Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Đánh bay ngứa khi mang thai

Khi bị ngứa phụ nữ mang thai cần tránh dùng các loại xà phòng hay dung dịch tẩy rửa mạnh và các sản phẩm chăm sóc da vì dễ gây dị ứng.

- Vợ tôi có thai con so, được 7 tháng thì thường xuyên bị ngứa, phải gãy trầy và thâm da, đi khám thì bác sĩ không dám cho thuốc vì ảnh hưởng em bé.Vậy tôi xin hỏi có giải pháp nào để khắc phục?

Bác sĩ Trần Quốc Long tư vấn:

- Theo ước tính của các nhà y học, thì có khoảng 14% số phụ nữ mang thai thường xuyên bị ngứa, đặc biệt từ tam cá nguyệt thứ 2 trở đi của thai kỳ. Ngứa khi mang thai có rất nhiều nguyên nhân như những biến đổi về sinh lý như có sự căng giãn da hay rạn da do thai lớn dần.

Nổi sẩn kèm theo tăng sắc tố, tình trạng này thường được gọi là sẩn ngứa khi mang thai. Các vị trí hay gặp nhất là vùng bụng, hai bầu vú do mô tuyến vú tăng sinh; cánh tay, mông, đùi thường do tích tụ mỡ; cẳng, bàn chân do sự đè ép của thai lên tĩnh mạch chủ dưới gây ứ trệ tuần hoàn chi dưới có thể bị phù chân.

Ngoài ra, đổ mồ hôi nhiều cũng làm xuất hiện rôm sảy, đặc biệt ở những vùng kẽ, nếp gấp da như dưới vú, háng, cổ, gáy, ngực, lưng; do thay đổi độ pH vùng âm hộ - âm đạo, khiến cho vùng này trở nên quá kiềm khi mang thai; do tăng nồng độ Estrogen và tăng sinh mạch máu ngoài da, tình trạng này thường tự biến mất sau khi sinh.

Tình trạng viêm nang lông trong thai kỳ có thể xảy ra thường không do vi trùng và thường xuất hiện trong tháng cuối của thai kỳ và gây ngứa ở những vùng có lông như vùng nhô hạ vệ, nách, vùng lông tay - chân… Do các bệnh lý mắc phải khi mang thai như: nhiễm nấm candida vùng sinh dục hay các bệnh lây truyền qua đường tình dục.

Giải pháp để khắc phục, trước hết phải được cắt cơn ngứa bằng thể chườm lạnh, hay chườm nóng và không bao giờ được gãi, vì đặc thù ngứa trong thai kỳ càng gãi thì càng ngứa, càng gãy thì kích thích gây tăng sừng, tăng sắc tố khiến vùng đó dày lên trở thành mãn tính rất khó điều trị hoặc để lại di chứng về sau.

Có thể giảm những triệu chứng khó chịu trên da bằng một số biện pháp: mặc quần áo bằng vải thoáng mát, đủ rộng, tránh ra ngoài lúc trời nắng hay ở những nơi nóng bức, tắm với nước mát, không nên lạnh quá vì có trường hợp ngứa do lạnh hoặc nước ấm để giúp giảm ngứa, tùy vào sự nhạy cảm nhiệt độ của mỗi người.

Tránh dùng các loại xà phòng hay dung dịch tẩy rửa mạnh có nồng độ xút cao, tránh dùng các sản phẩm chăm sóc da vì dễ gây dị ứng. Chú trọng tránh các thức ăn gây dị ứng trước đó.

Chế độ ăn cần đủ chất, tăng thêm dầu ôliu và các thực phẩm giàu vitamin A có trong dầu gan cá, gan, rau quả, trứng..., vitamin D có trong cá biển, dầu gan cá, các sản phẩm từ sữa…, uống đủ nước trong ngày ít nhất 1,5-2 lít.

Giảm ngứa do thay đổi pH âm đạo bằng cách giữ khô và sạch vùng sinh dục, ngâm rửa vùng sinh dục bằng các thuốc vệ sinh phụ nữ thông thường.

Nếu áp dụng các giải pháp trên mà không hết ngứa mới sử dụng thuốc. Nên nhớ rằng các thuốc chống ngứa thường bán trên thị trường là thuốc chỉ dùng cho người lớn và trẻ em trên 12 tuổi như: Loratadin, Cetirizine…

Khi sử dụng thuốc để giảm ngứa nhất thiết phải được chỉ định bởi bác sĩ chuyên khoa; có thể dùng Chlorpheniramine 4 mg, 1-2 lần trong ngày, dùng tối đa không quá 3 ngày cho đợt điều trị.

Hiện tượng này ít ảnh hưởng đến sự phát triển của thai nhi nhưng khiến mẹ khó chịu như mất ngủ, mất thẩm mỹ với trình bày ở trên hy vọng sẽ giúp anh có thêm kiến thức để chọn giải pháp cho phù hợp.

http://suckhoedoisong.vn/me-va-be/danh-bay-ngua-khi-mang-thai-20150527110450364.htm

Theo BS Trần Quốc Long/Báo Sức Khỏe Đời Sống

Bạn có thể quan tâm