Gần đây, hình ảnh bé trai tên Long (13 tuổi, ở Thái Nguyên) bị bố đánh đến tứa máu, bầm nát thịt mông, phải nhập viện, khiến nhiều người bức xúc. Trước sự phẫn nộ của cộng đồng, ông Linh - bố Long - lên tiếng trần tình về cách dạy con của mình.
Theo ông, con trai thường xuyên trốn học, bỏ nhà đi chơi điện tử và gần đây bị nghi ăn cắp đồ tại trường học. Vì vậy, ông phải dùng biện pháp mạnh để giáo dục con nên người.
“Tôi chỉ hối hận nếu con vẫn hư hỏng khi mình làm đến mức mang tai tiếng thế này. Tôi chấp nhận tiếng ác để dạy con nên người”, người cha đánh con trai tứa máu, bầm tím mông, nói.
Đánh con nhập viện, lột trần đuổi ra đường
Trước ông Linh, không ít cha mẹ đã bị lên án khi đánh con đến thương tích, phải nhập viện hay áp dụng hình phạt phản cảm.
Tháng 4/2016, bé trai 12 tuổi tên Việt (Hải Phòng) bị mẹ bắt cởi truồng, đi lại trên đoạn đường đông người vì ăn cắp 500.000 đồng. Mông cậu bé còn hằn nhiều vết roi của trận đòn đau.
Người mẹ đứng gần, tay lăm lăm cây roi, liên tục nhiếc móc con, mặc cho người xung quanh khuyên can.
Trước đó không lâu, clip ghi cảnh người mẹ dùng tay đánh liên tiếp vào mặt con trước sự chứng kiến của nhiều người lan truyền trên mạng xã hội. Trong clip, cậu bé mặc đồng phục học sinh không hề phản kháng, chỉ cúi đầu, khoanh tay và chịu đòn như tỏ ra hối lỗi.
Năm 2014, một bé gái 4 tuổi tại Bình Dương bị cha mẹ trói, đánh và bắt quỳ suốt 4 tiếng đồng hồ chỉ vì em đùa nghịch. Hậu quả, bé bị chấn thương sọ não.
Theo số liệu của Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (Unicef), gần 3/4 trẻ em từ 2-14 tuổi bị cha mẹ, người chăm sóc và những thành viên khác trong gia đình trừng phạt bằng bạo lực.
Gần 1/4 phụ nữ có con dưới 15 tuổi cho biết họ phải chứng kiến chồng mình có hành vi bạo lực với con cái. Từ năm 2006-2011, khoảng 5.600 vụ lạm dụng tình dục trẻ em được báo công an. Những thống kê đó phần nào cho thấy thực tế nhiều phụ huynh sẵn sàng "thượng cẳng chân, hạ cẳng tay" với con trẻ.
Bé trai 12 tuổi bị mẹ lột truồng, bắt đi lại giữa đường tại Hải Phòng. Ảnh: Thùy Linh. |
Sai hoàn toàn khi dạy con bằng bạo lực
Theo bà Hương Thu - Giám đốc Trung tâm cung cấp giải pháp hỗ trợ bà mẹ và trẻ em - hành động đánh con đến tứa máu là sai hoàn toàn. Bố mẹ không thể thay đổi con nên mới dùng đến bạo lực để xử lý vấn đề.
Bà Hương cho rằng phụ huynh phải dùng đòn roi nghĩa là họ bất lực với con cái. Điều này cũng thể hiện sự thiếu hiểu biết về tâm, sinh lý con trẻ của người lớn.
Những trận đòn đau sẽ không giúp trẻ ngoan mà còn khiến chúng có xu hướng bạo lực, lì lợm. Các em sẽ thường xuyên tìm cách gây sự, chống đối.
Nhìn nhận vấn đề dưới góc độ pháp lý, luật sư Vũ Tiến Vinh - Giám đốc Công ty Luật Bảo An (Hà Nội), cho biết Bộ luật Dân sự, Luật Bảo vệ, Chăm sóc và Giáo dục Trẻ em nghiêm cấm hành vi xâm phạm danh dự, nhân phẩm của trẻ.
Tùy theo mức độ, người vi phạm có thể bị nhắc nhở, cảnh cáo hoặc xử phạt hành chính. Nếu gây hậu quả nghiêm trọng, cha mẹ có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Làm nhục người khác.
Ông Vinh cũng cho rằng đây là cách làm để lại hậu quả xấu đến tâm lý của trẻ trong việc tự nhận ra lỗi lầm và sửa sai sau này.
Chia sẻ quan điểm trên, luật sư Đắc Thị Hoa (công tác tại một văn phòng luật sư tại Hà Nội) nêu quan điểm hành động đánh đập không giúp thể hiện vai trò của bố mẹ với con.
“Đây cũng là bài học cho những người làm cha mẹ. Họ phải có trách nhiệm với việc sinh ra một đứa trẻ, dạy dỗ thành người chứ không phải huấn luyện như thú nuôi”, bà Hoa nói.
Bà Hương Thu thì khuyên trước khi đánh con, bố mẹ phải tự hỏi rằng mình đã dạy dỗ tốt chưa. Nếu chưa, phụ huynh không có quyền nổi giận, bắt con phải chịu những đòn roi, khiến chúng bị tổn thương về mặt thể xác và tâm lý.
Ngoài ra, nữ giám đốc cho rằng bố mẹ nên tìm hiểu lý do con trốn học đi chơi hay lấy đồ của người khác..., trước khi đánh chúng "thừa sống thiếu chết".
Điều 49 (Nghị định số 167/2013/NĐ-CP), hành vi xâm hại sức khỏe thành viên gia đình:
1. Phạt tiền từ 1 triệu đồng đến 1,5 triệu đồng đối với hành vi đánh đập gây thương tích cho thành viên gia đình.
2. Phạt tiền từ 1,5 triệu đồng đến 2 triệu đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
a) Sử dụng các công cụ, phương tiện hoặc các vật dụng khác gây thương tích cho thành viên gia đình;
b) Không kịp thời đưa nạn nhân đi cấp cứu điều trị trong trường hợp nạn nhân cần được cấp cứu hoặc không chăm sóc nạn nhân trong thời gian điều trị chấn thương do hành vi bạo lực gia đình, trừ trường hợp nạn nhân từ chối.
3. Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc xin lỗi công khai khi nạn nhân có yêu cầu đối với các hành vi quy định tại khoản 1 và khoản 2 tại điều này.