Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Chi tiêu trong bão giá

Dành tiền cho du lịch trong thời kỳ bão giá

Trước ảnh hưởng của bão giá tới ngành du lịch, Quỳnh Hương điều chỉnh phù hợp với khả năng tài chính, Nguyễn Hằng và Mai Linh không để kế hoạch của bản thân bị gián đoạn.

Khi vé máy bay gần đây tăng cao vì bão giá, Nguyễn Ngọc Quỳnh Hương, giáo viên thiết kế đồ họa kiêm designer tại TP.HCM, lựa chọn các điểm đến có giá cả phải chăng, phù hợp cho những chuyến đi tiết kiệm như Đà Lạt, Vũng Tàu, Phú Yên.

“Một số nơi mình chọn di chuyển bằng xe máy hoặc ôtô, còn lại thì săn vé rẻ trước khoảng 1-2 tháng. Dịch vụ ở các khu du lịch vẫn bình ổn, không tăng quá nhiều, thậm chí có ưu đãi để hút khách nên mình vẫn cảm thấy dễ chịu. Mình chỉ tránh đi chơi vào ngày lễ để không bị đông đúc”, cô nói với Zing.

Theo Hương, hiện tại, khi đi du lịch, lên kế hoạch rõ ràng và lựa chọn điểm đến kỹ lưỡng thì bão giá không thể làm khó.

Du lich thoi bao gia anh 1

Lựa chọn các điểm đến có giá cả phải chăng là cách Quỳnh Hương duy trì đam mê xê dịch thời bão giá.

Điều chỉnh

Giống nhiều người trẻ, cuộc sống và công việc của Quỳnh Hương bị ảnh hưởng vì bão giá. Cô làm thêm gia sư, nhận job freelance để có thể trang trải cuộc sống.

“Với mình, mọi thứ hiện vẫn chưa quá áp lực nên bản thân tự tin có thể kiểm soát được cuộc sống và tiếp tục đầu tư cho các chuyến đi khám phá”, cô cho hay.

Theo Hương, ưu điểm khi đi du lịch thời bão giá là các điểm đến không đông người, tránh được cảnh chen chúc, xếp hàng hoặc tắc đường, kẹt xe. Về nhược điểm, cô lo lắng ngành du lịch sẽ lại bị đình trệ một lần nữa.

“Năm ngoái, du lịch thiệt hại nặng nề do Covid-19. Năm nay, bão giá có thể ảnh hưởng đến việc thu hút khách. Nhiều bạn bè, người thân của mình háo hức đi du lịch vì đang vào thời điểm mùa hè, các bạn nhỏ cũng được nghỉ học. Tuy nhiên, giá vé máy bay tăng gần như gấp đôi so với mọi năm nên nhiều gia đình trẻ xung quanh mình lựa chọn cắm trại quanh vùng ngoại ô để thay đổi không khí”, cô cho hay.

Hương gợi ý mọi người du lịch thời bão giá có thể lựa chọn đi tàu hỏa để vừa tiết kiệm, vừa có trải nghiệm thú vị khi được ngắm cảnh dọc đường và quen biết nhiều bạn mới.

“Hãy xoay xở mọi thứ trong khả năng và bình tĩnh chờ bình ổn giá. Mình mong mọi thứ sớm trở lại bình thường để mọi người có thể thoải mái khi đi du lịch”, cô nói.

Cân đối tài chính

Trước dịch, Nguyễn Hằng (29 tuổi), quản lý cửa hàng ở Hà Nội, đi du lịch 2-3 lần/năm. Cô ưu tiên ra nước ngoài để trải nghiệm nhiều hơn và thường săn vé máy bay giá rẻ trước vài tháng nhằm tiết kiệm chi phí.

Hơn 2 năm qua, Hằng không thể bay quốc tế vì ảnh hưởng của dịch. Khi không thể đi xa, cô thường cùng bạn bè cắm trại ở địa điểm gần Hà Nội.

Gần đây, khi nhiều quốc gia mở cửa du lịch trở lại, Hằng lên kế hoạch đi châu Âu.

“Mình dự định đến Pháp đầu tiên, sau đó có thể sang Thuỵ Sĩ, Đức, Hà Lan. Ngân sách giới hạn trong khoảng 60 triệu đồng. Mình hy vọng mọi thủ tục thuận lợi để được xuất cảnh”, cô nói.

Trong thời bão giá, Hằng không ngại chi nhiều tiền hơn để đi du lịch. Cô cho biết khi mọi thứ đều tăng, bản thân sẽ có kế hoạch chi tiêu hợp lý với khả năng tài chính.

Bạn bè của Hằng cũng chọn xê dịch bất chấp bão giá vì tâm lý muốn giải tỏa sau nhiều tháng chôn chân vì Covid-19.

“Theo mình, mỗi cá nhân có quan điểm khác nhau về du lịch. Người đi để trải nghiệm, người muốn có phút giây riêng tư, nghỉ ngơi, hưởng thụ. Miễn là mọi người biết sắp xếp sao cho phù hợp với khả năng tài chính, còn bão giá là tình hình chung phải chấp nhận”, cô nói.

Hằng chia sẻ thêm: “Đi du lịch vừa được trải nghiệm những thứ mới mẻ, vừa học cách cân đối tài chính thì bão giá có lẽ không là vấn đề quá lớn”.

Tương tự Nguyễn Hằng, Phạm Mai Linh (26 tuổi), nhân viên văn phòng tại Hà Nội, không để bão giá ảnh hưởng tới kế hoạch du lịch.

“Sau dịch, mình rất nóng lòng đi nước ngoài. Mình chọn Thái Lan đầu tiên với các điểm đến là Phuket, Bangkok trong 6 ngày 5 đêm. Riêng vé máy bay là gần 5 triệu đồng cho các chuyến khứ hồi Hà Nội - Bangkok và Bangkok - Phuket. Tính đến ngày 21/5, mình cần các giấy tờ gồm passport, bảo hiểm du lịch có chi trả điều trị Covid-19, Thailand Pass, giấy chứng nhận tiêm vaccine”, cô nói.

Linh cho hay từ trước đến nay, cô luôn đi du lịch theo lối tối giản chứ không phải vì bão giá mà siết chặt hơn.

Cụ thể, từ khi đi làm, Linh đi du lịch khoảng 2-3 chuyến/năm. Về chi phí đi lại, cô gái 26 tuổi không canh vé máy bay giá rẻ vì phụ thuộc vào thời gian làm việc. Tuy nhiên,cô thường chọn chuyến bay rẻ lúc sáng sớm hoặc tối muộn để tiết kiệm hơn.

“Ngoài ra, mình ưu tiên sử dụng phương tiện công cộng. Chỗ lưu trú cũng chỉ chọn nơi đầy đủ tiện nghi chứ không quá sang trọng vì quan niệm đi đến nơi xa phải ra ngoài trải nghiệm”, cô chia sẻ.

Khách nước ngoài chọn Việt Nam vì dễ nhập cảnh, không phải lo về giá

“Hào hứng”, “giải tỏa” là cảm giác chung của nhiều du khách quốc tế sau khi có thể du lịch trở lại. Họ chọn Việt Nam vì chính sách nhập cảnh dễ dàng so với nhiều quốc gia châu Á.

Chi tiêu trong bão giá

Cuộc khủng hoảng phí sinh hoạt tăng cao đang đặt gánh nặng lên nhiều thế hệ, song những người trẻ dưới 30 tuổi có thể là nhóm chịu ảnh hưởng nặng nề nhất. Họ phải cân nhắc các khoản chi tiêu cho thực phẩm, tiền nhà, đi lại, học tập, giải trí. Việc sống độc lập tại đô thị lớn như TP.HCM, Hà Nội chưa bao giờ dễ dàng. Zing Lifestyle giới thiệu những câu chuyện của các bạn trẻ trong thời bão giá, cách chi tiêu và xoay vòng đồng tiền, quản lý tài chính cá nhân để không giảm chất lượng cuộc sống nhưng vẫn cân bằng được việc làm - ăn - chơi.

Thiên Nhi

Ảnh: NVCC

Bạn có thể quan tâm