Theo y học cổ truyền, húng chanh có vị cay, tính ấm mùi thơm, có tác dụng phát tán phong hàn, tiêu đờm, sát khuẩn, có tác dụng giải cảm,chữa ho, chữa cảm cúm, sốt không ra mồ hôi.
Kinh nghiệm nhân dân thường dùng lá húng chanh tươi hoặc sắc uống. Ngoài ra các cơ sở sản xuất thuốc Nam cũng thường chưng cất tinh dầu húng chanhkết hợp với một số thảo dược khác để sản xuất thuốc trị ho, cảm cúm.
Một số bài thuốc giải cảm thường dùng:
Cảm sốt, không ra mồ hôi: Húng chanh 20 g, tía tô 15 g, gừng tươi 5 g (thái lát mỏng), cam thảo đất 15 g. Sắc uống khi nước thuốc còn ấm để cho ra mồ hôi.
Chữa cảm hàn, ho, đau đầu, sốt không ra mồ hôi, miệng đắng: Lá húng chanh 15 g, bạc hà 5 g, tía tô 8 g, gừng tươi 3 lát mỏng. Sắc uống ngày 1 thang.
Húng chanh phối hợp với gừng tươi trị cảm cúm. |
Hoặc: Lá húng chanh tươi 50 g, rửa sạch, thái nhỏ, cho vào bát, đổ rượu trắng lượng vừa xâm xấp, trộn đều, đậy kín. Nấu một nồi nước xông sôi, khi nước xông sôi thì cho bát húng chanh vào, đậy kín vung nấu sôi lại, cho người bệnh xông khoảng 5-10 phút, sau đó lau khô mồ hôi, thay quần áo khác và nằm nghỉ ở nơi kín gió. Không dùng xông cho trẻ em
Ngoài ra, để chữa ho do viêm họng, khản tiếng, dùng một trong các cách sau:
- Húng chanh 30 g, rửa sạch bằng nước đun sôi để nguội, thêm vài hạt muối, nhai dập và nuốt nước dần.
- Lấy 20 g lá húng chanh tươi, rửa sạch, giã nhỏ, vắt lấy nước uống 2 lần trong ngày.
- Húng chanh tươi 20 g, rửa sạch, thái nhỏ; đường phèn 20 g. Cho hai thứ vào bát, chưng cách thủy, chắt lấy nước, uống từ từ. Bã ngậm trong miệng mút lấy nước. Mỗi ngày làm 1-2 lần.
Húng chanh phối hợp với đường phèn chữa ho, viêm họng. |
- Trẻ em khó uống thuốc có thể lấy vài lá húng chanh rửa sạch, giã nhỏ với một ít đường phèn hấp vào nồi cơm, cho trẻ uống 2-3 lần trong ngày.