![]() |
Gates và Paul Allen thành lập Microsoft vào năm 1975. Ảnh: Eastside Journal. |
Lúc còn là cậu sinh viên 20 tuổi theo học Đại học Harvard, Bill Gates từng có “khoảng thời gian tuyệt vời” trên giảng đường đến mức ông phải phân vân rất nhiều với quyết định nghỉ học và thành lập một công ty phần mềm.
Năm 1975, sau khi bắt tay cùng người bạn thời trung học Paul Allen sáng lập Microsoft, Bill Gates vẫn luôn muốn quay lại Harvard để hoàn thành chương trình học.
Cơ hội đến
Chia sẻ với CNBC, Bill Gates cho biết năm xưa, ông đã phải đưa ra quyết định một cách gấp rút.
Khi còn học trung học, Gates và Allen dự đoán rằng các bộ vi xử lý sẽ biến những chiếc máy tính cồng kềnh, đắt tiền thành những cỗ máy cá nhân nhỏ gọn, có giá phải chăng và mọi người có thể dễ dàng tiếp cận.
Tuy nhiên, Gates không nghĩ rằng công nghệ đã sẵn sàng, cho đến năm 1974, khi Allen xông vào phòng ông và cầm theo số mới nhất của tạp chí Popular Electronics.
Trang bìa tạp chí có hình ảnh Altair 8800 - bộ máy tính mini đầu tiên trên thế giới có thể sánh ngang với các mẫu máy tính thương mại - một sản phẩm do Micro Instrumentation and Telemetry Systems (MITS) sản xuất.
Rất nhanh chóng, Gates và Allen tin rằng họ có thể đi đầu trong một ngành công nghiệp mới - tạo ra phần mềm cho các máy tính cá nhân mà sau này sẽ có mặt ở hầu hết mọi gia đình Mỹ. Nếu cả hai không hành động nhanh chóng, người khác có thể đánh bại họ.
Lúc này, ông không thực sự nghĩ đến rủi ro. Nếu rời Harvard và thất bại với Microsoft, ông vẫn có thể quay lại trường. Ông cũng không vay tiền, vì hai người có tiền từ các sản phẩm mà họ đã lập trình hồi trung học và các công ty phần mềm không cần nhiều vốn lắm.
Thế nhưng, Gates yêu thích môi trường học thuật của Harvard, nơi ông có thể tìm tòi sâu hơn về nhiều chủ đề.
"Tôi thích những lớp học, bao gồm cả một số môn học mà tôi chỉ ngồi nghe lỏm như Tâm lý học, Kinh tế học, Lịch sử. Tôi thích có những người thông minh xung quanh mình. Chúng tôi có thể ngồi nói chuyện đến tận khuya về những điều thú vị.
Tôi không phải người quá hoà đồng, nhưng tôi có đủ bạn bè để cảm thấy rất thoải mái. Tôi trở thành một mọt sách thực thụ, học hỏi rất nhiều. Vì vậy, tôi đã do dự vào năm đó", vị tỷ phú nhìn nhận nếu hoàn thành bằng cấp rồi mới thành lập Microsoft, ông có thể bỏ lỡ cơ hội của mình.
![]() |
Bill Gates cho biết năm xưa, ông đã phải đưa ra quyết định một cách gấp rút. Ảnh: NYT. |
Quyết định rời Harvard
Bill Gates đã dành phần lớn năm đầu tiên để di chuyển qua lại giữa thành phố Albuquerque (bang New Mexico), nơi đặt trụ sở ban đầu của Microsoft, và phòng ký túc xá của mình tại Harvard.
Ông cố gắng điều hành Microsoft từ xa, trở lại Harvard để học thêm 2 học kỳ nữa vào năm 1976. Thậm chí, Gates còn cố gắng thuyết phục lập trình viên đầu tiên của Microsoft là Ric Weiland, một người bạn trung học khác, “quản lý mọi thứ” để ông có thể hoàn thành chương trình học của mình.
Thế nhưng, Weiland đã rời đi để học lên cao hơn. Sau đó, ông trở lại Microsoft một thời gian, cuối cùng từ chức và chuyển đến Los Angeles.
"Ngay cả Ric cũng không thể làm việc với cường độ cao để đảm bảo công ty luôn dẫn đầu", Gates nói.
Cuối cùng, thay vì học đại học, ông đã trở thành CEO đầu tiên của Microsoft cho đến khi từ chức vào năm 2000. Bill Gates đã phải chấp nhận điều không thể tránh khỏi, rằng ông phải rời Harvard để theo đuổi Microsoft, từ bỏ việc học và tất nhiên, không bao giờ quay trở lại trường đại học để hoàn thành việc học.
Microsoft nhanh chóng cách mạng hóa ngành công nghệ, đưa Gates và Allen trở thành tỷ phú. Ngày nay, công ty trị giá hơn 3.000 tỷ USD.
Bill Gates không khuyến khích bỏ học. Ông ủng hộ việc tiếp thu được càng nhiều kiến thức càng tốt. Và ông thừa nhận rằng trường hợp của bản thân là một ngoại lệ khi tình hình cấp thiết đến mức phải gác lại việc học.
"Tôi đã sử dụng hầu hết kiến thức mà mình tiếp thu ở trường đại học. Tôi rất vui vì mình tò mò học tất cả môn học khác nhau. Vì vậy, tôi luôn khuyến khích mọi người tìm tòi, học hỏi thật nhiều kiến thức", vị tỷ phú nói.
Những cuốn sách dành cho người đứng trước cánh cửa nghề nghiệp
Mục Giáo dục giới thiệu đến bạn đọc một số cuốn sách về chủ đề nghề nghiệp, hướng nghiệp, dành cho những bạn trẻ đang băn khoăn trước cánh cửa nghề nghiệp hay người trưởng thành quan tâm đến sự biến đổi nghề nghiệp trong xã hội hiện đại.
Chiến đạo giống cuộc đối thoại, gợi mở các câu hỏi của cuộc đời, giúp người trẻ chủ động định hướng nghề nghiệp, kiến tạo tương lai.
Eight - 8 cách làm chủ trí thông minh nhân tạo: “Đa số công việc mà công viên chức đang phụ trách cuối cùng đều sẽ bị thay thế bởi trí thông minh nhân tạo", cuốn sách này sẽ giải đáp câu hỏi đó.