Zing.vn trích dịch bài đăng trên The Guardian & Telegraph, đề cập đến câu chuyện những status tâm trạng, buồn bã trên mạng thường bị đánh đồng là cố tình nói quá, quan trọng hóa vấn đề để thu hút sự chú ý của người khác.
Đầu năm nay, siêu mẫu đình đám Kendall Jenner từng làm dậy sóng cộng đồng mạng khi công bố sẽ tiết lộ câu chuyện “chưa từng kể” của bản thân. Cô nhấn mạnh trải nghiệm tồi tệ của mình sẽ “truyền cảm hứng cho người trẻ vượt qua khủng hoảng tâm lý”.
“Năm 14 tuổi, tôi không tự tin như hiện tại. Giai đoạn tuổi dậy thì, tôi không dám kết thân với nhiều bạn bè. Giờ thì tôi đã vượt qua, tôi cũng chỉ là người bình thường và trải qua nhiều cảm xúc tiêu cực”, Kendall nói.
"Tôi rất tự hào về con gái của mình vì đã dũng cảm khi nói ra điều này. Cô ấy đã chọn cách chia sẻ câu chuyện xấu xí nhất của mình để tạo ra tác động tích cực cho nhiều người", Kris Jenner, mẹ siêu mẫu cũng lên tiếng ủng hộ con gái.
Nhanh chóng, lượng fan đông đảo của chân dài nổi tiếng háo hức chờ đợi xem “bí mật động trời”. Trong suy nghĩ số đông, Kendall chắc chắn sẽ nói về những vấn đề sâu sắc như chuyện bị trầm cảm hoặc mắc chứng tâm lý lo âu.
Tuy nhiên, tất cả đều “ngã ngửa” khi nghe chia sẻ của cô.
Đầu năm nay, siêu mẫu Kendall Jenner khiến nhiều người phẫn nộ vì cố tình cường điệu câu chuyện bản thân dù thực chất cô chỉ đang quảng cáo sản phẩm. Ảnh: Twitter. |
"Thời gian này năm ngoái, tôi lên mạng và mọi người bàn tán những điều khủng khiếp về làn da của tôi. Nếu bạn bị mụn trứng cá, bạn luôn có cảm giác mình xấu xí. Tôi có thể giúp bạn vượt qua điều này vì chính tôi là người trải nghiệm nó", Kendall Jenner dẫn dắt lời quảng cáo cho một thương hiệu kem trị mụn.
Số đông đã quá quen thuộc với các bài đăng gắn mác “nhãn hàng tài trợ” của Kendall, thứ giúp cô “bỏ túi” hàng trăm nghìn USD tiền thù lao.
Thế nhưng, lần này, họ phẫn nộ vì “trải nghiệm tồi tệ” của cô thực chất chỉ là cái cớ để PR cho sản phẩm. Dư luận chỉ trích Kendall cố tình chiêu trò, phóng đại mọi thứ cốt chỉ để thu hút sự chú ý.
Trường hợp của chân dài nổi tiếng này bị dân mạng gọi dưới cái tên “sadfishing” - thuật ngữ chỉ hành động cố tỏ ra đau khổ, buồn bã trên mạng xã hội, nhằm giành sự cảm thông, chia sẻ của mọi người.
"Bi kịch hóa" tâm trạng để mọi người cảm thông
Cụm từ “Sadfishing” xuất hiện nhiều hơn sau khi những người nổi tiếng như Kendall Jenner bị chê bai cường điệu những vấn đề của bản thân để thu hút sự chú ý trên phương tiện truyền thông xã hội.
Chia sẻ của chân dài 24 tuổi nhận về vô vàn “gạch đá” từ người hâm mộ. Một số người bày tỏ sự bức xúc đối với cả hai mẹ con Kris và Kendall Jenner.
"Tôi ước mình có thể được hoàn tiền cho thời gian phải bỏ ra để nghĩ về việc thông báo quan trọng của Kendall Jenner là gì", một bình luận trên Twitter.
“Tất cả chúng ta có thể dành một chút thời gian để cảm ơn Chúa rằng Kendall Jenner đã tìm thấy sức mạnh thừa nhận cô ấy từng có mụn. Ôi điều này đã khiến cô và gia đình phải chịu đựng thật nhiều rồi", một người dùng Instagram mỉa mai.
Người trẻ chia sẻ cảm xúc tiêu cực lên mạng có thể bị người khác đánh giá là cố tình tỏ vẻ đáng thương. Ảnh: Vogue. |
Câu chuyện của Kendall Jenner có thể là “một cú lừa”, song không phải mọi dòng trạng thái tâm trạng đều là màn “bi kịch hóa” hay quan trọng hóa vấn đề.
Trong vô vàn nội dung xuất hiện trên mạng xã hội, không khó để bắt gặp những dòng trạng thái “deep”, buồn bã, tâm trạng của bạn bè, người quen.
Hầu hết mọi người đều từng có lần giãi bày cảm xúc tiêu cực lên mạng. Nhiều người trẻ coi chia sẻ suy nghĩ, cảm xúc lên mạng là cách để giải tỏa căng thẳng.
Tuy nhiên, họ có thể dễ dàng bị coi là “sadfishing”. Trong mắt các đối tượng chỉ trích, những từ ngữ buồn bã chỉ là “làm màu”, phóng đại nỗi đau dù thực ra khổ chủ không gặp vấn đề gì đáng nghiêm trọng.
Thậm chí, những người đang buồn bã còn bị chế giễu và bắt nạt thêm.
Một nam sinh lớp 7 giấu tên cho hay cậu bé từng bày tỏ cảm giác suy sụp lên mạng xã hội khi cảm thấy bế tắc với chuyện gia đình.
“Mọi người ấn like, bình luận động viên rất nhiều. Tôi cảm thấy ổn hơn cho đến ngày hôm sau đến trường, có người nói rằng tôi cố tình nói quá để người khác an ủi. Chia sẻ cảm xúc lên mạng xã hội làm tôi thấy có lúc khá hơn, có khi tồi tệ đi”, cậu bé nói.
Người nhạy cảm dễ bị lợi dụng trên mạng?
“Người trẻ ngày càng hiểu biết hơn về công nghệ và sử dụng mạng xã hội thông minh hơn. Tuy nhiên, nếu tìm kiếm sự hỗ trợ về tinh thần trên mạng, họ có khả năng bị tổn thương thêm”, theo báo cáo của Digital Awaruity UK (DAUK) thực hiện trên 50.000 học sinh tại nước Anh.
Theo đó, khi một người được cho là chỉ cố tỏ vẻ đáng thương để thu hút sự chú ý, khả năng họ bị trêu chọc, bắt nạt trên mạng lẫn ngoài đời xảy ra với mức độ thường xuyên hơn.
Với những người đối mặt với các vấn đề sức khỏe về tâm lý, các hành động như vậy càng khiến mọi thứ trở nên trầm trọng hơn.
Với những người không cảm thông, các chia sẻ buồn bã của người khác hoàn toàn có thể là cái cớ để chế giễu, châm chọc, bắt nạt. Ảnh: iStock. |
“Chúng tôi nhận thấy một thực tế là các học sinh, sinh viên thường cảm thấy thất vọng vì không nhận được sự hỗ trợ như mong muốn khi họ giải tỏa suy nghĩ trên mạng”, nhóm nghiên cứu chỉ ra.
Mặt khác, những người trẻ trong trạng thái nhạy cảm thường dễ bị lợi dụng khi kẻ xấu giả vờ đồng cảm, chia sẻ kinh nghiệm của bản thân để chiếm lòng tin.
Báo cáo của DAUK ghi nhận trường hợp một thiếu nữ tuổi teen bắt đầu hẹn hò với người đàn ông quen trên mạng sau khi hai người cùng nói chuyện về chủ đề trầm cảm.
“Anh ta bình luận bên dưới bài đăng của cô gái và bắt đầu làm quen nhờ chia sẻ các câu chuyện tương tự. Cô gái nhanh chóng bị cuốn vào mối quan hệ. Họ chưa bao giờ gặp mặt trực tiếp nhưng may mắn thay, cô ấy đã sớm chấm dứt khi nhận ra người đàn ông nói dối về tuổi tác thật và cố tình gạ gẫm cô gửi ảnh nhạy cảm”, trích lời báo cáo.
Chris Jeffery, chủ tịch của hội nghị quy tụ 300 trường học độc lập hàng đầu ở Anh, cho biết: “Công nghệ di động và phương tiện truyền thông xã hội giờ đây là một khía cạnh không thể thiếu trong cuộc sống của người trẻ mà những người làm lĩnh vực giáo dục, đặc biệt tại các trường học không thể bỏ qua”.
“Người trẻ tỉnh táo hơn khi sử dụng mạng xã hội. Song mặt khác, việc bày tỏ, quan điểm, cảm xúc có thể trở thành trải nghiệm tồi tệ cho họ”, Chris cho hay.