Dưới bầu trời trong vắt ở Bồ Đào Nha, trên thảm cỏ xanh mượt được cắt tỉa phẳng phiu, áp lực tạo ra thế hệ tài năng tiếp theo trị giá nhiều triệu euro để xuất khẩu đang đè nặng lên vai tất cả những người có trách nhiệm ở học viện.
Thay đổi để sinh tồn
Những CLB hàng đầu của Bồ Đào Nha đang gánh khoản nợ lớn. Theo trường Quản trị và Kinh doanh Lisbon, ba đội bóng Porto, Benfica và Sporting Lisbon cõng trên lưng khoản nợ chừng hơn 700 triệu euro. Một phần không nhỏ trong số nợ này đến từ quá trình sửa sang sân vận động, phục vụ công tác tổ chức Euro 2004.
Bruno de Carvalho, chủ tịch của Sporting Lisbon chia sẻ rằng khi ông nhậm chức vào năm 2013, CLB đã bán hết bản quyền hình ảnh của cầu thủ. "Quá dễ để cuỗm tiền từ đội bóng này", Carvalho ngán ngẩm. Tình trạng quản lý yếu kém khiến Sporting không thể trả lương cho cầu thủ đúng hạn và thậm chí tệ đến mức không thể thanh toán hóa đơn điện.
Áp lực sinh tồn khiến họ phải thay đổi. Carvalho tâm sự: "Các cầu thủ thời đó dứt áo ra đi quá sớm và quá rẻ. Khi tới đây, tôi tự nhủ với bản thân rằng Sporting sở hữu một trong những học viện tốt nhất thế giới, thế nên học viện tốt nhất thế giới không thể bán cầu thủ như cái cách đã làm trong suốt thời gian qua".
Benfica và Porto là 2 đại diện Bồ Đào Nha lọt top 20 CLB kiếm nhiều tiền nhất từ bán cầu thủ cho 5 giải VĐQG hàng đầu châu Âu, giai đoạn 2010 - 2016. |
Hành động theo quan điểm đó, De Carvalho đã thực sự làm mới công tác chuyển nhượng của CLB. Dưới thời Carvalho, Sporting bán được 4 trong số 10 cầu thủ đắt giá nhất tự đào tạo suốt 111 năm lịch sử đội bóng. Joao Mario, được bán cho Inter Milan với giá 45 triệu euro hè 2016, bằng khoản tiền duy trì học viện suốt 5 năm qua. Họ cũng bán được tiền đạo Islam Slimani cho Leicester City với giá có thể lên tới 35 triệu euro tùy vào thành tích thi đấu.
Kình địch số một của Sporting, CLB Benfica cũng đối mặt với nhiều khó khăn do yếu kém trong quản lý. Cựu chủ tịch đội bóng này mới mãn án tù cho tội lừa đảo. Khủng hoảng tài chính châu Âu cũng làm đại gia bóng đá Bồ Đào Nha lao đao. Bù lại, CEO của Benfica, ông Soares de Oliveira cho biết nhờ bán cầu thủ mà trong 3 năm qua, họ thu được 70 đến 80 triệu euro. Bán cầu thủ trở thành nguồn thu chính của CLB giữ kỷ lục vô địch quốc gia Bồ Đào Nha.
Đào tạo và bán cầu thủ giúp Benfica và Sporting kiếm về nguồn lợi nhuận kếch xù cho dù chi phí rất tốn kém. Năm ngoái Benfica phải chi tới 30 triệu euro cho người đại diện. Một phần tiền khác dùng để trả cho những nhà đầu tư mua "cổ phần" của cầu thủ từ lúc họ còn nhỏ, việc làm bị FIFA tuyệt đối cấm. Bán thủ thành Ederson với giá kỷ lục 35 triệu bảng nhưng Benfica chỉ được hưởng nửa tiền. Sao Paulo, CLB cũ của Ederson và công ty đại diện của siêu cò Jorge Mendes hưởng phần còn lại.
Domingos Soares de Oliveira, giám đốc điều hành của Benfica. |
Họ đã làm được gì?
Trong danh sách 20 câu lạc bộ thu về nhiều tiền từ bán cầu thủ nhất trong giai đoạn 2010 đến 2016, Benfica (414 triệu euro) và Porto (382 triệu) là hai câu lạc bộ duy nhất không nằm trong top 5 giải VĐQG hàng đầu châu Âu. Cả hai đều đứng ở thứ hạng khá cao lần lượt là 4 và 5.
Ba đội bóng Porto, Sporting Lisbon và Benfica bán cầu thủ được gần 1 tỷ USD chỉ trong 6 năm qua. Bồ Đào Nha xuất khẩu Cristiano Ronaldo, cầu thủ hay bậc nhất thế giới đương đại, đây cũng là quê hương "Người đặc biệt" Jose Mourinho. Khoảng 250 HLV người Bồ Đào Nha đang làm việc khắp thế giới. Đất nước này còn có siêu cò Jorge Mendes, người nắm giữ quyền đại diện cho hầu hết cầu thủ Bồ Đào Nha nổi tiếng nhất và có thể coi là "cánh cửa" để các ngôi sao đất nước này bước ra sân khấu lớn.
Sporting CP hiện có danh sách 54 cầu thủ đang thi đấu chuyên nghiệp từng trưởng thành từ lò đào tạo của câu lạc bộ, bao gồm cả Ronaldo. Đội hình Bồ Đào Nha vô địch EURO 2016 có 10 cầu thủ từng chơi cho Sporting, với Ronaldo là ngôi sao sáng nhất.
Trung tâm huấn luyện của các CLB như Benfica và Sporting Lisbon là ví dụ điển hình nhất cho những "công xưởng bóng đá" ngày càng có ảnh hưởng lớn trên thị trường chuyển nhượng cầu thủ có trị giá tới 5 tỷ USD. Nằm ở một trong những quốc gia nợ nhiều nhất châu Âu, chúng có giá trị như vậy là nhờ khả năng giới thiệu nhiều cầu thủ giỏi.
Các đội bóng Bồ Đào Nha chấp nhận trở thành "feeder club", chuyên cung cấp cầu thủ cho các giải đấu lớn nhất. Nó giúp quốc gia 10 triệu dân với thị trường nội địa còn hạn chế có khả năng thu về nhiều tiền bản quyền truyền hình. Tiền bán cầu thủ còn giúp các đội bóng Bồ Đào Nha duy trì "dây chuyền sản xuất" tài năng mới, giúp họ hoạt động khoẻ mạnh bất chấp bức tranh kinh tế u ám của quốc gia, đồng thời trang trải chi phí sau thời gian dài đi xuống do nợ nần và quản lý kém.
Các CLB Bồ Đào Nha trở thành nguồn cung cầu thủ chất lượng cho top 5 giải hàng đầu châu Âu. |
"Mọi người biết cầu thủ của chúng tôi có giá không hề rẻ, điều đó là do lịch sử thành công của các thương vụ chuyển nhượng từ đội chúng tôi", giám đốc điều hành của Benfica chia sẻ về triết lý kinh doanh bóng đá gắn chặt với bán cầu thủ của Bồ Đào Nha. "Một khi đã bán họ đi, chúng tôi luôn thầm ước họ sẽ thành công. Một cầu thủ thất bại ở đội bóng mới cũng làm ảnh hưởng không tốt tới thương hiệu của chúng tôi”.
Ông Aurelio Pereira, giám đốc đào tạo trẻ của Sporting Lisbon nói: "Bạn phải có những cầu thủ đạt tới đẳng cấp cỡ Ronaldo, bằng không, sẽ chẳng bán được ai cả", Pereira chia sẻ. Người đàn ông 69 tuổi cũng là cựu cầu thủ Sporting. Căn phòng của ông treo đầy những tấm ảnh kèm chữ ký của Ronaldo và Luis Figo. "Ngày xưa, châu Âu tới Bồ Đào Nha mua cầu thủ là chuyện không bình thường".
Aurelio Pereira, giám đốc bộ phận đào tạo cầu thủ trẻ của Sporting. Đằng sau ông là bức tường treo những tấm ảnh chụp chung với Ronaldo, bên cạnh những chiến tích của CLB và bóng đá Bồ Đào Nha. |
Các đội bóng Bồ Đào Nha "săn đầu người" qua mạng lưới săn tìm tài năng rộng khắp ở Mỹ Latinh và châu Phi. Thậm chí người hâm mộ xem bọn trẻ chơi bóng cũng có công phát hiện nhiều tài năng. David Luiz chẳng hạn, từ Brazil tới Benfica thi đấu, sau đó đầu quân cho Chelsea với giá 25 triệu euro. Tính đến nay, Luiz có tổng phí chuyển nhượng 110 triệu euro sau khi di chuyển từ Benfica -> Chelsea -> PSG -> Chelsea. Bóng đá chuyên nghiệp như một canh bạc. Hàng trăm người thất bại, nhưng chỉ cần một người thành công là số lãi thu về gấp nhiều lần.
Tại Benfica, Nuno Gomes, cựu tuyển thủ Bồ Đào Nha nay là giám đốc trung tâm đào tạo trẻ đã thành lập một "Nhóm tinh hoa" gồm 40 cầu thủ tuyển chọn từ 240 học viên ở độ tuổi 13 đến 19, đây là những người có khả năng tốt nhất học viện và có tiềm năng lớn để trở thành cầu thủ chuyên nghiệp. Những cậu bé này được chỉ bảo đặc biệt, rèn luyện thêm để khắc phục những điểm yếu.
"So sánh với những đội bóng lớn khác, chúng tôi không có nhiều tiền mua cầu thủ. Vậy nên chúng tôi phải tự đào tạo", Nuno Gomes chia sẻ. Tại phòng làm việc ở trung tâm huấn luyện, anh nói: "Chúng tôi đầu tư rất nhiều vào lĩnh vực này. Mục tiêu của chúng tôi là tìm ra con đường cân bằng về kinh tế để đủ khả năng từ chối những lời đề nghị bán cầu thủ. Thực sự chúng tôi chưa thể làm điều đó vào lúc này. Đành hy vọng vào tương lai".
Thâm nhập lò Benfica
"Hãy nhìn thủ môn Ederson của Man City. Ngày đầu ở Benfica, cậu ấy chỉ là một chàng trai đến từ khu ổ chuột nghèo khổ, thậm chí không có đủ dũng khí để băng ra khỏi vùng cấm địa. Còn bây giờ cậu ấy là thủ môn mạo hiểm nhất Premier League. Bernardo Silva cũng đã vươn tới đỉnh cao. Chúng tôi bán cậu ấy tới Monaco và chỉ vài tuần sau, chúng tôi thấy Silva trả lời bằng tiếng Pháp lưu loát trên truyền hình. Đội bóng này cung cấp cho các cậu bé những kỹ năng để trưởng thành", Luis Nascimento, HLV trưởng của đội U15 Benfica nói với tác giả Alex Clapham của These Football Times, từ Caixa Futebol Campus, cách trung tâm thủ đô Lisbon 20 phút lái xe về phía nam.
Năm 2006, trung tâm bóng đá Caixa được khai trương, trở thành ngôi nhà của 65 chàng trai trên toàn cầu. Lò đào tạo đến nay có 9 sân đấu, 20 phòng thay đồ, 2 phòng họp, 3 phòng tập thể dục thể hình và 1 phòng thí nghiệm mô phỏng 360 độ. Loại hình này xuất hiện đầu tiên ở Borussia Dortmund, nhưng phiên bản của Benfica có những chú robot giống như cầu thủ, di chuyển dọc theo các bức tường của mỗi bên lồng. Các cầu thủ trẻ được kiểm tra về tốc độ phản hồi, tầm nhìn và hành động của họ.
"Bóng đá trẻ là lĩnh vực cơ bản của Benfica, với các lợi ích mang lại về thể thao, xã hội và tài chính", Nascimento nói. "Chúng tôi đặc biệt coi trọng giáo dục trong chương trình huấn luyện cầu thủ. Hoạt động học tập của cầu thủ được theo dõi và khuyến khích ở tất cả cấp độ. Nhiệm vụ của chúng tôi là đảm bảo chất lượng đào tạo kỹ thuật bóng đá, song hành với việc tăng cường hoạt động giáo dục cho cầu thủ ở mọi lứa tuổi, thúc đẩy các giá trị của con người như tôn trọng, trách nhiệm, đoàn kết, công bằng và khoan dung".
Số cầu thủ Benfica bán đi từ năm 2015 đến 2017. |
Khi đội U15 Benfica đến sân tập luyện, mọi cầu thủ đều đi ngang qua văn phòng để bắt tay ông Nascimento. "Đây là một nơi đặc biệt và tôi cảm thấy rất may mắn khi gắn bó với nó, vì vậy hãy tưởng tượng bọn trẻ cảm thấy hạnh phúc thế nào khi sống ở đây".
Những năm qua, khi Benfica trở thành nhà cung cấp cầu thủ số một châu Âu, các tài năng trẻ biết rằng tương lai của họ đang được gửi gắm đúng nơi. Chỉ trong ba năm trở lại đây, Benfica đã kiếm được hơn 250 triệu euro từ việc bán các sản phẩm tự đào tạo.
Câu lạc bộ có một con đường rõ ràng cho cầu thủ. Họ di chuyển qua các đội trẻ trước khi thi đấu cho đội Benfica B tại LigaPro, hạng đấu thứ nhì của bóng đá Bồ Đào Nha. Benfica B hiện nay có 16 học viên tốt nghiệp học viện bóng đá, họ thi đấu trong một giải đấu khốc liệt, nơi những cú tắc được khuyến khích và chiến thắng là tất cả. Khẩu hiệu của Benfica là "Phát triển để chiến thắng" và rõ ràng họ đang đạt nhiều thành tựu ở tuyến trẻ. Họ đã vượt qua đối thủ Sporting CP và Porto về số lần vô địch các giải trẻ quốc gia, tính từ khi trung tâm bóng đá của họ mở cửa vào năm 2006.
Benfica sử dụng sơ đồ 4-3-3 xuyên suốt từ đội một xuống đội U13. Triết lý thống nhất được đưa vào đầu các học viên trong suốt thời gian đào tạo ở học viện. Từ 13 tuổi, các tài năng trẻ trải qua 7 giờ tập luyện và khoảng 90 đến 120 phút trong phòng thí nghiệm, nơi họ cùng nhau thực hiện các bài tập về tâm lý học, sinh lý học, dinh dưỡng, vật lý trị liệu, phân tích video và giả lập 360 độ.
Các cầu thủ U15 sẽ tập thêm vào buổi tối. Đứng bên cạnh HLV Nascimento có một đội quân trợ lý, họ là chuyên gia sinh lý học và vật lý trị liệu. Mỗi đội có một kỹ thuật viên video, chuyên ghi lại tất cả buổi tập và trận đấu.
"Không có HLV nào làm việc ở học viện dưới 10 năm. Họ đã sống chết với CLB này. Để có được những thứ tốt nhất từ cầu thủ, bạn phải lấy được sự tin tưởng và làm cho họ hiểu họ đang làm gì và tại sao họ lại làm điều đó". Nascimento nói với tác giả vào cuối ngày tập luyện. "Tôi đã làm việc với những cầu thủ này từ khi chúng còn là cậu bé, tôi biết chúng còn thiếu và còn yếu ở đâu để thúc đẩy. Chúng tôi dành rất nhiều thời gian làm việc với từng cầu thủ, phân tích video để phê bình họ. Một khi họ đã hiểu được trách nhiệm và sự hy sinh đối với tập thể, chúng tôi sẽ làm việc với họ trong môi trường tập thể, dạy cho họ cách giành chiến thắng".