Mới đây, một diễn đàn lớn dành cho giới trẻ đăng tải câu chuyện chàng trai trong ngày đưa người yêu về nhà ra mắt gia đình. Lần đầu tiên đến nhà bạn trai, cô gái xuống bếp phụ giúp làm cơm, song kết quả lại không như ý muốn.
Tuy nhiên, chàng trai lại chụp ảnh và đưa lên mạng xã hội cùng lời lẽ chê bai, phản cảm. Bức hình nhanh chóng thu hút sự quan tâm của giới trẻ và nhận được các ý kiến trái chiều.
Chàng trai chê bai bạn gái vì không biết làm vịt trong ngày đầu về ra mắt bố mẹ người yêu. |
Con gái vụng bếp núc không đáng bị lên án
Phần lớn ý kiến phản đối việc anh chàng trong bài viết dùng từ ngữ nặng nề để nói về bạn gái. Nhiều bạn đọc nhận định, việc nấu nướng là của cả hai phái. Nhà bếp giờ đây không chỉ còn là “lãnh địa riêng" của phụ nữ.
Hàn Nguyệt cảm thấy kỳ lạ trước suy nghĩ của chàng trai khi cho rằng, bạn gái nấu ăn kém là “tội nặng”. Từ bao giờ, biết làm lông vịt trở thành thước đo "công - dung - ngôn - hạnh" của phái đẹp?
Cô gái này kể: “Tôi đi học cả ngày, bạn trai cũng thế. Cả hai đều vất vả như nhau. Những hôm về sớm hơn, anh thường chủ động đi chợ.
Tối về, tôi nấu đồ ăn, anh nhặt rau. Tôi quét nhà, anh rửa chén dĩa. Khi ăn cơm, cả hai trò chuyện, hỏi han công việc của nhau, không khí trong nhà luôn vui vẻ.
Lần đầu tôi tới nhà anh, mẹ anh nhất quyết không cho xuống bếp. Anh phải nói khó để tôi phụ dọn bàn, pha nước chấm, gọt hoa quả. Hóa ra tôi sai à?
Vậy mà hai đứa vẫn vui vẻ và tình yêu của chúng tôi đã kéo dài 3 năm. Thỉnh thoảng, bác gái vẫn gọi tám với tôi, nhờ tôi nhắc nhở anh và yêu cầu anh chăm sóc tôi chu đáo”.
Nữ sinh khẳng định, biết nấu nướng không quan trọng bằng việc hai người quan tâm, yêu thương và san sẻ công việc với nhau.
Con gái không đáng bị lên án chỉ vì chuyện bếp núc. Đồ họa: Phượng Nguyễn. |
Đồng ý với ý kiến trên, Lyn Lê thắc mắc tại sao chàng trai không cùng người yêu vào bếp? Đàn ông không nên soi xét và đánh giá bạn gái qua việc nấu ăn.
“Cũng như vậy, các cô gái không yêu cầu ở chàng trai biết sửa nhà, sửa xe, đóng đinh, khoan tường. Đồng ý rằng, con gái nên biết nấu ăn để tự tập và chăm sóc gia đình, nhưng có thể học dần.
Bạn trai hãy chia sẻ và cổ vũ cô gái của mình. Khi đưa người yêu về, nếu cô ấy nấu ăn 'đẳng cấp' cao thì để tự thể hiện. Nếu không thì nhờ mẹ hay chị, hoặc tự tay phụ trợ. Có phải tất cả vui vẻ, lại giữ được hòa khí không?”, thành viên này cho hay.
Còn Trinh Truong khẳng định, về nhà người yêu, cô chỉ phụ nhặt rau, dọn bàn, rửa chén, vì khẩu vị mỗi gia đình một khác.
“Không biết nấu ăn chẳng có gì đáng phê phán cả. Giờ ngoài hàng có dịch vụ làm sạch vịt, gà, mổ cá sẵn, về chỉ cần chế biến. Nhiều chỗ làm sẵn về chỉ dọn ra đĩa. Làm bếp mắc công lắm, không hợp miệng sẽ bị nhận xét dở nữa”, cô gái chia sẻ.
Phụ nữ hiện đại không cần đứng trong bếp
Trên mạng xã hội, các bình luận đều cho rằng, con gái hiện đại dành nhiều thời gian để học tập, lo sự nghiệp, làm kinh tế, vất vả không kém con trai.
Nguyễn Minh Ngọc (ĐH Công nghệ TP HCM) chia sẻ quan điểm, đàn ông luôn muốn cưới được vợ đẹp, biết kiếm tiền, giỏi bếp núc, tính tình hiền dịu…, nhưng rất khó để tìm người toàn vẹn như vậy.
“Đánh giá công dung người ta qua mỗi con vịt là sai rồi. Con gái đến ra mắt nhà bạn trai là khách, đáng lẽ chủ nhà phải làm cơm, nấu nướng, tiếp đãi cẩn thận. Những bạn trai chê bai như vậy về sau không bao giờ có ý niệm chia sẻ việc nhà với vợ đâu”, Minh Ngọc nói.
Nữ sinh cũng nhận định, thời đại ngày nay cần kinh tế. Phái đẹp hàng ngày vất vả trong công việc, chịu nhiều áp lực ở cơ quan, các mối quan hệ với đồng nghiệp, sếp, đối tác, phụ nữ hiện đại không cần đứng bếp. Nếu về nhà lại gặp thêm một đức lang quân chỉ chăm chăm soi xét, chê ỏng chê eo sẽ càng thêm mệt mỏi.
Đỗ Minh Đức - 25 tuổi, nhân viên kế toán - hài hước cho rằng, thời đại nào rồi còn bắt gà, vịt về làm lông vì… siêu thị, chợ không ủng hộ việc này. Anh bình luận, thời gian ngày nay là vàng bạc, dành những lúc rảnh rỗi để nghỉ ngơi và trò chuyện, còn hơn là vật lộn với bếp núc.
Nguyễn Minh Hồng - du học sinh Pháp - đồng tình với ý kiến con gái không biết mổ gà, làm lông vịt là bình thường.
“Tôi ủng hộ việc mua thịt làm sạch sẵn về ăn, vì đó còn là vấn đề vệ sinh. Cứ nghĩ đến việc lông gà, vịt khắp nơi đã thấy không sạch sẽ.
Ở nước ngoài, tự làm thịt ở nhà là phạm pháp. Nhiều người Việt Nam tự mua chim bồ câu về cắt tiết, làm thịt, hàng xóm nhìn thấy còn báo công an. Muốn mua con gà, con vịt sống bên này khó như hái sao, vì việc mổ, giết thịt đã có dây chuyền khép kín, đảm bảo an toàn thực phẩm”, Hồng cho biết.
Trần Thị My - thạc sĩ cộng đồng, ĐH La Trobe, Australia - nêu quan điểm, xã hội Việt Nam vẫn có định kiến, phân biệt giới tính trong việc nhà, nhất là nội trợ.
Vị thạc sĩ đưa ra ví dụ: Con gái không giỏi bếp núc là chuyện động trời, con trai chỉ biết nấu mỳ ăn liền lại là điều bình thường. Phụ nữ tan sở phải dọn dẹp nhà cửa, chăm sóc con cái. Đàn ông hết giờ làm đi uống vài cốc bia, về nhà cũng chỉ đọc báo, xem TV.
Đó là định kiến giới rất khó thay đổi. Ngay cả trong lời nói hay sách báo vẫn tồn tại những sai lầm này. Việc chàng trai đưa lên mạng ý kiến chê bai người yêu khi làm chưa sạch con gà, con vịt cũng do định kiến đó.
Công việc nhà là trách nhiệm của cả chồng lẫn vợ. Người chồng cũng phải có 50% trách nhiệm, bất luận đó là lau nhà, giặt giũ hay rửa bát, thổi cơm…Không thể gọi là “chia sẻ” hay “giúp đỡ”.
Chị giải thích, người Việt vẫn còn tư tưởng, đấng mày râu ra ngoài làm việc, phái đẹp ở nhà nuôi con, thu vén gia đình. Những cái gọi là “việc nhỏ” thực ra rất nặng nhọc, đã đặt hết lên đôi vai của phụ nữ.
“Thế hệ trẻ nay đã khác, thời đại văn minh hơn, không còn lý do gì để có thể biện minh cho sự phân biệt giới tính ấy. Đừng dùng việc không biết cắt tiết gà, vặt lông vịt làm lý do để dè bỉu, nhận xét phụ nữ”, nữ thạc sĩ kết luận.