Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Đánh cược mạng sống với ‘bác sĩ Google’

Dù các bác sĩ đã có nhiều cảnh báo về hậu quả đáng tiếc của “bác sĩ Google”, những lời cảnh tỉnh đó vẫn chưa đủ để người bệnh nhận thức đúng đắn và rút ra bài học cho bản thân.

Nhằm khẳng định chắc chắn một lần nữa về quan điểm chữa bệnh theo Google (GG) là sai lầm, bác sĩ (BS) Trương Hữu Khanh, chủ fanpage “Hỏi BS nhi đồng”, Trưởng khoa Nhiễm, Bệnh viện (BV) Nhi đồng 1 TP.HCM và PGT.TS Phạm Duệ, nguyên Giám đốc trung tâm chống độc, BV Bạch Mai (Hà Nội) đã chia sẻ nhiều ý kiến xung quanh vấn đề này.

Google mở, phải biết chọn lọc

- Thưa BS, hiện nay trên mạng xã hội xuất hiện rất nhiều những trang web chữa bệnh từ Đông y đến Tây y. Thậm chí có nhiều người cực đoan cho rằng thời đại công nghệ tiên tiến, chỉ cần lên mạng tìm sẽ ra cách chữa bệnh, không cần đi BV, uống thuốc theo toa. Vậy theo BS, nguyên nhân từ đâu dẫn đến tình trạng này?

- PGS.TS Phạm Duệ: Thực ra hiện nay có rất nhiều nguyên nhân khiến việc chữa bệnh theo GG trở thành trào lưu.

Thứ nhất, BV quá tải, người bệnh lười đi BV, ngại BV đông người phải chờ lâu. Thứ hai, do bệnh nhân tiếc tiền, sợ tốn kém và nghĩ bệnh của mình chỉ là bệnh nhẹ, không cần đi BV.

GG là một mạng mở, ai muốn đưa gì lên đó cũng được, tìm thứ gì trên GG cũng có, bách bệnh hỏi GG đều ra. Thế nhưng nguồn gốc, độ xác thực lại không ai kiểm chứng. Vì người bệnh đang cần chữa trị, đang lưỡng lự thì bắt gặp những bài viết khen ngợi trên mạng, những bình luận tích cực về phương pháp chữa bệnh mà họ đang cần. Vì vậy họ tin rồi làm theo mà không cần đắn đo gì.

Tac hai cua bac si Google anh 1
Theo BS Trương Hữu Khanh, việc nhờ Google chữa bệnh mà không có sự tư vấn của BS có thể gây nguy hiểm cho sức khỏe và cả tính mạng, đặc biệt là chữa cho bệnh nhi. (Ảnh minh họa)

- BS nghĩ “BS GG” có điểm tích cực và tiêu cực gì? Và tin theo các phương pháp chữa bệnh trên mạng là đúng hay sai?

- BS Trương Hữu Khanh: Như tôi đã nói, GG là một hệ thống mở, cần tìm hiểu gì cũng có, tra được và trả kết quả rất nhanh. Bên cạnh đó, trên các cổng thông tin, trang web BV uy tín vẫn có những bài viết sức khỏe, bài nghiên cứu từ các giáo sư, BS hàng đầu... luôn giúp người bệnh có những kiến thức đúng đắn về bệnh tật. Đây chính là mặt tích cực của nó. Có điều tích cực có một thì tiêu cực từ tác dụng phụ lại có 10.

Đã có không ít người bệnh bị nhầm lẫn hoặc trục trặc khi tra mạng để tự chẩn đoán và điều trị. Do người bệnh tự nói, tự cảm nhận và mô tả khá chủ quan, thiếu chính xác triệu chứng bệnh, do đó thầy thuốc trên mạng cũng chẩn đoán bậy đi. Các phương pháp chữa bệnh quái dị như cho đỉa hút mụn, rộp nám da thì chà lá trầu không, trẻ viêm tai giữa nhỏ dầu mè vào tai, hay sốt thì mua lươn về cho bò trên lưng sẽ khỏi… là những cách chữa bệnh quá sức phản khoa học, thậm chí có thể khiến bệnh nhân nhiễm trùng, làm tình trạng bệnh thêm nặng.

Tự cướp mất cơ hội chữa trị

- Chữa bệnh bằng GG gây ra những nguy hiểm gì, thưa BS?

- BS Trương Hữu Khanh: Trong y học, mỗi bệnh sẽ có một phác đồ điều trị riêng. Tuy nhiên, theo khẩu hiệu trong y học tiên tiến bây giờ, BS phải cá thể hóa những bệnh nhất định. Có thể cùng một bệnh sốt siêu vi nhưng người A sẽ được điều trị khác và người B lại có phác đồ điều trị khác.

Tùy vào cơ địa từng người sẽ có từng loại thuốc khác nhau, có thời gian theo dõi và chỉ định khác nhau. Do đó, tin theo phương pháp chung trên mạng mà áp dụng cho nhiều người là ẩu, quá nguy hiểm cho người bệnh, không những mang bệnh đến nặng hơn mà sẽ vô tình tước mất cơ hội được sống, được điều trị tốt tại BV.

- Vậy làm cách nào để dẹp bỏ những phương pháp này?

- BS Trương Hữu Khanh: Việc cấm hay dẹp những phương pháp lan truyền trên mạng là rất khó và không thể vì đó là quyền tự do ngôn luận của họ. Cũng giống như phong trào anti vaccine, dù tổ chức thế giới, khoa học và thực tế cho thấy vaccine đã đẩy lùi rất nhiều dịch bệnh, thanh toán một số dịch bệnh suốt mấy chục năm qua nhưng chỉ vì một số đối tượng kích động, một bộ phận nhỏ những gia đình chịu biến chứng từ vaccine mà nhiều người có những quan điểm trái chiều về vaccine.

Họ lập nên hội anti-vaccine, đưa ra rất nhiều bài viết khẳng định vaccine có hại mà họ tìm được ở bất cứ đâu. Họ lôi kéo những người trung gian, những bà mẹ có con nhỏ đang dao động đi theo và tạo nên phong trào rất nguy hiểm là anti-vaccine. Dù biết họ sai, chúng ta không có quyền cấm, chúng ta chỉ có nhiệm vụ đưa thông tin đúng nhất, định hướng dư luận đến với quan điểm chính xác nhất mà thôi.

- Qua đây BS có lời cảnh báo gì dành cho các bệnh nhân?

- BS Trương Hữu Khanh: Với chữa bệnh theo BS GG, chúng ta cần cho người dân thấy được hậu quả vô cùng lớn từ việc chữa bệnh phản khoa học này. Làm sao cho người dân biết cần đọc thông tin nhiều nguồn. Tìm hiểu rõ nguồn gốc từ đâu, kiểm định lại chính xác, tránh việc tự chữa rồi sẽ gánh hậu quả.

Đồng thời phải hiểu sức khỏe là vốn quý của con người, do đó có bệnh phải đến BS, tin vào BS, tập thói quen khám sức khỏe định kỳ để được theo dõi sức khỏe tốt nhất. Không nên tin vào các “BS GG” để đến ngày BS thật cũng phải bó tay với bệnh tật.

Bác sĩ “ấn ấn độ độ” khiến bệnh nhân suýt bị tháo khớp ngón chân

Mấy hôm trước, vừa ngủ dậy, định xếp đồ đi công tác thì tôi nhận điện thoại đứa cháu gái: “Cậu ơi, BS nói phải tháo khớp ngón chân của ngoại vì hoại tử rồi nhưng cũng có thể BS sẽ lóc hết phần thịt ngón chân của ngoại, chỉ còn xương thôi”. Tôi nhận tin mà thiếu điều muốn rớt cái máy ảnh xuống nền nhà.

Ba tuần trước má nói ngón chân bị cồi cá, BS ở huyện khuyên nên tiểu phẫu để lấy dị vật ra. Tôi đồng ý vì cứ nghĩ đây chỉ là một thủ thuật nhỏ, không cần phải đến chuyên khoa da liễu bởi điều dưỡng cũng có thể làm được chứ cần gì tới BS hay phải vào TP.HCM. Má cắt gọt phần cồi cá xong, sáng, chiều nào cũng có người chở đến BV rửa vết thương, thay băng mấy tuần thì giờ bất ngờ nghe tin như sét đánh.

Nhỏ cháu còn nói nguyên văn lời ông BS: “Nguyên nhân là do bác đi lại, di chuyển quá nhiều nên khô đầu ngón, hoại tử rồi”. Bà má hoang mang cực độ, cả nhà cũng vô cùng lo lắng. Chuyến xe tốc hành đưa má vào TP.HCM để may ra còn có thể cứu vãn được gì. Vị giáo sư BS ở đây sau khi nhìn, nghe, sờ, bắt mạch rồi so sánh màu sắc hai bàn chân của má đúng… 30 giây liền nói như đinh đóng cột: “Uống thuốc hai ngày sẽ hết”. Rồi ông giải thích có thể BS ở ngoài đó bắt mạch không được nên sợ quá phán bừa. Má uống thuốc hai ngày thì… hết thiệt.

Vị BS cho biết cồi cá dễ chữa, chỉ cần dán acid salicylic 40% để làm tiêu sừng; đốt điện hoặc đốt laser; chấm azote lỏng. BS có thể dùng dao xén tỉa bớt chỗ da quá dày, cộm lên và có thể ngâm nước cho da mềm, dùng loại đá xốp nhám mài cho da mỏng.

Mình cũng chẳng dám trách móc gì vị BS “ngoài đó” nhưng với cách khám kiểu Ấn Độ (ấn ấn rồi độ bệnh) và kết luận vô tội vạ khiến bệnh nhân hoang mang là không ổn rồi.

Tụi con mừng cho má đã không bị tháo khớp và cũng nhắn luôn vị BS “ngoài đó” rằng di chuyển, đi lại nhiều giúp lưu thông máu huyết chứ sao lại hoại tử được.


http://plo.vn/xa-hoi/khoe-360/danh-cuoc-mang-song-voi-bs-google-715408.html

Theo Hải Âu / Pháp Luật TP.HCM

Bạn có thể quan tâm