ thừa nhận ông có lỗi”, cô nói.

Emma Citron, nhà tâm lý học trẻ em, cho biết: “Có rất nhiều người đảm nhận vai trò cha/mẹ kế với tình yêu thương, tốt bụng và vị tha. Tuy nhiên, một số lại xem con riêng là rào cản và không nhạy cảm với thực tế rằng đứa trẻ đó có thể phải đối mặt với rất nhiều cảm xúc phức tạp sau khi bố mẹ đẻ chia tay”.

Emma hy vọng các bậc cha mẹ cảnh giác hơn với dấu hiệu ban đầu của sự lạm dụng, cũng như những điều cho thấy bạn đời mới của họ đe dọa con cái.

“Nếu cha/mẹ đi bước nữa, điều cần thiết là con cái vẫn được phép dành nhiều thời gian với ông bà hoặc các thành viên trong đại gia đình. Họ chính là những người có thể dễ dàng phát hiện những dấu hiệu của hành vi ngược đãi thể chất hoặc thay đổi trong hành vi”, cô nói.

Jane mất nhiều năm điều trị để cố gắng vượt qua chấn thương tâm lý.

“Có hàng nghìn đứa trẻ ngoài kia bị lạm dụng tâm lý và thể chất mỗi ngày. Nhưng chỉ có cái chết của chúng mới khiến mọi người chú ý. Nếu sống sót, những lời nói tàn nhẫn của cha mẹ kế có thể không phải là điều gây tổn thương nhiều nhất. Đó là việc những người sinh ra bạn, lẽ ra phải yêu thương và bảo vệ bạn, lại không làm gì cả. Tôi không nghĩ mình sẽ vượt qua được điều đó”, cô nói.

Không thể đánh đồng tất cả

Lisa Dodson, giáo sư tâm lý học người Mỹ chuyên về chủ đề gia đình, nhận định không thể đánh đồng tất cả cha dượng/mẹ kế khi rất nhiều người đối xử tốt với con riêng của vợ/chồng họ.

Cô lấy dẫn chứng từ nghiên cứu của Đại học bang Utah (Mỹ) cho thấy nếu một đứa trẻ có cha/mẹ kế gắn bó và yêu thương, chúng sẽ nhận được những lợi ích giống như từ cha/mẹ ruột để phát triển toàn diện thể chất lẫn tâm lý, theo The Straits Times.

Theo Stuff, nhiều chuyên gia về cuộc sống gia đình cho rằng “hiệu ứng Cinderella” thúc đẩy định kiến ​​tai hại rằng những người nuôi con của cá nhân khác đều có thể trở thành sát nhân.

Jan Pryor, giáo sư trợ giảng về tâm lý gia đình tại Đại học Victoria (New Zealand), cho rằng thuật ngữ này làm suy yếu những nỗ lực của các ông bố, bà mẹ kế trong việc yêu thương và chăm sóc con riêng của bạn đời.

Cha me ke bao hanh tre em anh 5

Theo chuyên gia, xã hội không thể đánh đồng tất cả cha mẹ kế đều xấu vì nhiều người đối xử tốt với con riêng của vợ/chồng họ. Ảnh: Geber86/Getty.

Tại New Zealand, độ tuổi trung bình của trẻ em bị cha mẹ kế giết là 3.

Do đó, theo Pryor, nhiều trong số kẻ sát hại con cái của người tình không nên được định nghĩa là “cha mẹ kế”.

Cô dẫn lại phát hiện của Martin Daly rằng khi đứa trẻ là con riêng càng lớn, nguy cơ chúng bị người tình/chồng/vợ của cha/mẹ đẻ giết hại càng giảm; kẻ bạo hành hoặc sát hại đứa trẻ trong cơn thịnh nộ có nhiều khả năng là người mới hoặc ít gắn bó với nạn nhân.

“Trong nhiều trường hợp, cách gọi ‘người có quan hệ tình cảm với cha/mẹ đẻ’ sẽ thích hợp hơn”, Pryor nói.

Theo nữ giáo sư trợ giảng, hầu hết gia đình có cha/mẹ kế vẫn hòa thuận với con cái nhờ chìa khóa là cố gắng xây dựng mối quan hệ một cách từ từ.

“Nuôi dạy con riêng của chồng/vợ/người tình là thử thách lớn với bất kỳ ai. Nhưng việc đứa trẻ không phải là con ruột không có nghĩa rằng họ sẽ giết chúng. Thực tế, nhiều người đã làm những điều tốt nhất có thể cho ‘con ghẻ’ của mình”.

Daly cũng đồng tình rằng thật sai lầm khi gán cho mọi ông bố dượng, bà mẹ kế là kẻ giết người tiềm năng.

“Hầu hết gia đình có cha/mẹ kế đều hoạt động khá tốt. Tôi nghĩ mọi người đều có khả năng nảy sinh ý định xấu. Tuy nhiên, việc họ có thực hiện điều đó hay không lại là chuyện khác”, ông nói.

Bất hạnh của những đứa trẻ ở nhà

Số vụ trẻ em bị bạo hành tăng mạnh tại nhiều quốc gia trong đại dịch. Khi các bé ở nhà, người trưởng thành xung quanh khó có thể nhận ra những dấu hiệu đánh đập, lạm dụng.

Thiên Nhi

Bạn có thể quan tâm