Chị Thạch Ánh Phượng (xã Xuân Thọ, huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai) không đồng tình với quan niệm “thương cho roi cho vọt” vì điều này không còn phù hợp với cuộc sống hiện nay.
Đứng trên góc độ một người công tác giáo dục, thầy Nguyễn Anh Dũng - phó hiệu trưởng trường THCS-THPT Trần Quốc Tuấn (Trảng Bom, Đồng Nai) cho biết: “Giáo viên phải nhẹ nhàng phân tích cho các em cái đúng cái sai, giáo dục các em chịu trách nhiệm về những lỗi lầm của mình. Quan điểm “thương cho roi cho vọt” không còn phù hợp nữa, nhiều em bị đòn roi sẽ chán nản, không đến lớp nữa”.
Thầy tổng phụ trách đội - Đặng Phan Xuân Bình trong vòng tay học trò. |
Thầy Dũng đề xuất giáo viên cần xây dựng một nội quy riêng của lớp do học sinh tự đóng góp để các em tôn trọng những quy định mà tập thể thống nhất.
Khi vi phạm cũng nên xử lý theo từng mức độ khác nhau và đặc biệt chú ý đến những em có hoàn cảnh đặc biệt như gia đình khó khăn, có vấn đề tâm lý…
Để học sinh không vi phạm nội quy thì điều kiện tiên quyết là người giáo viên phải chuẩn mực.
Thầy Dũng giải thích: “Một giáo viên đến trễ thì học sinh cũng sẽ đến trễ. Giáo viên tác phong không chuẩn mực thì học sinh sẽ không tôn trọng. Đến khi phạt các em thì các em rất dễ phản ứng lại”.
Đồng ý với quan điểm của thầy Nguyễn Anh Dũng, tiến sĩ Hoàng Thị Tuyết (ĐH Sư phạm TP.HCM) cho biết: “Trong giáo dục thì nê chú trọng việc kỉ luật không nước mắt, Tức là có thể kỉ luật học sinh nhưng đừng nên đánh các em, dù là đánh thế nào đi nữa”.
Để học trò cảm nhận sự yêu thương
Mặc dù khẳng định trên nguyên tắc, dù bất cứ lý do gì, hành động đánh học trò là sai nhưng cô Nguyễn thị Thu Cúc - hiệu trưởng trường THPT Gia Định, TP.HCM - cho rằng: “Có những giáo viên cũng đánh học trò nhưng cách đánh của họ đủ độ yêu thương để các em cảm nhận như ba mẹ trong gia đình. Các em sẽ không tổn thương dù có thể khóc nhưng không oán trách thầy cô”.
Có những giáo viên cũng đánh học trò nhưng cách đánh của họ đủ độ yêu thương để các em cảm nhận như ba mẹ trong gia đình. |
Theo bác sĩ Phan Quốc Bảo (Bệnh viện đại học Y dược TP.HCM, cơ sở 2) thì trường hợp đột tử có hai nhóm nguyên nhân chính là tai biến não bộ và tai biến tim mạch nhưng thường thấy là tai biến tim mạch xảy ra ở những người trước đó có tiền sử bệnh tim như suy tim, nhồi máu cơ tim...
Bác sĩ Bảo lưu ý: “Ngoài ra, không loại trừ khả năng đột tử do bệnh động kinh. Trường hợp bé có tiền sử động kinh nên có thể bé bị ngạt thở dẫn đến tử vong”.
Về trường hợp thường gặp nhất là tai biến tim mạch, bác sĩ Bảo giải thích: “Có thể do xúc động quá mức, vui mừng, sợ hãi quá mức làm rối loạn hoạt động co bóp của tim dẫn đến ngưng tim. Nếu sau đó không cấp cứu kịp thời thì nạn nhân sẽ tử vong”.
Một nguyên nhân nữa được bác sĩ Bảo đưa ra là hội chứng “Trái tim tan vỡ” đối với những bệnh nhân chưa từng có tiền sử các bệnh về tim. Theo đó, khi gặp những tình huống nguy hiểm dẫn đến quá sợ hãi hoặc sợ hãi kéo dài sẽ làm các mạch máu bị kích thích và sinh ra những độc tố hủy hoại mô cơ tim.
“Nhẹ thì đau nhói lồng ngực, nặng thì tử vong” - Bác sĩ Bảo nhấn mạnh.
Bác sĩ Phan Quốc Bảo cho biết, đến nay việc giáo dục có sử dụng đòn roi vẫn còn gây tranh cãi. Ở các nước phát triển như Nhật Bản, Hàn Quốc vẫn đang áp dụng phương pháp này.
Với tư cách vừa là một một thầy thuốc vừa là một người cha, bác sĩ Bảo chia sẻ: “Tôi không ủng hộ hoàn toàn việc đòn roi các em. Kỉ luật hay nhất là thứ kỉ luật làm các em tự tôn trọng nguyên tắc nhà trường và nhắc nhở các học sinh khác cùng thực hiện”.
Không đòn roi vẫn hiệu quả
Chị Nguyễn Thị Thúy Em (Quận Bình Thạnh, TP.HCM) kể lại: "Lớp12, do lo tập trung luyện thi nên lớp mình đã không soạn bài theo lời dặn của cô dạy Ngữ Văn. Lúc ấy, cô không trách gì cả lớp mà chỉ ngồi lặng khóc. Cảm thấy có lỗi với cô nên cả lớp đã xin lỗi cô. Từ đó về sau, những bạn không thi môn văn vẫn soạn và học bài đầy đủ".
Bạn Anh Thư (cựu học sinh trường THPT Nguyễn Thượng Hiền, TP.HCM) bồi hồi: “Trong giờ kiểm tra một tiết năm 12, tụi em đã dùng phao, mỗi bàn đều có phao. Khi cô phát hiện ra một bạn đang xem tài liệu thì cô nói nếu ai còn dùng thì mang lên bàn cho cô. Hôm ấy, cô không trách phạt gì cả lớp nhưng tụi em cảm thấy không khí rất nặng nề”.
Anh Thư cho biết đến khi lớp trưởng đại diện lớp xin lỗi thì cô mới giải thích. “Những lời cô nói em nhớ đến tận hôm nay” - Anh Thư kể- “Cô xem tụi em như những người trưởng thành nên có gì cứ nói thẳng với cô, có khó khăn thì cô sẽ dời kiểm tra sang ngày khác. Sau hôm đó, những bạn thường quay bài nhất cũng không còn quay nữa”.
Nhớ về những ngày tháng học sinh của mình, bác sĩ Phan Quốc Bảo cho biết khi anh và các bạn phạm lỗi sẽ bị thầy cô phạt lao động quét sân, sắp xếp bàn ghế hoặc dọn rửa nhà vệ sinh.
Bác sĩ Bảo chia sẻ: “Dù biết là đang bị phạt nhưng chúng tôi thực hiện rất thoải mái vì nó không gây tổn thương chúng tôi, càng làm càng thấy thân thuộc với trường lớp mình hơn”.
Thạc sĩ Đào Lê Hòa An chỉ ra các phương pháp giáo dục thay thế như tác động “từ nhân tâm đến nhân tâm”, dùng sức mạnh tập thể (một cá nhân sai phạm - phạt cả tập thể), phân tích - đồng cảm - thấu hiểu, phương pháp hiểu ngược (ra các quy định ngược để các em nhận thức được việc làm sai của mình)...
Cần cảm thông cho người thầy
Nghề giáo là một nghề áp lực. Ở gia đình, các bậc phụ huynh chỉ bận tậm với một hoặc 2-3 con nhỏ, nhưng ở lớp, thầy cô phải bận tâm với gần 40 học sinh.
Cô Nguyễn Thị Thu Cúc bộc bạch: “Mong xã hội chia sẻ với những áp lực của nghề giáo. Thầy cô vẫn bình thường như ba mẹ của các em”.
Theo cô Cúc, thầy cô là người đồng hành âm thầm và sẵn sàng giúp đỡ khi học sinh gặp khó khăn cả trong học đường lẫn cuộc sống. Khi yêu thương đủ đầy, nhà trường sẽ trở thành gia đình thứ hai.
Giáo viên phương Tây phạt học sinh như thế nào?
Tại các quốc gia phương Tây, hoàn toàn không có chuyện giáo viên dùng roi vọt để trừng phạt học sinh. Cách dùng bạo lực để dạy học sinh chỉ còn tồn tại ở châu Á, châu Phi và một số nước Caribbean.
Hình phạt phổ biến nhất ở các trường học tại Mỹ, Anh, Canada… là cấm túc.
Nhà trường buộc học sinh phải có mặt tại khu cấm túc trong giờ nghỉ hoặc sau khi tan học, hoặc thậm chí là ngày nghỉ cuối tuần.
Luật giáo dục các nước phương Tây quy định nhà trường phải thông báo cho phụ huynh ít nhất 24 giờ trước khi học sinh thực hiện hình phạt cấm túc để gia đình chuẩn bị xe cộ đưa con đi hoặc có sự chăm sóc cần thiết.
Ở các trường tại Anh, học sinh bị cấm túc thường phải ở lại trường từ 1-2 giờ sau khi tan học. Đình chỉ là hình phạt đối với những hành vi phạm lỗi nghiêm trọng hơn của học sinh.
Có hai hình thức đình chỉ: trong trường và ngoài trường. Đình chỉ trong trường là học sinh vẫn phải đến trường và ngồi trong một lớp trống. Ngoài trường là học sinh không được đến trường nhưng vẫn phải hoàn toàn các bài tập và không được chấm điểm.
Tại một số trường ở Anh, học sinh bị đình chỉ phải đến trường vào ngày nghỉ. Hình phạt nặng nhất là đuổi học. Đây là biện pháp cuối cùng, khi mọi hình phạt đối với học sinh hoàn toàn vô tác dụng.
Ở một số trường công tại Mỹ, việc đuổi học phải được cơ quan giáo dục hoặc tòa án thông qua.
Tại Anh, hiệu trường có quyền đuổi học học sinh nhưng phụ huynh có quyền kháng cáo lên cơ quan giáo dục địa phương.
Theo khuyến nghị của Hiệp hội Chuyên gia tâm lý trường học quốc gia Mỹ (NASP), giáo viên không nên lạm dụng hình phạt mà phải áp dụng các biện pháp ngăn chặn những hành vi sai phạm của học sinh và dạy các em tính kỷ luật.
Bởi việc lạm dụng các hình phạt có thể dẫn tới những hậu quả tiêu cực như khiến học sinh căm ghét giáo viên và nhà trường và hình thành bầu không khí tiêu cực trong lớp học.
NASP cho rằng giáo viên nên sử dụng những kiểu phạt “nhẹ nhàng” như giám sát học sinh chặt chẽ, khiển trách trước lớp, loại bỏ những ưu ái…
Khi phạt học sinh, giáo viên phải đảm bảo hình phạt hoàn toàn công bằng, hợp lý, mang tính chất giáo dục và hướng thiện. NASP cho rằng chỉ như vậy mới có thể ngăn chặn được các hành vi sai phạm và bạo lực của học sinh.