Chiếc SUV 5+2 Mitsubishi Outlander đáp ứng được nhu cầu phục vụ gia đình hoặc những chuyến dã ngoại cùng bạn bè nhưng không phải là mẫu xe thú vị.
Mitsubishi Outlander 2020 là gương mặt mới nhất của hãng xe Nhật Bản ra mắt thị trường Việt Nam trong năm nay. Thực tế, đây là phiên bản nâng cấp giữa vòng đời với một số thay đổi nhẹ ở ngoại hình cũng như bổ sung thêm các tính năng an toàn.
Thoạt nhìn, rất khó phân biệt Mitsubishi Outlander 2020 và thế hệ cũ. Liệu những nâng cấp mới trên mẫu xe này có khiến nó vượt trội hơn đời trước, hay xa hơn là có đủ sức bám đuổi các đối thủ khác sau thời gian dài bị vượt mặt về cả công nghệ lẫn kiểu dáng?
Trong một hành trình có đầy đủ các loại địa hình từ đường phố, đường cao tốc, đường đèo núi, chúng tôi đã có những đánh giá về khả năng vận hành cũng như ưu và nhược điểm của Mitsubishi Outlander 2020.
Mẫu SUV có 2 phiên bản gồm 2.0 CVT và 2.0 CVT Premium, giá bán lần lượt là 825 và 950 triệu đồng. Bổ sung trang bị cũng đồng nghĩa với giá bán của Outlander 2020 cao hơn đôi chút so với thế hệ cũ (808-942 triệu đồng). Chiếc xe được chúng tôi sử dụng trong hành trình này là phiên bản cao cấp nhất.
Ở ngoại thất, điểm nhấn đáng chú ý trên Outlander thế hệ mới là mặt lưới tản nhiệt được thiết kế lại theo dạng tổ ong trông thể thao và phong cách hơn, trong khi ở thế hệ cũ chỉ là 2 thanh ngang đơn giản. Những đường dập nổi trên nắp ca-pô kết hợp với hai thanh ngang mạ chrome cỡ lớn trên lưới tản nhiệt nối liền cụm đèn chiếu sáng.
Nhìn chung, ngoại hình của Mitsubishi Outlander 2020 không quá khác biệt so với tiền nhiệm. Ngoài lưới tản nhiệt được tái thiết kế, điểm để nhận diện Outlander 2020 so với đời trước chỉ nằm ở vài chi tiết như bộ mâm đúc hợp kim đa chấu 18 inch thiết kế 8 chấu 2 tone màu thể thao hơn. Phía sau có thêm cánh gió là trang bị tiêu chuẩn.
SUV đô thị là khái niệm chính xác nhất để miêu tả về Mitsubishi Outlander. Ngoại hình của mẫu SUV 5+2 đã nói lên điều đó. Outlander 2020 không phải là một chiếc xe với các đường dập nổi đầy cơ bắp, nó khá trung tính và thật sự không ấn tượng đối với tôi, ngay cả khi so với những chiếc Mitsubishi khác.
Chiếc xe vẫn thừa hưởng ngôn ngữ Dynamic Shield nhưng hiền hơn những người anh em khác trong gia đình như Triton, Pajero Sport hay Xpander. Nếu được nâng cấp mạnh tay hơn, có lẽ Outlander sẽ thêm phần hấp dẫn.
Gầm xe 190 mm, thấp hơn đối thủ Honda CR-V 8 mm, không quá cao để tự tin di chuyển trên địa hình phức tạp. Nhìn chung xe phù hợp chạy đường bằng phẳng hơn là những con đường off-road.
Với người dùng tìm kiếm một mẫu SUV có thiết kế thể thao với các đường nét sắc cạnh, Honda CR-V hay Mazda CX-5 sẽ là những lựa chọn hợp lý hơn. Nếu không quá quan tâm tới thiết kế bên ngoài, quan trọng là đủ sức phục vụ cho gia đình, Mitsubishi Outlander hoàn toàn có thể đáp ứng.
Cách bố trí bên trong cabin không thay đổi so với trước nhưng có thêm các trang bị, tính năng mới. Dù là phiên bản nâng cấp giữa vòng đời, những trang bị tiện nghi trên Mitsubishi Outlander ở mức đủ dùng, không nổi trội so với đối thủ cùng phân khúc.
Xe có chức năng đóng mở một chạm trên tất cả các cửa sổ, trong khi trước đây chỉ có ở cửa sổ ghế lái. Ghế lái bọc da, chỉnh điện 10 hướng bao gồm hệ thống chỉnh điện đệm lưng. Bảng tablo và cụm điều khiển trung tâm được thiết kế hướng về phía người lái, giúp dễ dàng thao tác hơn. Ngược lại khi ngồi ghế phụ, sử dụng màn hình cảm ứng khá khó chịu.
Hệ thống thông tin giải trí nổi bật với màn hình đa thông tin mới kích thước 7.0 inch, trong khi ở thế hệ cũ là 6.75 inch. Kết nối Apple CarPlay và Android Auto, cụm nút điều khiển âm thanh cảm ứng.
Xét về mặt thẩm mỹ cũng như tiện lợi, cụm thông tin giải trí trên Outlander không gây ấn tượng. Màn hình trung tâm có thiết kế khá đơn điệu, đồ họa ở mức dễ nhìn chứ không quá lung linh và không "Hi-Tech".
Việc bố trí cửa điều hòa sát với cụm nút điều khiển ở màn hình còn gây một chút bất tiện khi sử dụng. Người lái khi điều chỉnh cửa gió, có thể vô tình chạm vào các nút cảm ứng chỉnh âm thanh. Tôi vẫn sẽ thích hơn nếu các nút âm lượng ở dạng cơ, quan trọng là tiện dụng.
Mitsubishi Outlander 2.0 CVT Premium sử dụng hệ thống chiếu sáng full LED có tích hợp rửa đèn. Phiên bản này còn có đèn pha tự động và gạt mưa tự động, vốn không trang bị trên thế hệ trước. Tầm chiếu sáng khi đi ban đêm của chiếc xe rộng, cho tầm nhìn tốt.
Xe sử dụng khóa thông minh và khởi động bằng nút bấm, trang bị phổ biến trên thị trường. Hàng ghế thứ 2 của xe có cửa điều hòa được thiết kế lại và 2 cổng sạc USB. Cốp chỉnh điện hoạt động tốt, hiệu quả cho những chuyến đi cần mang nhiều hành lý.
Khoang hành lý của xe ở mức 477 lít khi hàng ghế thứ ba gập xuống. Dung tích này giúp Outlander trở thành một trong những lựa chọn thiết thực nhất cho gia đình trong phân khúc của mình. Khi ngồi đủ 3 hàng ghế, khu vực hành lý vẫn để được một vài túi xách.
Mitsubishi Outlander 2020 có kích thước dài x rộng x cao lần lượt là 4.695 x 1.810 x 1.710 mm. Nếu so với đối thủ Honda CR-V, mẫu xe này dài hơn 111 mm, hẹp hơn 45 mm và cao hơn 31 mm, trục cơ sở của Outlander cũng dài hơn Honda CR-V 10 mm. Kích thước này giúp khoang nội thất của Mitsubishi Outlander rộng rãi và thoải mái hơn Honda CR-V, đặc biệt là hàng ghế cuối.
Với thiết kế 5+2, khó đòi hỏi sự rộng rãi ở hàng ghế sau cùng. Không như những quốc gia khác, hàng ghế cuối chỉ dành cho trẻ em, người dùng Việt Nam thường sử dụng tối đa số chỗ ngồi trên xe nên không tránh khỏi trường hợp hành khách sau cùng cảm thấy chật chội. Outlander có hàng ghế cuối không tệ.
“Hàng ghế cuối cũng không quá chật như suy nghĩ ban đầu, khoảng gối vẫn đủ và trần dư khá nhiều” - anh bạn cao 180 cm và nặng 80 kg ngồi cuối xe lên tiếng khi tôi hỏi về cảm giác ngồi hàng ghế thứ 3 của Mitsubishi Outlander. Tất nhiên với một chặng đường dài, việc ngồi đúng tư thế với hàng ghế thứ 3 sẽ gây rất nhiều mỏi mệt.
Hàng ghế đầu tiên có thể ngả phẳng hết cỡ, kết hợp cùng hàng ghế thứ 2 tạo thành một chiếc giường mini. Đây cũng là một giải pháp nếu muốn nghỉ ngơi thoải mái trên xe, thậm chí nằm ngủ dễ dàng.
Một ưu điểm khác của Mitsubishi Outlander chính là khả năng cách âm. Ở thế hệ mới, Mitsubishi Outlander trang bị kính chắn gió phía trước dày kết hợp với nhiều lớp hấp thụ âm thanh, ngăn chặn tiếng ồn bên ngoài và giúp cho cabin yên tĩnh hơn. Có thể nói khả năng cách âm của mẫu SUV này khi đi trên phố là rất ấn tượng.
Khi chạy trên cao tốc, vẫn có tiếng ồn từ mặt đường dội vào cabin, tuy nhiên không đáng kể. Tôi và bạn đồng hành vẫn cảm thấy được sự thoải mái và yên tĩnh bên trong xe. Tất nhiên, không thể đòi hỏi một mẫu SUV bình dân có độ cách âm hoàn hảo và riêng tư tuyệt đối như một chiếc xe sang vài tỷ đồng.
Trang bị an toàn mới trên Mitsubishi Outlander CVT Premium 2020 gồm có 7 túi khí, phanh tay điện tử và giữ phanh tự động, cảm biến lùi, cảnh báo điểm mù, cảnh báo phương tiện cắt ngang khi lùi, móc ghế an toàn cho trẻ em ISO FIX. Những nâng cấp về an toàn là khá đầy đủ.
Nếu so với đối thủ Honda CR-V, Mitsubishi Outlander 2020 vượt trội hơn khi có cảnh báo điểm mù và cảnh báo phương tiện cắt ngang khi lùi, nhưng thua thiệt không có hệ thống hỗ trợ lực phanh khẩn cấp và cảnh báo mất tập trung. Trong khi các tính năng như phanh tay điện tử hay hỗ trợ giữ phanh tự động đã được đối thủ áp dụng từ lâu.
Một điểm gây thích thú cho tôi đi vận hành Mitsubishi Outlander 2.0 CVT Premium là vô lăng trợ lực điện khá nhẹ. Điều này giúp việc điều khiển chiếc xe dễ dàng hơn. Kết hợp với bán kính vòng quay tối thiểu ở mức 5,3 m khiến chiếc xe xoay trở khá linh hoạt trên phố.
Tuy nhiên vô lăng nhẹ cũng có hạn chế nhất định. Khi di chuyển với tốc độ cao hay khi băng qua những đoạn đường xấu, người lái sẽ cảm thấy tự tin hơn nếu vô lăng chắc chắn hơn.
Đoạn đường ven biển Hồ Tràm - Hồ Cốc với đầy nắng và gió là một nơi lý tưởng để lưu lại những bức hình đẹp. Đây cũng là điểm đến thích hợp để trải nghiệm tính năng lẫy chuyển số sau vô lăng - trang bị mới được nâng cấp trên Mitsubishi Outlander thế hệ mới.
Theo nhà sản xuất, lẫy chuyển số giả lập 6 cấp của Mitsubishi Outlander giúp người lái chủ động hơn ở các pha tăng tốc hay vượt mặt. Dù ít khi dùng đến tính năng này, tôi vẫn phải làm rõ nó được trang bị chỉ để làm đẹp cho vô lăng hay có tác dụng thực sự.
Vẩy lẫy chuyển số, vòng tua của xe tăng cao, tôi kỳ vọng một pha bứt tốc ngoạn mục để vượt xe hay đơn giản là một cảm giác lái thú vị hơn. Mọi thứ không như tôi nghĩ. Thực tế vận hành cho thấy hiệu quả của lẫy chuyển số khi tăng tốc không vượt trội nếu so với khi chạy bình thường ở cấp số D, hoặc có thể hộp số tự động trên xe đã làm tốt nhiệm vụ. Mitsubishi Outlander không phải là một chiếc xe khuynh hướng thể thao nên khó tạo cảm giác phấn khích sau vô lăng.
Để đánh giá hoàn thiện khả năng vận hành của chiếc xe, chúng tôi quyết định chọn một thử thách khó khăn hơn - một cung đường đèo với nhiều khúc cua quanh co và độ dốc lớn.
Khối động cơ xăng 2.0L MIVEC, có công suất 145 mã lực và mô-men xoắn 196 Nm có cảm giác hơi gồng khi đi trên đường đồi núi. Tiếng động cơ gầm rú nhiều hơn khi tua máy chạm mốc 4.000 vòng/phút nhưng tốc độ tăng khá chậm ở những đoạn dốc. Rất khó để Mitsubishi Outlander có những pha qua mặt dứt khoát trên đường đèo, đặc biệt khi có đến 5 người trên xe. Thay vì thốc ga để ép chiếc xe phải mạnh mẽ như mong muốn, tôi giữ đều chân ga và dành thời gian để tận hưởng con đường quanh co.
Người bạn đồng hành của tôi có vẻ thích kiểu chạy nhẹ nhàng, cô có thêm thời gian để ngắm nhìn cảnh đẹp trên đường đi. Với tôi, động cơ của Mitsubishi Outlander không phải quá tệ hại, nó mang lại cảm giác chững chạc của một trung niên đã qua tuổi bốc đồng. Bạn muốn tốc độ, bạn sẽ không thể ngắm cảnh, nếu muốn ngắm cảnh, hãy cứ từ tốn và để chiếc xe đưa bạn đến những nơi tuyệt vời một cách nhẹ nhàng và êm ái nhất.
Khối động cơ 2.0L trên Mitsubishi Outlander 2020 là vừa đủ để chiếc xe nặng 1.535 kg vượt qua những cung đường phức tạp. Những chiếc xe hạng A cũng có thể làm được điều này. Bạn cần làm quen với “phong thái” nhẹ nhàng của chiếc xe, đặc biệt khi nó còn trang bị hộp số CVT.
Chiếc xe không thể thao, nhưng nó trơn tru và dễ điều khiển. Quan trọng hơn, nó mang đến một lợi ích kinh tế mà không ít người dùng để tâm. Mức tiêu hao nhiên liệu trung bình trên đường hỗn hợp của Mitsubishi Outlander 2.0 CVT Premium là 7,3 lít/100 km, một con số tương đối tiết kiệm.
Với những người không quá chú trọng vào tính thể thao hay khả năng vượt địa hình, Mitsubishi Outlander là mẫu xe lý tưởng, đủ sức phục vụ nhu cầu đi lại của gia đình hoặc những chuyến đi dã ngoại cùng bạn bè. Đoàn chúng tôi tới đích an toàn và không vội vã, dựng lều, nhóm lửa và ngắm nhìn mặt trời dần khuất sau đỉnh núi.
Tiếng cười nói, tiếng đàn guitar và ngọn lửa tí tách phá vỡ không gian tĩnh mịch của vùng núi rừng hẻo lánh. Nước sơn đen bóng giờ đã được bao bởi một lớp bụi đường dày đặc. Chiếc Mitsubishi Outlander nghỉ ngơi sau một ngày dài. Nó đã hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình, một cách tròn vai, vừa đủ.
“Bạn không cảm thấy phấn khích sau vô lăng, điều này chấp nhận được. Nhưng có điểm gì khác để bù đắp không? Hoàn toàn không. Ưu điểm: to hơn, thân thiện hơn, phong cách hơn. Khuyết điểm: chiếc xe không ấn tượng”. Đó là những đánh giá ngắn gọn của trang xe nổi tiếng Top Gear dành cho Mitsubishi Outlander, cùng số điểm 5/10.
Với những gì trải nghiệm được sau hành trình, chúng tôi cho rằng Mitsubishi Outlander vẫn phần nào tạo được dấu ấn của riêng mình và xứng đáng với số điểm 6/10.
Giá bán 825-950 triệu của Mitsubishi Outlander được xem là vừa phải trong phân khúc, đây cũng được coi là một ưu điểm. Các mẫu xe đối thủ như Hyundai Tucson (769-905 triệu đồng), Mazda CX-5 (899-1,149 tỷ đồng) chỉ có 5 chỗ ngồi, Honda CR-V lại có giá cao hơn đáng kể (983 triệu-1,093 tỷ đồng).
Mitsubishi Outlander có những lợi thế riêng về vận hành, cách âm và không gian bên trong, vẫn tạo được sức hấp dẫn đối với một nhóm khách hàng nhất định, đặc biệt là những ai không quá chú trọng vào tính thể thao hay công nghệ an toàn chủ động, mà đề cao sự êm ái và tiết kiệm.
Với những người thích một chiếc xe thú vị, có lẽ Outlander không phải là lựa chọn. Vô lăng quá nhẹ giảm đi cảm giác lái, kiểu tăng tốc chầm chậm, hệ thống treo cũng thiên về êm ái và không khiến người lái có cảm giác thể thao, dù nó mang lại cảm giác dễ chịu cho người ngồi hàng ghế sau. Không gian nội thất và cả thiết kế ngoại thất cũng không mang lại nhiều cảm hứng khi cầm lái.
Mitsubishi Outlander thiếu đi những điểm mạnh đã tạo nên sự thành công của Xpander hay Triton, đó là thiết kế đẹp và hiệu quả khi sử dụng, có lẽ sẽ không phải là lựa chọn nổi bật nhất trong phân khúc. Tất nhiên với những khách hàng chú trọng tới sự đơn giản và thực dụng, thì đây vẫn là một mẫu xe đáng được lái thử.