Sau khi tốt nghiệp cấp 3, nhiều người thoải mái chia sẻ về trường cũ trong khi số khác cảm thấy khó chịu khi thường xuyên bị hỏi hay đánh giá năng lực thông qua tên trường.
Đối với học sinh, việc học trường chuyên - lớp chọn đi kèm với những áp lực khủng khiếp ngay từ lúc còn ngồi trên ghế nhà trường cho tới khi tốt nghiệp, đi làm.
Nhưng nếu không học một ngôi trường danh tiếng, nhiều người lại mệt mỏi, thiếu tự tin khi phải đối diện với sự nghi ngờ về năng lực.
Với người lớn, trường cấp 3 là "chiếc chìa khóa” mở toang cánh cửa đại học, hứa hẹn tương lai xán lạn cho con.
Với nhà tuyển dụng, tên trường cấp 3 là một trong những điều họ quan tâm khi nhìn vào CV của ứng viên. Tốt nghiệp trường trung học danh tiếng là lợi thế không thể phủ nhận trong cuộc đua xin việc.
Zing.vn phỏng vấn 25 nhân vật để ghi lại 10 câu chuyện tiêu biểu về vai trò quan trọng của trường cấp 3 trong cuộc sống, công việc mỗi người từ góc nhìn khác nhau của học sinh, cha mẹ và nhà tuyển dụng.
Nhiều người khi nghe giới thiệu “học sinh trường chuyên” thì luôn nghĩ đứa này hẳn rất giỏi, nhà có điều kiện. Tôi là một trong số những “nạn nhân” của định kiến đó.
Chúng tôi ngoài áp lực điểm số, đỗ đạt cao, đáp ứng nguyện vọng của gia đình, thầy cô thì còn mệt mỏi với những kỳ vọng vô hình của xã hội.
Chẳng hạn, tôi biết có những trường hợp chọn một đại học yêu thích nhưng xếp hạng thấp thì ngay lập tức bị những người xung quanh vây lại hỏi lý do.
Sự trầm trồ mọi người dành cho tên ngôi trường cấp 3 đôi khi là sự ngưỡng mộ, lúc lại là sự xa lánh.
Ở công ty đầu tiên tôi làm việc, khi sếp cũ biết tôi học trường chuyên - nơi có tiếng về học sinh giỏi ngoại ngữ, tôi luôn phải làm việc nhiều hơn người khác.
Sếp mặc định học trường chuyên phải giỏi, nên những cái khó giao hết cho tôi. Nhiều khi phản biện, sếp cho rằng tôi tỏ vẻ và nhận được câu trả lời: “Không phải ai cũng biết tiếng Anh như học sinh trường em”.
Tôi than thở với bạn bè, đồng nghiệp, có người bĩu môi: "Thế là được sếp tin tưởng rồi, còn đòi gì nữa".
Tôi từng học chuyên Văn cấp 3, sau đó tốt nghiệp ĐH Kinh tế TP.HCM. Tôi không thấy có gì đặc biệt, nhưng với nhiều người chuyện đó lại rất bất thường.
Lên đại học, tôi ít khi dám nhận mình ngày trước từng học chuyên Văn. Bởi chỉ cần để lộ ra, tôi sẽ nhận được khoảng nghìn lẻ một câu hỏi kiểu như: “Vì sao học chuyên Văn mà thi Kinh tế”, “Có thuộc hết 'Truyện Kiều' không?”, “Thế kinh tế có cả khối C à?”…
Còn khi làm bài tập nhóm, tôi mặc nhiên trở thành cái máy soát lỗi chính tả, ngữ pháp, câu cú cho những người còn lại.
Tôi bắt đầu thấy phiền, ngại và khó chịu khi bị “tra khảo” về trường cấp 3. Nhưng tự an ủi bản thân sau 4 năm đại học người ta sẽ chỉ quan tâm đến tấm bằng cử nhân mà thôi.
Tôi đã lầm.
Tự tin mang tấm bằng kinh tế loại giỏi đi phỏng vấn xin việc ở một công ty tài chính, tôi vẫn nghe câu hỏi quen thuộc: “Cấp 3 em từng học trường chuyên à? Em học chuyên gì đấy?”.
Tôi có dự cảm chẳng lành: “Em học chuyên Văn ạ”.
Mọi người trong phòng ồ lên. “Thế em có biết người yêu Hàn Mạc Tử tên gì không?”, vị giám đốc ngoài 40 tuổi hỏi.
Tôi đứng hình mất vài giây. Vận dụng hết nơ-ron thần kinh để nặn ra một cái tên mình từng loáng thoáng nghe hơn 5 năm trước: “Hình như là... Thu Cúc ạ”.
Tất cả cười phá lên. Tôi chỉ muốn độn thổ.
Từ đó về sau, tôi không bao giờ viết tên trường cấp 3 của mình vào CV nữa.
Theo khảo sát nhanh của Zing.vn, hơn 70% trong số 105 người tham gia khảo sát là sinh viên, người đang đi làm cho rằng trường cấp 3 rất quan trọng, ảnh hưởng nhiều đến cuộc sống, công việc.
Gần 40% người trả lời từng được nhà tuyển dụng hỏi về trường THPT theo học. 50% người cho rằng học cấp 3 danh giá là điều cần thiết.
31% cảm thấy vui vẻ khi được hỏi tên trường cấp 3. 55% cảm thấy bình thường khi được hỏi vậy. 14% người thấy ngại ngùng khi phải nói về trường cũ.
16% thấy tên trường cấp 3 quan trọng trong CV, 19% thấy không quan trọng, 35% thấy ngại khi đề cập vấn đề này trong hồ sơ xin việc.
Thời trung học, tôi là học sinh tiếng Anh. Lên đại học, tôi chọn ngành tiếng Nhật. Khi tiếng Nhật của tôi ngày một tốt lên và có bằng N1 thì cũng là lúc tiếng Anh đã rơi rớt đi khá nhiều.
Nhưng rắc rối ở chỗ, tất cả mọi người đều nghĩ tôi thông thạo cả tiếng Anh và tiếng Nhật.
Hai năm trước, tôi xin thực tập tại một công ty IT của Nhật Bản ở TP.HCM với vai trò thông dịch viên tiếng Nhật. Tôi là người duy nhất được “đặc cách” phỏng vấn 100% tiếng Anh ngày hôm đó.
“Em có bằng N1, chắc tiếng Nhật khá rồi. Anh thấy em từng học chuyên Anh, mình test một chút nhé”, giám đốc nhân sự giải thích một cách nhẹ nhàng.
May mắn, cuối cùng tôi vẫn được nhận vào thực tập dù trả lời chẳng ra sao.
Tuy nhiên, rắc rối chỉ mới bắt đầu. Sếp trực tiếp biết tôi ngày xưa học chuyên Anh nên có tài liệu bằng tiếng Anh nào cũng ném sang bắt dịch.
Gần đây, người này còn đề nghị tôi làm gia sư dạy kèm song ngữ Anh - Nhật cho con gái đang học cấp 2.
Tôi từng rất tự hào vì học trường chuyên nhưng bây giờ tôi chỉ muốn giấu nhẹm đi cái mác chuyên Anh cho yên chuyện.
Tôi từng học tại một trường chuyên có tiếng ở TP.HCM và giữ chức Bí thư Đoàn trường. Nhìn chung, đa số các học sinh trường tôi khá tự hào khi giới thiệu tên trường mình.
Ngoài việc nhận được cái xuýt xoa, trầm trồ đằng sau cái tên hằng mơ ước ấy, đôi khi tôi cũng áp lực không kém.
Ngay từ khi mới vào đại học, với tiếng làm Bí thư ở trường chuyên và các kinh nghiệm tổ chức hoạt động Đoàn, tôi khá được “săn đón” và kỳ vọng. Tôi khá căng thẳng khi nhiều người mặc định tôi sẽ làm tốt mọi việc.
Bên cạnh đó, nhiều lúc học sinh từ trường chuyên - trường thường vẫn có một khoảng cách nhất định với nhau và thường trở nên xa cách.
Theo tôi, 3 năm học ở ngôi trường cấp 3 là nền tảng cơ bản và bắt đầu hình thành nên thương hiệu của bản thân sau này. Nhưng dù thế nào, mọi người cũng sẽ thay đổi trong tương lai, nên tốt nhất đừng đánh giá nhau qua tên trường để làm gì.
Tôi đang học một trường cấp 3 bình thường, so với các trường danh tiếng khác thì không nổi bật lắm tại TP.HCM.
Trong giới học trò, mọi người rất quan tâm đến trường cấp 3 của nhau, nhất là ở những nơi như lớp học thêm, hội trại, hội thảo...
Chủ đề chào xã giao của chúng tôi trong lần gặp lần đầu tiên thường là giới thiệu về trường lớp. Câu hỏi này chiếm tỷ lệ khá cao.
Mặc dù là số ít, tôi biết vẫn có nhiều cá nhân hoặc nhóm học sinh phân biệt đối tượng để chơi cùng dựa vào tên tuổi trường cấp 3.
Hồi đó, tôi học thêm ở một lớp Toán có những bạn trường giỏi. Vốn tính hòa đồng, tôi làm quen với một bạn đang học ở trường khá có tiếng trong thành phố. Thế nhưng sau khi biết tôi đến từ đâu thì bạn ấy có vẻ “bơ” khi tôi cố gắng bắt chuyện sau đó. Tôi hiểu mình đang bị xa lánh.
Tôi cũng từng chứng kiến trường hợp của bạn tôi, người chuyển từ tỉnh lên thành phố sinh sống. Do học lực tốt và cũng có vài thành tích cao, cậu ấy được chuyển vào một trường điểm của quận. Nhưng vì từng học trường làng, cô ấy khó kết giao với mọi người, thường bị bạn bè cô lập.
Tôi từng học trường cấp 3 bán công vì thi rớt trường công lập. Ở quê tôi, người ta quan niệm học giỏi thì vào trường chuyên, học khá thì vào các trường công lập (công lập cũng chia ra từng cấp độ). Còn bán công và giáo dục thường xuyên chỉ dành cho những đứa học kém, hay phá làng phá xóm.
Tốt nghiệp cấp 3, tôi học nghề vi tính. Đi làm thuê vài năm ở nhiều nơi, đầu năm 2016, tôi về quê, mở một tiệm sửa máy tính bằng tiền dành dụm và vay mượn. Công việc khá tốt, tôi đủ sống, nuôi được đứa em gái học đại học, phụ bố mẹ xây nhà.
Từ đây, trong mắt nhiều người, đặc biệt là hàng xóm, bà con, từ một đứa kém cỏi, phá phách, tôi trở thành một người tốt.
Dù thường được lấy ra làm ví dụ cho việc học bán công vẫn có có thể thành công, tôi không phải là một tấm gương đáng noi theo. Mọi người vẫn muốn con cái mình vào trường chuyên, trường tốt.
Tôi không xấu hổ khi nói ra tên trường mình từng theo học nhưng cảm xúc, phản ứng của người khác đôi khi khiến tôi ngại, có chút chạnh lòng.
Trước mặt con cái mình, nhiều phụ huynh luôn hỏi trước đây tôi học trường nào. Nhìn vào hiện tại, họ kỳ vọng đó phải là một ngôi trường tốt và câu trả lời của tôi sẽ khiến con họ có thêm động lực để học tập.
Nhưng chỉ cần tôi nói hai chữ “bán công”, tất cả đều làm lơ và không hỏi gì thêm. Sự não nề trong mắt họ khiến tôi có cảm giác như mình vừa "giết chết" hy vọng của ai đó.
Tôi có con gái đang học lớp 9 ở trường THCS Tân Sơn. Năm nay, bé thi tuyển sinh vào lớp 10. Tôi khuyên con nên thi Phổ thông Năng khiếu, hoặc ít nhất là đặt nguyện vọng những trường giỏi trong thành phố để có môi trường học tập tốt hơn.
Theo tôi, trường cấp 3 không chỉ ảnh hưởng đến việc học mà còn tâm sinh lý, nhất là khi cháu đang trong tuổi dậy thì. Việc chơi với bạn như thế nào, môi trường học ra sao, thầy cô dạy cái gì rất quan trọng.
Nên chọn cho cháu trường tương đối tốt, có uy tín về giáo dục vì những nơi này chất lượng đầu vào cao. Con được học tập, giao lưu với các bạn giỏi thì phụ huynh cũng yên tâm hơn.
Ở nhà, thường thì chỉ có họ hàng, người quen quan tâm đến trường cấp 3 của con em nhau. Cục cưng nhà mình học kém quá thì bé dễ mặc cảm với các anh chị em họ, bạn bè, bởi thế ai cũng cố gắng hướng cho con học trường tốt.
Chưa kể, định hướng con theo trường tốt thì an tâm được 70% việc thi đại học và tương lai sau này.
Tôi định hướng con đăng ký thi THPT chuyên Lê Hồng Phong vì đây là môi trường tốt, có uy tín về đào tạo tại TP.HCM. Tất nhiên, việc chọn trường dựa trên năng lực học tập của con, không thể quá sức và bắt ép con vào cho bằng được. Tuy nhiên, phụ huynh phải là người biết đặt kế hoạch và thúc đẩy con.
Nếu học ở trường chuyên, con sẽ được học khu biệt, có thể gọi là học lệch luôn để dễ thi đại học, bởi mục đích cuối cùng của việc học xong cấp 3 là thi vào một trường đại học tốt, sau này ra trường dễ xin việc.
Học trường chuyên có thể sẽ áp lực hơn, được mọi người kỳ vọng nhiều hơn nhưng phải như vậy thì các con mới cố gắng hết sức được.
Vai trò của trường cấp 3 rất quan trọng, không chỉ riêng việc học mà còn vì cả môi trường nữa.
Các mối quan hệ khi xây dựng ở trường cấp 3 thường sẽ gắn bó, bền vững nhất. Học ở trường tốt thì khả năng con sẽ được tiếp xúc với nhiều người tử tế hơn.
Cứ ngẫm từ cuộc sống của mình thì thấy, ở TP.HCM, nếu nói từng học ở trường chuyên Trần Đại Nghĩa, Lê Hồng Phong, Năng khiếu hay Nguyễn Thượng Hiền thì người khác nhìn mình khác hẳn. Những ngôi trường này đều có thương hiệu, truyền thống, nên những người từng được đào tạo ở đây sẽ được tin tưởng về năng lực và phẩm chất hơn.
Không thể phủ nhận việc nhiều cha mẹ và ngay cả chính tôi cũng rất sĩ diện với bạn bè, đồng nghiệp việc con học trường cấp 3 nào.
Nếu con học trường danh tiếng, mình vừa tự hào, hãnh diện, mà người khác cũng nhìn mình bằng con mắt khác.
Cha mẹ nào ở Việt Nam không thế?
Kết quả khảo sát của Zing.vn cho thấy 92% trong số 42 người trả lời nếu là phụ huynh, việc chọn trường cấp 3 cho con rất quan trọng.
87% người được hỏi cho rằng việc học trường cấp 3 quyết định đến 99% chuyện vào được trường đại học tốt hay không. Hơn 80% phụ huynh muốn con theo học trường chuyên, lớp chọn vì môi trường đào tạo tốt.
Tôi từng làm ở mảng tuyển dụng một thời gian trước khi chuyển sang vị trí hiện tại. Theo tôi, việc nhà tuyển dụng quan tâm đến trường cấp 3 còn tùy thuộc vào yêu cầu của từng công ty sẽ xét tuyển đến mức độ nào.
Nhưng đa phần tôi thấy việc học trường cấp 3 sẽ ít được nhà tuyển dụng quan tâm, và thường trong CV cũng không mấy ai đề cập đến trường cấp 3.
Tuy nhiên, có một số nhà tuyển dụng hoặc công ty thường quan tâm đến trường đại học, ưu tiên hoặc chỉ chọn sinh viên của một số trường đại học nhất định. Phần này có thể liên quan đến việc các ứng viên đó học cấp 3 ở trường nào.
Nếu ứng viên học trường chuyên, cơ hội để vào các trường đại học danh tiếng hoặc các trường được nhà tuyển dụng yêu thích lớn hơn. Tuy nhiên, điều đó không đồng nghĩa bạn học ở trường thường là không được.
Đại học là bậc giáo dục cao hơn phổ thông trung học nên đây cũng là tiêu chí đánh giá tốt hơn bậc trung học.
Tôi và bạn bè vẫn hay nói với nhau rằng trước đây điểm số quan trọng vì vai trò của người học sinh là ăn và học. Người ta muốn làm đúng và tốt vai trò của mình.
Nhưng với nhà tuyển dụng, cái được quan tâm nhiều hơn là tư duy, cách suy nghĩ (nếu chưa có kinh nghiệm), và nếu có kinh nghiệm, họ quan tâm đến chuyện ứng viên đã làm gì và giải quyết công việc như thế nào.
Trong các buổi phỏng vấn, tùy vào từng trường hợp mà tôi hỏi tên trường cấp 3 của các ứng viên.
Tôi sinh ra và lớn lên tại TP.HCM nên sẽ hỏi rõ nếu ứng viên ở đây, nhưng nếu họ đến từ các tỉnh thành khác thì thôi. Trừ khi CV ghi rõ học trường chuyên, tôi sẽ hỏi chuyên gì.
Một số người có thể ghi khá chi tiết về trường THPT mình từng theo học trong CV nhưng cũng có người không viết gì. Theo tôi các ứng viên nên viết tên trường cấp 3 của mình. Đó là một phần quan trọng trong quá trình học tập của bạn và sẽ được nhiều nhà tuyển dụng chú ý.
Tên trường cấp 3 chắc chắn không nói hết trình độ, năng lực của ứng viên, nhưng không phủ nhận tôi có thiện cảm, ấn tượng tốt hơn với những người từng học trường có tên tuổi.