Đảo đầu lâu ghê rợn có thần thụ 'xua đuổi' mùi tử khí
Thứ tư, 14/8/2019 22:01 (GMT+7)
22:01 14/8/2019
Làng Trunyan (Bali, Indonesia) có một tập tục khiến nhiều người nghe thôi cũng lạnh gáy. Xác người chết không được chôn mà để vào lồng tre, phơi nắng cho đến khi phân hủy hết.
Lối vào khu nghĩa trang đặc biệt của làng Trunyan có những hàng dài đầu lâu xếp ngay ngắn. Đó là những gì còn sót lại sau tập tục mai táng kỳ lạ của họ. Không phải người làng Trunyan nào cũng được hưởng "đặc quyền" đó. Phong tục bỏ xác người chết vào lồng tre, phơi nắng đến khi phân hủy hoàn toàn chỉ dành cho ai đã lập gia đình. Những người không đủ điều kiện sẽ được chôn bình thường tại nghĩa trang khác. Ảnh: Getty.
Khi người "đủ điều kiện" qua đời, xác của họ sẽ được đem qua hòn đảo bên kia hồ Batur bằng thuyền. Người thân tắm rửa sạch sẽ, mặc quần áo cho xác chết, chỉ để lộ phần đầu. Sau đó, người ta đặt những cái xác này vào lồng tre, phơi dưới nắng. Ảnh: Getty.
Nhiều người quan ngại việc không chôn xác sẽ gây ra những ảnh hưởng xấu. Sâu bọ, chim chóc sẽ đến và phá hủy thi hài người chết. Mùi hôi thối bốc lên cũng khiến hòn đảo ô nhiễm, ẩn chứa bệnh dịch tiềm tàng. Tuy nhiên, người Trunyan có cơ sở để tiếp tục truyền thống của mình. Ảnh: Getty.
Taru Menyan là cây thần thụ trên đảo mà người dân đồn đoán đã có tuổi đời hơn 1.000 năm. Cây này tỏa ra hương đặc biệt, có thể xua tan mùi tử khí. "Nếu để ở nhà, xác chết sẽ bốc mùi hôi thối. Tuy nhiên, khi đặt quanh cây Taru Menyan, bạn sẽ chẳng ngửi thấy mùi gì. Đó chính là phép thuật của thần thụ", một người làng Trunyan trả lời BBC. Ảnh: Getty, David Hatfield Photography.
Xác chết sau khi phân hủy sẽ được cải mộ bằng cách lấy hộp sọ, đặt lên bàn thờ đá dưới gốc cây. Qua nhiều thế hệ, sọ người xếp thành dãy dài khiến nơi này được gọi với tên "đảo đầu lâu". Ảnh: David Hatfield Photography, Shutterstock.
Người Trunyan không đặt quá nhiều lồng tre quanh Taru Menyan. Họ sử dụng 11 lồng vì đây là con số thiêng trong Hindu giáo. Khi số người chết vượt quá số lồng, họ sẽ phải chuyển những hài cốt lâu năm nhất đến một khu vực lộ thiên, nếu xương còn nguyên vẹn. Nhiều bộ hài cốt bị mất xương trước khi được chuyển đi. Người ta đoán lũ khỉ trên đảo chính là "thủ phạm". Ảnh: David Hatfield Photography, Getty.
Phụ nữ tuyệt đối không được đặt chân lên hòn đảo này. Theo họ, nếu một phụ nữ trong làng cố tình tới đây, cả làng Trunyan sẽ phải chịu thảm họa kinh hoàng như động đất, núi lửa. Đàn ông sẽ làm tất cả, từ việc đưa hài cốt ra đảo, tắm rửa và cải mộ. Ảnh: Getty.
Sự kỳ bí của "đảo đầu lâu" biến nơi này thành điểm du lịch hút khách. Theo Atlas Obscura, du khách đến đây hầu như không phàn nàn về mùi hôi thối của xác chết. Để tới đây, bạn sẽ phải thuê thuyền (đã bao gồm tiền quyên góp cho làng) với giá 400.000 IDR/người (khoảng 650.000 đồng). Ảnh: Getty.
Môi trường sống biến mất khiến số lượng cá thể koala ở Australia sụt giảm. Tuy nhiên, nhiều con koala đã được cưu mang và nuôi trong điều kiện tốt ở công viên Symbia.
Ý tưởng ra đời khu resort làm từ tre dựa trên tinh thần bảo vệ thiên nhiên của người Bali (Indonesia). Nơi đây gồm 12 căn biệt thự tiện nghi với khuôn viên vui chơi cho du khách.