Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Format-Lifestyle

Dành ngân sách bao nhiêu cho mỹ phẩm, spa hàng tháng

Tùy vào nhu cầu và thu nhập, mỗi người trẻ có một mức chi tiêu riêng dành cho việc làm đẹp. Theo bác sĩ da liễu, điều quan trọng, cá nhân cần thấu hiểu tình trạng da, tóc của mình.

Không ít người trẻ chi hàng triệu đồng mỗi tháng để mua mỹ phẩm và đi spa làm đẹp. Ảnh minh họa: Phương Lâm.

Đầu tư cho làn da, mái tóc là một trong những mối quan tâm hàng đầu của người trẻ. Ngoài những món đồ chăm sóc da cơ bản, họ còn mạnh dạn chi tiền cho mỹ phẩm nhập ngoại và các giải pháp y tế giúp cải thiện làn da.

Theo khảo sát năm 2022 của Q&Me với 345 phụ nữ ở Hà Nội, Đà Nẵng và TP.HCM, có đến 95% người được hỏi thực hiện skincare ít nhất một lần/tuần. Thêm đó, 93% phụ nữ trong độ tuổi từ 25-32 sử dụng các sản phẩm chăm sóc da thường xuyên.

Trung bình hàng tháng, mỗi người dành khoảng 300.000-500.000 đồng cho các sản phẩm làm đẹp. Chất lượng, độ an toàn và thành phần là 3 yếu tố hàng đầu ảnh hưởng đến quyết định mua mỹ phẩm.

Dưới đây, Zing trò chuyện thêm với 4 bạn trẻ để tìm hiểu về ngân sách và cách họ chọn các sản phẩm làm đẹp.

Luôn đến spa hàng tuần
Hoài Châu (32 tuổi, TP.HCM)

my pham anh 1

Hoài Châu luôn đọc kỹ bảng thành phần trước khi chọn mỹ phẩm.

Tôi là một người khá kỹ tính trong việc lựa chọn mỹ phẩm. Thời gian trước, tôi từng chật vật rất nhiều với làn da của mình vì sử dụng loại kem trộn không rõ nguồn gốc.

Khi ấy, da tôi bị bong tróc, sưng tấy và mẩn đỏ. Tôi khủng hoảng trầm trọng và phải mất khoảng 1-2 năm mới có thể hồi phục. Từ đó, tôi nhận thức được tầm quan trọng của việc lựa chọn các loại mỹ phẩm đáng tin cậy.

Hiện tại, tôi chủ yếu sử dụng sản phẩm của những thương hiệu nước ngoài. Bên cạnh các đồ cơ bản như kem chống nắng, toner, tẩy trang và sữa rửa mặt, tôi còn dùng mỹ phẩm chứa retinol để chống lão hóa.

Một sản phẩm tốt, có tên tuổi và giá thành đắt chưa chắc đã phù hợp với làn da của bản thân. Do đó, khi lựa chọn mỹ phẩm, tôi đọc rất kỹ bảng thành phần. Điều này giúp tôi chọn đúng sản phẩm không gây kích ứng, bảo vệ làn da khỏi tác động của thời tiết, môi trường, đồng thời hỗ trợ dưỡng ẩm và chống lão hóa.

Thêm đó, tôi cũng thường xem review (đánh giá) của những beauty blogger có tình trạng da giống mình, cụ thể là những người da dầu để tham khảo các sản phẩm họ chọn.

Mỗi tháng, tôi đầu tư khoảng 4 triệu đồng để chăm sóc cơ thể, trong đó có 2 triệu đồng tiền mỹ phẩm, còn lại là chi phí đi spa. Hầu như tuần nào tôi cũng đến spa để sử dụng công nghệ laser, giúp kích thích tăng sinh collagen, cải thiện độ săn chắc của da, xóa nếp nhăn và thu nhỏ lỗ chân lông.

Mua đồ skincare, nhưng không dùng nhiều
Diệu Vy (26 tuổi, quận 5, TP.HCM)

my pham anh 2

Diệu Vy từng phải vứt bỏ đồ skincare vì mua về nhưng không sử dụng.

Tôi là một người từng rất phung phí khi mua sắm các sản phẩm dưỡng da. Nhiều món đồ skincare mua về nhưng tôi chỉ để đó, không dùng đến.

Trên kệ trang điểm của tôi là hàng loạt mặt nạ, BHA, AHA, kem dưỡng, serum, kem mắt, tonder, xịt khoáng, dưỡng môi, máy massage, máy rửa mặt, xông hơi... Trong đó, serum và kem dưỡng ẩm là những sản phẩm skincare đắt tiền nhất, dao động khoảng 2 triệu đồng/hũ.

Mua về nhưng ít khi nào dùng đến, nhiều lần tôi phải vứt toàn bộ những món đồ cận date hoặc hết hạn sử dụng vì sợ ảnh hưởng đến da.

Sau nhiều lần, tôi hiểu thói quen sinh hoạt và làn da mình phù hợp với chu trình chăm sóc đơn giản hơn, nên tôi học cách thắt chặt chi tiêu, cân nhắc kỹ trước những món đồ mình mua sắm.

Hiện tại, tôi thấy chỉ cần tẩy trang, rửa mặt, dưỡng môi sau mỗi tối là ổn. Buổi sáng, tôi dùng kem dưỡng trước khi sử dụng kem chống nắng. Các sản phẩm này thì chỉ cần mua một lần là dùng được rất nhiều tháng nên không quá tốn kém.

Mỗi tháng, tôi còn trích ra khoảng 500.000 đồng để gội đầu dưỡng sinh, thư giãn. Tóc tôi khá khỏe, ít trải qua hóa chất nên không cần chăm sóc cầu kỳ.

Tính ra, mỗi tháng, tôi chỉ cần chi 1,5 triệu đồng cho việc làm đẹp cho da, tóc mà thôi.

Chăm chỉ skincare vào sáng - tối
Trung Nhật (27 tuổi, quận Bình Thạnh, TP.HCM)

my pham anh 3

Skincare sáng và tối là bước không thể thiếu trong lịch trình hàng ngày của Trung Nhật.

Tôi là người rất đề cao sự quan trọng của làn da và mái tóc.

Mỗi tháng, tôi mua mỹ phẩm, đồ chăm sóc da cơ bản hết khoảng 2 triệu đồng. Bộ mỹ phẩm tôi có bao gồm bông tẩy trang, kem chống nắng, dưỡng ẩm, dưỡng ẩm môi, chấm mụn và xịt khoáng. Chu trình chăm sóc da của tôi luôn diễn ra đều đặn sáng và tối, ít khi nào quên.

Với những ngày làm việc căng thẳng, hoặc sáng hôm sau có sự kiện quan trọng, tôi đầu tư skincare phức tạp, nhiều bước hơn như xông hơi, đắp mặt nạ mắt và môi... Tôi cũng ưu tiên việc mua các mỹ phẩm, đồ skincare, tự dưỡng da tại nhà để tiết kiệm chi phí.

Ngoài ra, mỗi tháng, để "F5" cơ thể, tôi luôn đến một spa uy tín để làm sạch da, tốn khoảng 600.000 đồng/liệu trình. Tôi cũng từng chi 3,7 triệu đồng cho quy trình triệt lông để ngăn chặn tình trạng viêm nang lông, làm sáng da, thu nhỏ lỗ chân lông.

Tính ra, tôi dành khoảng gần 3 triệu đồng/tháng để đầu tư chăm sóc cơ thể. Theo tôi, đây là khoản chi hợp lý, xứng đáng và không quá tốn kém. Đổi lại, tôi luôn có được sự tự tin để xuất hiện trước mọi người.

Chỉ skincare cơ bản
Lương Tín (32 tuổi, TP.HCM)

my pham anh 4

Lương Tín ít khi thay đổi những mỹ phẩm đã dùng quen.

Tôi là nhân viên văn phòng nhưng thường phải đi tiếp khách, gặp gỡ đối tác và kiêm cả công việc MC. Vì vậy, tôi khá chăm chút cho vẻ ngoài của bản thân để có thể xuất hiện tự tin trước đám đông.

May mắn, tôi không gặp các vấn đề như mụn, rỗ nên chỉ cần chăm sóc da cơ bản. Các món đồ skincare của tôi gồm kem chống nắng, tonner, serum, kem cấp ẩm body, gel xịt tóc. Trong đó, đắt nhất là các loại serum phục hồi da có giá khoảng vài trăm nghìn/sản phẩm.

Trước khi mua, tôi thường đọc review để tìm hiểu về các thành phần của mỹ phẩm. Nếu đã tìm được sản phẩm phù hợp, tôi sẽ dùng lâu dài, ít khi thay đổi.

Thỉnh thoảng, tôi có đi spa để tẩy tế bào chết, làm sạch sâu và sử dụng các gói đắp mặt nạ. Số tiền tôi đầu tư cho làm đẹp không nhiều, chỉ khoảng 500.000 đồng mỗi tháng.

Ngân sách không quan trọng bằng phù hợp

Trao đổi với Zing, thạc sĩ, bác sĩ chuyên khoa Da liễu Đỗ Thị Tuyết Nhung, Bệnh viện 198 Bộ Công An, cho biết chăm sóc da hàng ngày là điều rất cần thiết.

"Da cũng giống như lớp quần áo của cơ thể, thường tiếp xúc với nhiều tác động của môi trường như nắng, bụi bẩn, tia UV. Thêm đó, da của con người tăng trưởng liên tục, nên cần cung cấp thêm dưỡng chất để da luôn khỏe mạnh, tươi trẻ và làm chậm quá trình lão hóa", bác sĩ Nhung cho hay.

Tùy vào điều kiện kinh tế, mỗi người sẽ có một ngân sách riêng cho mỹ phẩm. Tuy nhiên, điều quan trọng là người dùng phải phân loại da đúng, đánh giá đặc điểm của da và xác định các vấn đề cần cải thiện để chọn được sản phẩm chăm sóc, điều trị phù hợp.

my pham anh 5

Theo bác sĩ da liễu, người dùng cần có hiểu biết về làn da của mình trước khi chọn mỹ phẩm. Ảnh minh họa: Phương Lâm.

Theo bác sĩ Nhung, mỗi cá nhân nên thực hiện 8 bước chăm sóc da cơ bản sau:

Bước 1: Tẩy trang

Đây là bước quan trọng nhất trong quy trình chăm sóc da. Nếu chỉ dùng kem chống nắng hoặc để mặt mộc, chúng ta chỉ cần nước tẩy trang là đủ. Còn để tẩy lớp trang điểm đậm, bạn hãy dùng dầu tẩy trang để vừa làm sạch sâu, vừa không bị khô da.

Bước 2: Rửa mặt với sữa rửa mặt

Đây là bước bắt buộc trong quy trình skincare. Sữa rửa mặt tạo bọt phù hợp với da dầu hoặc da hỗn hợp. Nếu thuộc những loại da khác, bạn nên dùng dạng gel để da không bị khô và lấy hết dầu.

Bước 3: Tẩy da chết

Bước này chỉ nên thực hiện 1-2 lần/tuần. Tẩy da chết sẽ giúp da sạch sâu hơn, loại bỏ triệt để tế bào chết cũng như lớp sừng còn đọng lại và làm đều màu da, thông thoáng lỗ chân lông.

Bước 4: Dùng toner hoặc lotion

Sản phẩm này có tác dụng cân bằng độ pH, phục hồi da, đem lại làn da mịn màng sau khi rửa mặt. Toner cũng có tác dụng làm sạch tuyệt đối những bụi bẩn còn bám lại trên gương mặt.

Bước 5: Dùng serum đặc trị

Bước dành cho những người đang gặp vấn đề về da như mụn, nám… Nếu serum chứa AHA, BHA hay Retinol thì nên để tinh chất đọng lại trên da khoảng 20-30 phút trước khi chuyển sang các bước tiếp theo. Trình tự sử dụng sản phẩm đặc trị là từ dạng lỏng tới dạng đặc.

Bước 6: Dưỡng ẩm

Nếu da không gặp nhiều vấn đề thì bạn chỉ cần dùng kem dưỡng ẩm, không cần dùng serum đặc trị. Kem dưỡng lành tính là loại có chứa Hyaluronic Acid.

Bước 7: Dưỡng vùng da mắt

Da mắt là vùng da dễ bị quầng thâm, bọng mắt. Vì vậy, bạn không nên bỏ qua bước này. Da ở vùng mắt khá mỏng nên hãy dùng ngón áp út khi massage.

Bước 8: Dùng kem chống nắng

Người dùng cần chọn loại kem chống nắng có thể chống tia cực tím UVA và UVB. Ký hiệu SPF trên bao bì cho thấy sản phẩm có khả năng chống tia UVB. Còn ký hiệu PA dấu * hoặc dấu + là loại chống được tia UVA.

Vai áo quá khổ được lăng xê

Trang phục sở hữu phần vai quá khổ đang được các thương hiệu Proenza Schouler, Laquan Smith, Ferretti nhiệt tình lăng xê. Đây cũng là chi tiết biểu tượng cho quyền lực của nữ giới.

Xu hướng thời trang bền vững tăng dần qua các năm

Bắt đầu từ khoảng năm 2014, số lượt tìm kiếm “quần áo giá rẻ” bắt đầu giảm mạnh, trong khi cùng thời điểm này, số lượt tìm kiếm “quần áo bền vững” tăng mạnh. Trong cuốn Thế giới không rác thải, tác giả Ron Gonen cho rằng sự chú ý vào xu hướng phát triển bền vững trong ngành thời trang đang tăng đột phá dưới sự mở đường của những nhà tiên phong trong lĩnh vực thời trang bền vững như Stella McCartney, Eileen Fisher và Yvon Chouinard của Patagonia.

Bích Ngọc - Mỹ Trinh

Bạn có thể quan tâm