Cuối năm 2021, qua công tác nắm tình hình địa bàn, các trinh sát Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội Công an tỉnh Đồng Nai phát hiện một số nam nữ thanh niên ở các khu xóm trọ bàn tán về những thông tin quảng cáo “cơ hội làm giàu nhanh” trên mạng xã hội. Nhận định đây có thể là trò lừa đảo của những băng nhóm buôn người, Ban chỉ huy Phòng quyết định tăng cường trinh sát vào cuộc.
Qua công tác nghiệp vụ, phát hiện trên địa bàn tỉnh Đồng Nai có một số đối tượng lợi dụng nhu cầu tìm kiếm việc làm của người dân, đã dụ dỗ, tiếp cận các nạn nhân, hứa hẹn đưa sang Campuchia làm việc với mức lương cao.
Các đối tượng sử dụng ôtô đến đón nạn nhân rồi đưa đến khu vực giáp ranh biên giới thuộc tỉnh Long An, sau đó tổ chức đưa các nạn nhân qua Campuchia bằng đường tiểu mạch. Khi đến nơi, các đối tượng ép nạn nhân làm gái mại dâm tại các quán massage, karaoke. Nếu nạn nhân không đồng ý, các đối tượng đe dọa đánh và yêu cầu phải trả tiền chuộc mới được về Việt Nam.
Từ kết quả xác minh và tài liệu thu thập được, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội đã báo cáo đề xuất xác lập chuyên án đấu tranh với đường dây mua bán người trên địa bàn tỉnh Đồng Nai.
Áp giải các đối tượng về trụ sở công an. |
Phá bẫy “việc nhẹ, lương cao”
Sau thời gian củng cố chứng cứ, nắm bắt quy luật hoạt động và phương thức, thủ đoạn của đường dây này, các trinh sát Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội Công an tỉnh Đồng Nai đã lên kế hoạch phá án.
Đầu tháng 1, Công an tỉnh Đồng Nai phối hợp Công an tỉnh Tây Ninh, Hà Tĩnh và Công an TP.HCM đồng loạt triệu tập 5 đối tượng lên làm việc gồm Nguyễn Tiến Dũng (sinh năm 1998 tại xã Kim Song Trường, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh); Lộc Thị Luân (tên thường gọi là Dương, sinh năm 2001 tại xóm 3, xã Xuân Tiến, huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định); Nguyễn Đông Khoa (sinh năm 1969, ngụ số 118/90/22E, Phan Huy Ích, phường 15, quận Tân Bình, TP.HCM); Đoàn Thanh Phong (sinh năm 1990 tại xã Kiến Thành, huyện Đắk R’Lấp, Đắk Nông) và Nguyễn Thị Thúy Hằng (sinh năm 1968 tại phường Hàng Kênh, quận Lê Chân, TP Hải Phòng). Để làm rõ thêm vụ việc, cơ quan công an đã mời 3 bị hại đến để cung cấp thông tin.
Từ thông tin bước đầu của các đối tượng và người bị hại xác định, do quen biết từ trước, Lộc Thị Luân giới thiệu cho các chị: Q., A., T. sang Campuchia làm việc tại các casino với thu nhập cao và hẹn gặp nhau tại TP.HCM. Theo lịch hẹn, khoảng 18h30 ngày 18/12/2021, các chị Q., A., T. và N. (bạn chị T.) đến trước cửa khách sạn trên đường Cộng Hòa, quận Tân Bình và lên ôtô 16 chỗ chạy thẳng đến khu vực giáp ranh biên giới Campuchia, thuộc địa phận tỉnh Tây Ninh.
Trên đường di chuyển, tài xế đón nhóm người quốc tịch Trung Quốc lên cùng nhưng đến gần khu vực biên giới, nhóm người Trung Quốc xuống xe và đi thuyền vượt biên sang Campuchia. Những người còn lại đến khu vực ruộng giáp biên giới, sau đó di chuyển bằng xuồng vượt biên giới, đến TP Kâm Póng Sao.
Tại đây, N. bị tách ra và ép hoạt động tại đường dây đánh bạc qua mạng và bị đưa về khu Kim Sa (thuộc địa phận Campuchia, cách cửa khẩu Mộc Bài 200 m). Còn lại Luân, Q., A. và T. ở lại Kâm Póng Sao và được đưa đến gặp Huỳnh Thị Kiều Loan (sinh năm 2003 tại huyện Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng). Loan ép buộc Q., A., T. hoạt động bán dâm tại cơ sở karaoke và massage.
Chưa kịp nghỉ ngơi sau nhiều ngày liên tục di chuyển từ Đồng Nai đi biên giới các tỉnh miền Đông và miền Tây Nam bộ để đánh án, trinh sát lại phát hiện dấu hiệu về đường dây buôn người khác cũng với thủ đoạn “việc nhẹ lương cao” đang vươn vòi bạch tuộc dụ dỗ, lừa lọc một số thanh niên nam, nữ trong độ tuổi mới lớn.
Trong thời gian ngắn, các trinh sát đã nhanh chóng nắm được phương thức, thủ đoạn của các đối tượng. Cụ thể, thông qua mạng xã hội Facebook đối tượng đăng tải bài viết tuyển lao động với “việc nhẹ, lương cao”, hàng tháng thu nhập từ 15 đến 20 triệu đồng và bao ăn ở.
Thủ tục làm hồ sơ đơn giản, những người có nhu cầu đi lao động chỉ cần chụp hình ảnh CMND, CCCD, gửi số điện thoại cho người giới thiệu việc làm sau đó các đối tượng sẽ lập nhóm để những người có nhu cầu lao động kết nối với người đón đi làm việc rồi hẹn ngày, giờ tập trung tại một khách sạn bất kỳ tại TP.HCM để được đưa đến nơi làm việc.
Tiến hành sàng lọc, đầu tháng 6/2022, trinh sát nắm được danh sách nhóm đối tượng buôn người gồm: Nguyễn Văn Khánh (sinh năm 1993); Lê Văn Lộc (sinh năm 1998 tại xã Khánh Hưng); Phạm Thanh Quy (sinh năm 1989) và Huỳnh Văn Út (sinh năm 1993 tại xã Hưng Điền A, huyện Vĩnh Hưng, tỉnh Long An); Huỳnh Thanh Phong (sinh năm 1980 tại xã Lợi Thuận); Chế Minh Nhựt (sinh năm 1980 tại ấp Bến An Thạnh huyện Bến Cầu, tỉnh Tây Ninh) và Vòng Phát Chương (sinh năm 1987, ngụ số 129/3, Huỳnh Thiện Lộc, phường Hòa Thạnh, quận Tân Phú, TP.HCM).
Sau khi thu thập các thông tin, tài liệu, chứng minh hành vi buôn người của nhóm đối tượng, kết hợp tin từ tổ trinh sát từ biên giới báo về, ngày 22/6, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội Công an tỉnh Đồng Nai phối hợp với các phòng nghiệp vụ, Công an và Bộ đội biên phòng tỉnh Long An, Công an TP.HCM, Công an tỉnh Tây Ninh, bắt giữ các đối tượng và giải cứu các nạn nhân.
Tối 23/6, ngay sau khi các đối tượng đang đưa 7 nạn nhân lên môtô tại khu vực xã Hưng Điền A, huyện Vĩnh Hưng, tỉnh Long An (đoạn giáp ranh biên giới Campuchia) để chuẩn bị vượt biên trái phép, thì tổ công tác lập tức tiến hành bắt người phạm tội quả tang về hành vi tổ chức, môi giới cho người khác xuất cảnh trái phép. Bị bắt quả tang, Khánh, Quy, Út cùng một số tay chân khác đã phải tra tay vào còng.
Cùng thời điểm trên, các tổ công tác được phân công phụ trách khu vực TP.HCM và Tây Ninh đồng loạt tiến hành bắt và khám xét khẩn cấp đối với Huỳnh Thanh Phong, Chế Minh Nhựt, Vòng Phát Chương và Huỳnh Thiện Lộc.
Tại cơ quan công an, các đối tượng liên tục tìm cách chối tội nhưng trước sự cương quyết của điều tra viên, cuối cùng Chương, Khánh, Út, Lộc, Nhựt, Phong, Quy đã cúi đầu nhận tội. Theo lời khai của các đối tượng, từ cuối năm 2021 đến khi bị bắt, cả bọn đã sử dụng chiêu “việc nhẹ, lương cao” để dụ dỗ được trên 200 nạn nhân đưa sang Campuchia bán cho các tụ điểm hoạt động mại dâm, massage, karaoke trá hình.
Nỗi cay đắng của các nạn nhân
Được giải cứu khỏi hang ổ của bọn buôn người, các chị Q., A., T. ngậm ngùi kể, những tưởng sau khi được đưa sang Campuchia theo lời hứa, sẽ được lao động “việc nhẹ, lương cao” nhưng không ngờ khi đến nơi, Huỳnh Thị Kiều Loan đã cho người đánh đập rồi buộc phải đi bán dâm hoặc làm việc ở quán karaoke trá hình. Khi cả 3 người không đồng ý và yêu cầu được về Việt Nam, Loan buộc mỗi người phải nộp số tiền 120 triệu đồng mới cho về. Nếu không đưa tiền, Loan sẽ thu điện thoại và bán cho các cơ sở hoạt động mại dâm khác.
Lục lại trí nhớ, chị Q. đã liên lạc được với người quen tại Campuchia và nhờ người này liên lạc với gia đình cầm cố ruộng đất hoặc những tài sản có giá trị để có tiền nộp cho Loan và khi nhận đủ tiền, bà ta cho người đánh dằn mặt rồi yêu cầu cấm báo công an, nếu không sẽ cho người trả thù trước khi đưa đến khu vực cửa khẩu Mộc Bài, tỉnh Tây Ninh thả sang địa phận Việt Nam.
Riêng nạn nhân N., sau khi bị đưa về khu Kim Sa (khu casino giáp biên giới tỉnh Tây Ninh), bị quản thúc không cho ra ngoài và bị ép làm công việc liên quan đến đánh bạc qua mạng. Chị N. không đồng ý nhưng muốn được chúng thả về đã phải liên hệ với gia đình gửi cho chúng 63.180.000 đồng tiền chuộc thân mới được tự do.
Cũng bị ép buộc, đánh đập và ra điều kiện nộp tiền chuộc thân, anh K. ngậm ngùi kể, anh cùng gia đình từ tỉnh Thanh Hóa vào Đồng Nai tìm kiếm việc làm. Đầu năm 2022, thấy nhiều người nói trên mạng xã hội có đăng nhiều thông tin “việc nhẹ, lương cao”, nên anh lên tìm hiểu. Sau khi đặt hẹn với người quản lý tài khoản mạng, ngay sáng hôm sau, anh được người đàn ông xưng danh là Vòng Phát Chương lên tận TP Biên Hòa gặp mặt và đưa ra những lời hứa đường mật khiến anh chỉ biết gật đầu lia lịa.
Nạn nhân K. chỉ mặt và khẳng định chính Vòng Phát Chương đã lừa đưa anh sang Campuchia. |
Đến hẹn, anh được đưa đến khách sạn ở quận Tân Bình, TP.HCM rồi cùng một số người khác lên xe thẳng tiến biên giới huyện Đức Hòa, tỉnh Long An, sau đó đi xe ôm theo đường ruộng sang Campuchia.
Trước đó, anh nói với Chương là chỉ biết lao động phổ thông nhưng đến nơi, anh được chúng bán cho ông chủ người Trung Quốc và ép phải làm việc trên máy tính. Không thể hoàn thành yêu cầu, anh K. xin xuống làm công nhân bốc vác, nhưng chúng không cho và bắt anh phải trả 4.000 USD mới thả cho về Việt Nam.
“Nhà anh nghèo không thể chạy vạy được tiền, nên chúng nhốt em vào phòng tối rồi đánh đập, không cho ăn uống và thật may mắn được Công an tỉnh Đồng Nai kịp thời giải cứu, nếu không chắc em phải bỏ mạng nơi xứ người...”, nạn nhân K. kể.
Là người trực tiếp chỉ huy các chuyên án, trung tá Võ Nhật Hồng Phúc - Trưởng phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội Công an tỉnh Đồng Nai - cho biết lợi dụng nhu cầu việc làm của người dân tăng cao sau dịch bệnh, các đối tượng tội phạm liên tục tìm cách dụ dỗ để đưa sang nước ngoài làm việc với lời hứa việc nhẹ, lương cao, nhưng thực tế là bị ép vào làm việc không lương tại các cơ sở hoạt động “chui”.
Từ cuối năm 2021 đến nay, Công an tỉnh Đồng Nai đã triệt phá 3 chuyên án buôn người, bắt giữ hàng chục đối tượng và giải cứu thành công trên 60 nạn nhân. Hiện đơn vị tích cực phối hợp với Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội, Bộ Công an tiếp tục giải cứu những nạn nhân còn lại trở về an toàn. Các nạn nhân không chỉ cư ngụ tại tỉnh Đồng Nai, mà còn ở nhiều tỉnh, thành khác.
Qua đây cũng xin gửi lời cảnh báo đến người dân đừng nên đặt lòng tin vào những lời quảng cáo “việc nhẹ, lương cao” trên các trang mạng xã hội vì hầu hết là cái bẫy của bọn buôn người. Nếu phát hiện trường hợp có đối tượng tiếp cận, dụ dỗ thì phải trình báo ngay với cơ quan công an gần nhất để được hỗ trợ.