Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TƯ VẤN

Đánh cắp thông tin có thể lĩnh 20 năm tù

Người đánh cắp thông tin của tổ chức, cá nhân, có thể bị phạt tiền tới 1 tỷ đồng hoặc lĩnh án tù đến 20 năm.

Qua đọc báo, tôi thấy cơ quan công an vừa khởi tố một người có hành vi xâm nhập trái phép vào mạng máy tính của một số cá nhân và tống tiền. Cơ quan điều tra tiếp tục làm rõ việc bị can này được cho là đã đánh cắp thông tin của nhiều người nổi tiếng.

Theo các quy định hiện hành, kẻ có hành vi sử dụng công nghệ cao để đánh cắp thông tin cá nhân, bí mật đời tư của người khác bị xử lý như thế nào?

Luật sư Hoàng Trọng Giáp, Đoàn Luật sư TP Hà Nội

Quyền bí mật về đời tư là một trong những quyền cơ bản của công dân, được quy định tại Điều 21 Hiến pháp 2013 và cụ thể hóa tại Điều 38 Bộ luật Dân sự 2015. Theo đó, mọi người có quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân. Bất kỳ người nào có hành vi đánh cắp thông tin, tiết lộ những thông tin đời tư cá nhân của người khác đều phạm pháp.

Về xử phạt hành chính, khoản 2 Điều 80 Nghị định 15/2020 của Chính phủ nêu rõ người nào truy cập trái phép vào mạng, thiết bị số của người khác; thay đổi, xóa bỏ thông tin lưu trữ hoặc thu thập thông tin sẽ bị phạt 30-50 triệu đồng.

Khoản 3 Điều 102 Nghị định 15 đề ra mức phạt 10-20 triệu đồng đối với các hành vi: Thu thập, xử lý và sử dụng thông tin của tổ chức, cá nhân; sử dụng thông tin số nhằm đe dọa, xuyên tạc, vu khống tổ chức, cá nhân; tiết lộ thông tin bí mật cá nhân mà chưa đến mức xử lý hình sự.

Danh cap thong tin ca nhan anh 1

Công an thực nghiệm một vụ sử dụng công nghệ cao để chiếm đoạt tài sản. Ảnh: N.H.

Về xử lý hình sự, hành vi tự ý truy cập tài khoản mạng xã hội của người khác có dấu hiệu của tội Xâm nhập trái phép vào mạng máy tính, mạng viễn thông hoặc phương tiện điện tử, quy định tại Điều 289 Bộ luật Hình sự 2015.

Theo Điều 289, người nào xâm nhập trái phép vào mạng máy tính, mạng viễn thông hoặc phương tiện điện tử của người khác chiếm quyền điều khiển; lấy cắp, thay đổi, hủy hoại, làm giả dữ liệu hoặc sử dụng trái phép các dịch vụ, thì bị phạt tiền tối đa 1 tỷ đồng hoặc phạt tù lên đến 12 năm.

Nếu người lấy cắp dữ liệu để cung cấp cho bên thứ 3 hay sử dụng trái phép những thông tin này gây hậu quả nghiêm trọng thì bị xử lý hình sự về tội Đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông, căn cứ Điều 288 Bộ luật Hình sự 2015.

Đáng chú ý, nếu người đánh cắp thông tin của tổ chức, cá nhân rồi dùng vũ lực hoặc có thủ đoạn khác uy hiếp tinh thần người khác nhằm chiếm đoạt tài sản, thì có thể bị truy cứu theo Điều 170 Bộ luật Hình sự 2015 về tội Cưỡng đoạt tài sản. Ngoài khung hình phạt tối đa 15 năm tù, người vi phạm còn có thể bị phạt bổ sung tối đa 100 triệu đồng hoặc tịch thu một phần hay toàn bộ tài sản.

Người có hành vi sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản, còn có thể bị xử lý theo Điều 290 Bộ luật Hình sự 2015 với mức phạt tối đa 20 năm tù.

Ăn chặn tiền hỗ trợ người nghèo đợt dịch, kẻ vi phạm bị xử lý ra sao?

Kẻ chiếm đoạt tài sản trị giá từ 2 triệu đồng trở lên sẽ bị xử lý hình sự, nếu giá trị tài sản chiếm đoạt trên 1 tỷ đồng thì hình phạt là án tù 20 năm, chung thân hoặc tử hình.

Hồng Đăng

Bạn có thể quan tâm